Ai cũng hiểu năng lực để mỗi con người vào đời không chỉ bó hẹp trong yêu cầu ghi nhớ, tích lũy kiến thức mà còn để phân tích sâu, vận dụng sáng tạo trong công việc và để sống tốt hơn. Môn Ngữ văn, trong ý nghĩa văn là đời càng cần vậy. Học Ngữ văn hiện nay không còn chủ yếu là đi vào khai thác cái hay cái đẹp của ngôn từ, của hình tượng nghệ thuật, mà còn để cái hay cái đẹp ấy giúp học sinh có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tốt, sống tích cực, nhân văn. Chính vì vậy, có lẽ chưa khi nào yêu cầu trải nghiệm trong hoạt động dạy và học Ngữ văn lại cấp thiết đến thế. Với vai trò là người dẫn đường cho học trò tham gia trải nghiệm, giáo viên dạy Ngữ văn cũng cần vừa năng động vừa có chiều sâu. Đó cũng chính là những trải nghiệm làm thầy, với tinh thần mới: Như chưa hề có một lối mòn!
Trải nghiệm và trải nghiệm để phát triển năng lực
Từ thưở khái niệm học trải nghiệm còn tinh khôi, ta đến với yêu cầu trải nghiệm qua bước nhận thức. Người dạy Ngữ văn cần nhận thức đúng về trải nghiệm học tập, trải nghiệm sáng tạo trong môn học của mình. Hiện nay, trong cuộc sống và trong giáo dục, từ trải nghiệm được nhắc đến rất nhiều. Nhưng thực chất nên hiểu thế nào về trải nghiệm và trải nghiệm môn Ngữ văn.
Vài chục năm qua, khi chúng ta chưa chính thức bàn về dạy học để phát triển năng lực, hầu hết các nhà trường đã đều đã tổ chức cho học sinh các hoạt động tham quan dã ngoại, tham gia bảo vệ môi trường, tham gia lao động công ích, đi đến các bảo tàng…, song đó đã phải là trải nghiệm học tập, trải nghiệm sáng tạo chưa? Xin thưa: Chưa. Đó chỉ là trải nghiệm đời sống nói chung. Sự “nghiệm” chủ yếu là tùy cảm nhận và mang tính chiêm nghiệm cá nhân chứ không theo một nội dung, khung thang nào cả, nên khó có thể đánh giá được.Thực chất đó là trải chứ chưa nghiệm theo yêu cầu giáo dục. Ấy là nếm trải mà chưa chiêm nghiệm có mục đích. Trải nghiệm trong giáo dục có mục tiêu cao hơn. Đó là nhằm tăng cường kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Với môn Ngữ văn (vừa luyện ngôn ngữ vừa cảm thụ văn chương) thì lại càng cần từ nhìn nhận thực tế cuộc sống, vận dụng sáng tạo kiến thức để nói hay, viết tốt và sống ý nghĩa hơn.
Trải nghiệm với mục tiêu phát triển năng lực làm cho hoạt động trải nghiệm thành đường đi có đích. Khi học Ngữ văn, năng lực của học sinh được hình thành và củng cố. Song các năng lực đó hòa quyện và tích hợp vào nhau nên việc cố “điểm danh, kiểm mặt”, cố tìm tên gọi thì dễ thành ra dán nhãn tùy tiện, cho nội dung trải nghiệm thực tế. Ví dụ đưa ra câu trả lời rằng nếu đưa học sinh đi thực tế thì thúc đẩy được những kỹ năng gì, các kỹ năng ấy sẽ hợp thành năng lực gì? Hay sau trải nghiệm, báo cáo và thuyết trình thì sẽ luyện được những kỹ năng nào, rồi quy về tên năng lực là... Bởi vì các năng kỹ năng đan lồng và khó tách bạch đơn lẻ. Vậy nên trong tham luận này, chúng tôi xin không nêu vấn đề theo hướng đuổi chạy theo “vẽ rắn thêm chân”, nên cũng không cố liệt kê kỹ năng để hợp thành tên năng lực.
