Những lưu ý ngay sau khi trúng tuyển
ThS Dương Văn Bá - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) nêu quan điểm, thay vì quan tâm đến biến động của điểm chuẩn vào các trường ĐH, thí sinh cần lưu ý những việc cần làm ngay sau khi biết mình có nằm trong danh sách trúng tuyển của đợt này hay không. Theo đó, với những thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển, cần chú ý các mốc thời gian quan trọng. Cụ thể, từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mở Hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Đây là việc bắt buộc các em phải làm trước khi nhập học vào trường.
Nhấn mạnh việc thí sinh đã xác nhận nhập học trực tuyến vẫn phải thực hiện nhập học tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch, thời gian và quy định, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, đây là yêu cầu bắt buộc, nếu bỏ qua bước này, thí sinh sẽ không thể nhập học vào các trường ĐH. Đây được coi là bước tiến trong công tác tuyển sinh năm nay nhằm minh bạch hóa thông tin, tránh hiện tượng các trường “làm ẩu”. Cùng với đó, đây cũng là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Ông Điền lưu ý, thí sinh cần theo dõi thông tin chính thống trên website của các trường để cập nhật về thời gian nhập học, các khoản phí phải đóng góp và các đợt xét tuyển bổ sung (nếu có). Với những thí sinh trượt các nguyện vọng trong đợt 1, có thể tìm hiểu đợt xét tuyển bổ sung của các cơ sở đào tạo.
Từ ngày 18/9, thí sinh đã trúng tuyển ĐH (đợt 1) bắt đầu thực hiện thủ tục nhập học trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung theo đúng kế hoạch của Bộ GDĐT. Với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống có thể được xét tuyển bổ sung. Các trường đều cho biết sẽ dành chỉ tiêu cho những thí sinh này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trong số hơn 20.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm nay có khoảng 70 thí sinh sai sót. Những trường hợp này đều nằm trong khả năng trường xử lý được để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em. “Trường để dành một dư địa nhất định trong chỉ tiêu tuyển sinh, để đáp ứng nhu cầu học tập của các em này khi các em xác nhận có sai sót và tiếp tục đăng ký vào trường” - ông Dũng nói.
Hàng nghìn cơ hội bổ sung cho thí sinh
Theo thông báo của Bộ GDĐT, từ tháng 10 đến tháng 12, nếu thiếu chỉ tiêu, các trường tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Thí sinh theo dõi trang thông tin tuyển sinh của các trường để tham gia xét tuyển nếu đủ điều kiện. Ngay từ thời điểm này, nhiều trường đã công bố tiếp tục xét tuyển bổ sung cùng với các điều kiện đi kèm do chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM thông báo tuyển khoảng 500 chỉ tiêu cho 5 ngành, gồm Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Khai thác vận tải, Kinh tế vận tải và Khoa học hàng hải. Trường tuyển bổ sung theo hai phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ 15 điểm và xét học bạ từ 18 điểm trở lên tùy chuyên ngành. Thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung từ ngày 1 đến hết 7/10.
Học viện Hàng không Việt Nam tuyển bổ sung khoảng 370 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo với mức nhận hồ sơ từ 17 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, từ 21 điểm theo phương thức xét học bạ và từ 750 điểm theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thời hạn cho thí sinh nộp hồ sơ là trước 17h ngày 22/9.
Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho 3 ngành Công nghệ thông tin ứng dụng, Công nghệ tài chính và kinh doanh số, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics. Nguyên tắc xét tuyển là từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu phân bổ từng ngành. Trường tuyển sinh bổ sung theo 5 phương thức xét tuyển. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung dự kiến đến ngày 24/9, có thể kết thúc sớm hơn nếu nhà trường xét tuyển đủ chỉ tiêu bổ sung.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển bổ sung 180 chỉ tiêu cho 8 ngành, nhóm ngành tại cơ sở TPHCM và 140 chỉ tiêu cho 4 ngành tại phân hiệu Quảng Ngãi. Mức nhận hồ sơ đều từ 19 điểm. Thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đến 16h ngày 30/9.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho 7 ngành tại phân hiệu Vĩnh Long. Thời gian xét tuyển bổ sung của Trường ĐH Kinh tế TPHCM - Phân hiệu Vĩnh Long từ 19/9 đến 17h ngày 14/10.
Tính đến 18h ngày 18/9, đã có khoảng 20 trường ĐH trên toàn quốc thông báo xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, khác với xét tuyển đợt 1, việc xét tuyển bổ sung sẽ không chung 1 mốc thời gian mà mỗi trường có quy định khác nhau về thời gian bắt đầu, kết thúc… nên các thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh bỏ lỡ cơ hội.
