Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh ngày 22/3 công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2023. Năm lĩnh vực với 54 nhóm ngành của gần 1.600 trường đại học được xếp hạng. Việt Nam góp mặt ở ba lĩnh vực và 15 nhóm ngành.
Năm nay, Việt Nam có hai ngành học được xếp trong top 100 của thế giới. Trong đó, ngành Kỹ thuật dầu khí của Đại học Quốc gia TP HCM duy trì vị trí đã đạt được năm ngoái, còn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và giải trí của trường Đại học Duy Tân lần đầu lọt top 51-100 thế giới. Đây là thứ hạng về ngành học cao nhất mà một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đạt được trên bảng xếp hạng QS.
Ngoài ra, Việt Nam có hai ngành khác trong top 300 gồm Kỹ thuật xây dựng dân dụng và kết cấu công trình của Trường Đại học Duy Tân (nhóm 201-230) và Toán học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (251-300).
Xếp hạng cụ thể theo ngành của từng trường như sau:
Xét theo lĩnh vực, các đại học của Việt Nam được xếp hạng tại ba trong số năm lĩnh vực. Với Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Duy Tân đứng hạng 326, Đại học Bách khoa Hà Nội và Quốc gia TP HCM cùng trong nhóm 401-450.
Với Khoa học tự nhiên, Việt Nam có hai đại diện cùng được xếp vào nhóm 451-500 gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Duy Tân. Ở nhóm Khoa học xã hội và Quản lý, Trường Đại học Duy Tân được xếp trong nhóm 451-500, trong khi Đại học Quốc gia TP HCM nhóm 501-530.
QS là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học uy tín nhất hiện nay, bên cạnh Times Higher Education - THE (Anh) và Academic Ranking of World Universities - ARWU (Trung Quốc). Năm ngoái, ở bảng xếp hạng theo lĩnh vực của QS, đại học Việt Nam cũng có mặt ở ba lĩnh vực. Lĩnh vực Nghệ thuật và Nhân văn; Khoa học Đời sống và Y học không có đại diện nào.
Thứ hạng các đại học theo nhóm ngành được QS đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, gồm danh tiếng học thuật; uy tín của trường đại học theo đánh giá của nhà tuyển dụng; số lượng trung bình trích dẫn trên một bài báo; chỉ số H-index đo năng suất nghiên cứu khoa học và mức độ ảnh hưởng của các công bố; chỉ số về IRN (Mạng lưới nghiên cứu quốc tế) đo hiệu quả của hợp tác với các đối tác quốc tế.