Từ giờ học thực tế đến trải nghiệm trong dạy học Ngữ văn
Nhớ lại thưở ban đầu, đứng trước nhu cầu đổi mới dạy học môn Ngữ văn thôi thúc, một số nhà trường và giáo viên đã sáng tạo và chủ động tổ chức giờ học có thâm nhập thực tế. Học thực tế sẽ đem đến cho học sinh sự hứng thú học tập. Ở đó, người thầy bớt lối cảm thụ văn hộ trò rồi tiến hành đọc - chép. Mở không gian học tập mới ở ngoài lớp, ngoài trường đã tạo ra sự “đổi gió”. Đó là đáp ứng nhu cầu chính đáng “Trăm nghe không bằng một thấy”.Khi được tham gia tìm, xây dựng nội dung học, trò sẽ nhớ lâu và quý kiến thức hơn. Thực tế hiện nay, giữa bão thông tin, nếu chỉ yêu cầu ghi nhớ thì học sinh ít “chịu” học thuộc các con chữ, những văn bản dài. Thế nên, việc phải tạo ấn tượng, điểm nhấn đã trở thành đòi hỏi bức thiết trong các giờ Ngữ văn.
Xin cùng nhớ lại, khoảng 17 -18 năm trở về trước, giáo viên dạy văn chỉ cầm một bức ảnh chân dung tác giả (cỡ bằng tờ A$) đi giữa các dãy bàn là học sinh đã nhoài người xem trầm trồ và hứng thú. Giờ dạy đó ấn tượng vì có giáo cụ trực quan. Từ năm 2008, một số nhà trường (trong đó có trường tôi công tác) “phủ sóng” ứng dụng công nghệ thông tin để giúp bài giảng sinh động. Những hình ảnh phong phú, trích đoạn phim tư liệu đã rất cuốn hút với học trò… Nhưng đến nay, clip và phim ảnh cũng không còn mới nữa. Và “Tiếng gọi nơi… thực tế”đã vang lên thôi thúc những thầy cô giáo dạy văn theo xu hướng tiến bộ.
Tiếng gọi ấy vang động khi đang học và ngân dài sau khi bài học ngỡ đã hoàn thành. Cần học từ thực tế, vì cách học này mới thực sự giúp vừa dạy chữ vừa dạy người. Kiến thức được khắc sâu hơn, tình cảm và năng lực giao tiếp, ứng xử lễ nghĩa đã được khơi dậy và luyện rèn. Ví dụ như khi chúng tôi đưa học sinh đi thăm mộ các danh nhân ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), hay khi thăm gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng cùng mộ phần của ông (nhà văn được an táng ngay trong khuôn viên của gia đình), chứng kiến học sinh nối bước thầy và bạn học theo nhau cùng kính cẩn thắp hương, cùng nâng niu từng kỷ vật của nhà văn mới hiểu các con đang được tham gia hoạt động “tự giáo dục” rất tốt. Điều này nếu chỉ học qua sách vở ở trong lớp khó có thể mang hiệu quả giáo dục như vậy. Sau đó, khi trở về, chúng tôi yêu cầu học sinh viết thu hoạch và trình bày trước lớp, ai cũng hào hứng, ngay cả học sinh học chưa tốt môn Ngữ văn cũng thấy “có cái để viết, có chuyện để nói”. Từ đó, cơ hội học hỏi qua chúng bạn được mở ra, năng lực viết và thuyết trình được rèn luyện.
Người xưa có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cái “khôn” chính là sự hiểu biết về kiến thức, thấu cảm về những điều thiêng liêng, quý giá để hiểu dân tộc mình, yêu đất nước mình và chủ động hội nhập quốc tế. Đó là những thu nhận không thể có nếu chỉ nghe nói, xem qua phim ảnh. Các trường theo xu hướng tiến bộ cần triển khai nhiều hoạt động đổi mới thúc đẩy chất lượng học tập để đào tạo nên những con người năng động. Song nếu chỉ dừng ở tính thực tế của “giờ học thực tế” thì chưa đủ. Trải nghiệm sáng tạo khác với trải nghiệm đơn thuần.Vì trong đó cần hiệu quả sáng tạo của việc tổ chức đi và thu kết quả khi về. Trong đó, chú trọng đánh giá hiệu quả phát triển năng lực. Trải nghiệm sáng tạo cần quy mô và có kế hoạch. Chương trình nhà trường nêu rõ từ đầu năm học. Ban giám hiệu chỉ đạo, giáo viên tổ Ngữ văn đồng lòng để nâng chất lượng bộ môn. Với xu hướng tích cực liên môn hiện nay thì việc kết nối giữa các bộ môn để thực hiện chuyên đề đạt hiệu quả học tập luôn thôi thúc xây dựng và định hình rõ từ khi lên kế hoạch đến qua trình thực hiện.