Nên nộp hồ sơ bổ sung sớm
Với kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) phân tích, thông thường sau khi trúng tuyển có một số thí sinh sẽ không nhập học, chứ không phải là tất cả đều sẽ nhập học, nên trong đợt 1 tỷ lệ xét tuyển của các trường sẽ không đạt được 100%, và căn cứ vào đó các trường sẽ có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung, nhưng đối với UEF thì phải đợi sau 30/9. Và trường cũng chỉ nhận xét tuyển bổ sung bằng kết quả học bạ.
Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý, ở đợt xét tuyển bổ sung thì Bộ GDĐT sẽ giao cho các trường ĐH tự chủ, tự quyết định thời gian và điểm xét tuyển, miễn sao không thấp hơn điểm chuẩn đợt 1. Nên thí sinh cần tìm hiểu ở các trường để biết rõ và cụ thể hơn, vì có thể trường này sẽ có những điều kiện xét tuyển khác trường kia.
Dù đưa ra mốc thời gian xét tuyển bổ sung dài hàng chục ngày trở lên nhưng các trường đều khuyến cáo thí sinh nên nộp hồ sơ sớm nếu có mong muốn và đủ điều kiện xét tuyển. Bởi thời hạn xét tuyển bổ sung có thể kết thúc sớm hơn nếu nhà trường xét tuyển đủ chỉ tiêu.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nhận định, theo kinh nghiệm tuyển sinh ĐH nhiều năm, những ngành hấp dẫn hầu như đã tuyển đủ. Thí sinh cần cân nhắc, chọn lựa ngành nào phù hợp nhất với nguyện vọng và điểm thi, lưu ý các “yếu tố kỹ thuật” trong xét tuyển. Theo đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trường nào, ngành nào còn xét tuyển, chỉ tiêu bao nhiêu, cách thức, thời hạn nộp hồ sơ... Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh vẫn nên tận dụng quy chế “không giới hạn số lượng nguyện vọng” mà Bộ GDĐT cho phép.
Lưu ý với những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng không muốn nhập học mà chờ cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung, TS Nghĩa cho rằng cần cẩn trọng khi từ chối quyền nhập học, vì ngành và trường mà thí sinh yêu thích rất có thể không còn chỉ tiêu để xét tuyển trong đợt 2. Lúc đó, thí sinh cũng không thể quay về nhập học ở ngành đã trúng tuyển trước đó.
ThS Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho biết, với những thí sinh trượt các nguyện vọng trong đợt 1, có thể tìm hiểu đợt xét tuyển bổ sung của các cơ sở đào tạo. Đây được xem là cơ hội cuối cùng cho những thí sinh chưa chọn được ngành học và trường học theo đúng sở thích và năng lực. Thí sinh cần theo dõi thông tin chính thống trên website của các trường để cập nhật về thời gian nhập học, các khoản phí phải đóng góp và các đợt xét tuyển bổ sung (nếu có).
Từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo mở để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Các bước xác nhận nhập học trực tuyến:
Bước 1: Đăng nhập vào website http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn và nhập các thông tin như: Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã đăng nhập, mã xác nhận. Sau đó nhấn nút “Đăng nhập”.
Bước 2: Vào menu Tra cứu kết quả xét tuyển sinh từ menu tra cứu.
Bước 3: Xem kết quả xét tuyển. Mỗi trường mà thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ có 1 kết quả là đỗ hoặc trượt. Nếu kết quả là trượt có nghĩa là thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng đã đăng ký vào trường.
Bước 4: Xác nhận nhập học. Đối với nguyện vọng đỗ thí sinh có quyền xác nhận nhập học. Để xác nhận nhập học thí sinh nhấn nút “Xác nhận” nhập học.
Bước 5: Nhấn “Đồng ý” để hoàn thành việc xác nhận nhập học.
Bước 6: Kiểm tra lại trạng thái “Đã nhập học”.
Đỗ hàng loạt nguyện vọng, xác nhận ra sao?
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nhiều thí sinh đăng nhập hệ thống của Bộ GDĐT để xác nhận nhập học theo quy định thì phát hiện “đỗ” hàng loạt nguyện vọng, nên không biết phải làm sao.
Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, thí sinh phải xác nhận nhập học qua 6 bước cụ thể. Trạng thái thông tin của thí sinh “Đã nhập học” nghĩa là thí sinh đã xác nhận nhập học thành công và trường ĐH đã nhận được thông tin xác nhận nhập học của thí sinh. Khi đã xác nhận nhập học xong, thí sinh sẽ không được hủy xác nhận nhập học, nếu muốn hủy xác nhận nhập học phải liên hệ với trường ĐH đó để được giải quyết. Theo quy định, thí sinh đã xác nhận nhập học trực tuyến vẫn phải tiếp tục thực hiện nhập học tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch, thời gian và quy định của cơ sở.
Liên quan đến nội dung thí sinh nhận được thông báo đỗ nhiều nguyện vọng trên hệ thống, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết đã chuyển thông tin này tới Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) để nghiên cứu trả lời. Phía bộ phận kỹ thuật sẽ nghiên cứu để xử lý ngay.