Các bước tổ chức trải nghiệm sáng tạo
Tôi đề xuất đưa ra một hình ảnh giúp dễ hình dung về trải nghiệm sáng tạo. Đó là cây trải nghiệm sáng tạo:
C: Thu hoạch C (Trò thực hiện và thể hiện)
B: Kế hoạch giáo dục (Thầy xây dựng)
A: Thực tế
Phần rễ cây là thực tế được tiếp nhận (A), phần thân cây là kế hoạch và phân công, hướng dẫn tìm hiểu (B). Phần tán lá và hoa trái là thu hoạch (C). Như vậy, mức A là thực tế để bắt rễ tương ứng với đi tham quan. Mức B là kế hoạch và hướng dẫn thực hiện tìm hiểu. Mức C là thu hoạch và báo cáo kết quả trải nghiệm. Để có kế hoạch tốt và tổ chức thu hoạch hiệu quả cần sáng tạo từ cách tổ chức đến chia nội dung đảm nhiệm. Trải là gốc (A), nghiệm có 2 phần. Phần kế hoạch “nghiệm” (B) do thầy xây dựng là chính và (C) thể hiện “nghiệm” tích cực, chủ động của trò.
Một số hoạt động trải nghiệm gần đây
Nếu chỉ có mô hình hóa qua hình cây ở trên mà không đi vào việc làm thực tế của một nhà trường thì cũng dễ bị coi là nói suông, chưa trải nghiệm vậy. Sau đây là một vài chia sẻ để trải lòng và nghe góp ý với mục đích mình họa. Tại trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), không chỉ học trò mà chính giáo viên chúng tôi đã lần lượt qua các nếm trải thực tế và chiêm nghiệm nhất định.
1. Bảo tàng không tĩnh: Chúng tôi vẫn đưa học sinh đến bảo tàng nhưng có mục tiêu rõ ràng là hãy làm sao khiến cho bảo tàng luôn sống động và ấn tượng trong tâm trí của học trò. Ví dụ trong năm học 2017- 2018, Nhóm chuyên môn Lịch sử đưa các con đến Bảo tàng Lịch sử, nhóm Sinh học đưa học sinh đến Bảo tàng Thiên nhiên, thì Tổ Ngữ văn đưa hơn 300 học sinh khối 10 đến Bảo tàng dân tộc Việt Nam. Trước khi đi học sinh được tách thành các nhóm và giao việc theo các không gian trưng bày để khi đến bảo tàng, bên cạnh việc học sinh cùng nhau được trải rộng khắp, còn chia nhóm khắc sâu nghiệm qua nhiệm vụ cụ thể. VD: Khi đi đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giáo viên môn Ngữ văn của lớp đã giao cho Nhóm 1quan sát ghi chép, quay video, chụp ảnh tại khu vực trưng bày trong nhà về 54 dân tộc. Nhóm 2 nhận nhiệm vụ ở khu vực dựng cảnh các nếp nhà và phong tục của các dân tộc ở ngoài trời. Và nhóm 3 sẽ tham quan và ghi nhận sâu ở tò nhà trưng bày Đông Nam Á. Chúng tôi gọi đó là “đầu tư có trọng điểm” để học sinh xác định sự chú ý và có “gốc” cho khả năng sáng tạo. Sau đó, trở về từng nhóm báo cáo và thể hiện sản phẩm chuyên sâu về khu vực được giao. Nếu tổ được giao thực hiện chưa thuyết phục thì chính những bạn ở nhóm khác có thể bổ sung và chất vấn. Đây là cách tránh “cục bộ” chỉ chăm chú vào việc của mình. Nhờ vậy, học sinh vẫn có ý thức lắng nghe và thi đua cùng nhau. Tổ nào có nhiều ý kiến “trái miền phân công”, mà vẫn làm tốt phần của mình sẽ được ghi nhận để xếp loại, đánh giá. Nếu như nhóm Sinhhọc có “vĩ thanh” tham quan bảo tàng Thiên nhiên với cuộc thi “Cây và trường” trong Lễ hội Xuân yêu thương ngập tràn hương sắc, thì Tổ Ngữ văn cũng có cách lưu dấu Bảo tàng dân tộc học bằng các sản phẩm thể hiện văn hóa - văn học các dân tộc: Muôn dặm văn chương, cội nguồn dân tộc.
2. Trải nghiệm yêu thương: Tổ Ngữ văn đã đưa học sinh tham dự ngày thơ nhiều năm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhưng rằm tháng Giêng năm nay, khi kế hoạch trải nghiệm được xây dựng sáng tạo thì hiệu quả cũng vượt trội. Tham dự Ngày thơ Việt Nam năm 2018, trở về, các trò cùng tham gia nộp bài thi sáng tác thơ, bình thơ hay. Các bài thơ tiêu biểu đã được chọn đọc trong chuyên đề “Liên hoan thơ” của học sinh khối lớp 10. Đúng là “Đi xa rồi lại về gần”, hiệu quả lần này góp phần khẳng định trải nghiệm không có nghĩa cứ phải đến những nơi thật xa, thấy những việc thật lạ mà có những trải nghiệm ở chính Hà Nội, tại trường lớp của mình. Học sinh nói lên được lên tiếng lòng của mình giúp thầy thêm hiểu trò, bè bạn thêm hiểu nhau và phụ huynh cũng thêm hiểu con mình hơn. Trong chuyên đề môn Ngữ văn, chúng tôi chú trọng dạy làm người bằng trải nghiệm yêu thương. Học sinh đã có cơ hội chia sẻ về tình cảm của mình. Chúng tôi đã cùng học trò xúc động chứng kiến một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ của gia đình học sinh.
3. Trải nghiệm để hội nhập: Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, học sinh được đưa đi thăm Đại học Anh quốc, RMIT, FPT, Trung tâm Văn hóa Mỹ, Pháp Viện Goethe, Phân viện Puskin ở Hà Nội, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam… Đến đây, việc trải nghiệm nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Nhật (có lớp học tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ hai ở trường). Gặp gỡ các là chuyên gia Văn hóa và giáo dục nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhờ việc học ở trường các trò đã tiếp xúc thường xuyên với giáo viên người nước ngoài nên đến các nơi này các em rất chủ động và tích cực. Kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình được phát triển mạnh. Từ đó, năng lực trình bày giàu sức thuyết phục được rèn luyện tốt.
4. Hành trình tri ân: Cuối năm 2017, trường chúng tôi đã tổ chức học trải nghiệm sáng tạo cho 300 học sinh khối 12 (năm thứ ba). Đó là liên môn Ngữ Văn-Lịch sử - Địa lý - Giáo dục Công dân - Giáo dục Quốc phòng. Chương trình mang tên “Hành trình tri ân”, thầy trò nhà trường và các bậc cha mẹ đã đồng hành về miền Trung thân thương, cùng bên nhau thắp sáng tin yêu giữa lòng đất nước. Học sinh được bên nhau trong tình thầy trò, bạn bè trong sáng và ấm áp. Một trải nghiệm xa nhà 3 ngày 2 đêm giúp mỗi trò Hà Nội có cơ hội phát triển năng lực tự lập để trưởng thành hơn. Học sinh đã được hiểu về những điều thiêng liêng để bớt sự hời hợt thường có ở giới trẻ thời bình. Qua bản thông báo kế hoạch trải nghiệm gửi về các gia đình, ngay từ đầu, học sinh và phụ huynh không coi đây là dịp tham quan dã ngoại. Các trò đã xác định đây là dịp thực tế học tập mang nhiều ý nghĩa cao quý và thiết thực. Bởi lịch trình các địa chỉ đỏ như Ngã Ba đồng lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải và Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Nhìn lại tổng cộng hơn 1000 cây số đi và về, học sinh đã thấu hiểu đó là hành trình của lòng biết ơn sâu nặng, hành trình về với những con người làm nên lịch sử. Có thể nói qua trải nghiệm lần này, trong hành trình cuộc đời mỗi học sinh, đã có ánh sáng ân nghĩa được thắp lên!
Sau chuyến đi trải nghiệm 3 ngày 2 đêm ấy, trở về, học sinh Vũ Huyền Thương lớp 12C2 đã thốt lên trong bài viết của mình: “Mộ các liệt sĩ cứ mênh mông bạt ngàn như không có điểm dừng. Trước khi đến đây, tôi vẫn biết có rất nhiều người đã ngã xuống tại đây song khung cảnh hiện ra trước mắt thật xa với sức tưởng tượng của tôi rất nhiều”. Còn học sinh Dương Thái Hoàng An lớp 12D1 viết những vần thơ: Nghĩa trang Đường Chín mênh mang/ Mười ngàn Liệt sĩ nối hàng tiếc thương/ Hy sinh ngày ấy - chiến trường/ Nguyện mong làng xóm, phố phường bình an/ Lòng không một chút oán than/ Cầm chắc tay súng đánh tan quân thù/ Máu thấm đất, hồn thiên thu/ Lẽ nào ta lại lơ mơ ngủ lười/ Sách vở có lúc xa xôi/ Liên minh bóng đá, mải vui nhiều trò/ Đi Quảng Trị ngẫm mà lo/ Ân hận tìm đến bến bờ tri ân…
Sau chuyến đi Quảng trị, viết về Thành cổ Quảng Trị, học sinh Nguyễn Dương Hương Nhi 12D1 viết: “Thành cổ Quảng Trị - một nghĩa trang không có những nấm mồ. Khác vớiNghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sĩ nào cũng có mộ, dù niết hay chưa biết tên. Nhưng ở Thành cổ Quảng Trị thì các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung đó. Thương lắm khi biết tại mảnh đất đó, thân xác các anh đã hòa vào cùng cây cỏ, đất trời.”
5. Hành trình nhận nắng phương Nam: Vào tháng 3, các giáo viên chủ chốt cùng 25 học sinh xuất sắc của trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đã tham gia một chuyến trải nghiệm xa 1750 km tới thành phố mang tên Bác kính yêu. Việc đổi mới phương pháp ở thành phố Hồ Chí Minh rất tích cực. Điểm đến của đoàn là trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý và Trường THPT Lê Quý Đôn. Một ngôi trường chưa đến 10 năm tuổi và một ngôi trường có lịch sử 140 năm. Điểm chung là cả hai ngôi trường này đều rất mạnh về đổi mới hoạt động, đổi mới phương pháp dạy học, tương đồng về mô hình. Cũng trong chuyến đi phương Nam này, với mỗi học sinh không thể quên kỷ niệm được chui trong địa đạo Củ Chi cùng thầy cô và bè bạn. Nhờ thế, sau trải nghiệm, những bài học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Văn học sẽ thấm thía hơn nhiều.
Thay lời kết
Với những gì đã bàn trên, nhìn lại có thể phân cấp, chia 3 mức độ rõ về trải nghiệm. Tham quan là loại trải nghiệm mang tính vui chơi và tùy hứng, giờ học thực tế với yêu cầu viết cảm nhận sau chuyến thực tế chính là hình thức học tập trải nghiệm trên đường chính quy hóa. Bậc cao nhất là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bậc này chính thức khẳng định vai trò của hoạt động trải nghiệm trong đổi mới giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh.
Trong môn Ngữ văn, cơ hội phát triển năng lực không chỉ đem đến cho người học, mà ngay cả người làm thầy dạy văn chương cũng được “bứt” khỏi sách vở, để có đường dẫn sinh động nối giữa văn với đời. Các nhà văn lăn lộn thực tế để có tác phẩm hay, các thầy cô giáo muốn thấu cảm tác phẩm, cũng nên đi vào thực tế là vậy. Khi trò trải nghiệm học thì thầy, cô giáo cũng được trải nghiệm để khắc sâu và nâng bậc cho chính mình. Đó là những hành trình hữu ích và ý nghĩa với cả người dạy và người học.
Không chỉ cùng học sinh trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà thầy cô cần có khát khao học hỏi tự trang bị những trải nghiệm thực tế riêng. Nhờ vậy, khi dạy học, nhất là môn Ngữ văn, người làm thầy mới có “nhiệt huyết” để thành công, chống tình trạng học sinh ngủ gật và phân tán vì bài mang tính sách vở khô nhàm, nhạt nhẽo vì văn xa với đời. Những dòng chữ trên trang giấy ngày càng cần kết nối với hơi thở phập phồng của đời sống.
Chắc chắn làm thầy “dạy trải nghiệm” sẽ khổ hơn thầy “dạy bình thường” và lại gặp nhiều áp lực từ các phía. Nếu giáo viên thụ động, nếu thiếu bản lĩnh thì sẽ luôn bị căng thẳng. Và thầy cô nào thiếu ý thức tự trang bị là sẽ bị mất vị trí thầy (đúng nghĩa) trong mắt học sinh. Khi đến nơi trải nghiệm người đứng lớp là các hướng dẫn viên, các nhân chứng của di tích hoặc sự kiện đã thực sự làm thầy và giáo viên lại là học trò bên học sinh của mình. Khi trở về lớp, người thầy luôn đào sâu và có phương pháp tư duy khoa học sẽ lý giải, phân tích, tổng hợp nâng cao được cho học trò ở một tầng khác. Từ những điều dù học sinh đã được mắt thấy tai nghe, thầy tiếp tục khơi nguồn để đầu nghĩ và tay viết, để làm nên các sản phẩm học tập sáng tạo.
Như vậy, bên cạnh những lời ích mà việc học tập trải nghiệm đem lại cho học sinh như đã bàn ở trên, mỗi người làm thầy thực sự đã được nâng tầm là nhờ tham gia tổ chức hoạt động tổ chức học trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.