Tìm hiểu và phân luồng đối tượng học sinh
Khẳng định đây là giai đoạn quan trọng đầu tiên giáo viên lớp 12 cần thực hiện ngay những ngày đầu năm học, cô Nguyễn Thị Hồng Thái chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ được phân công, tôi thường tìm hiểu kết quả tổng kết môn tiếng Anh của học sinh ở năm học trước.
Sau đó, kết hợp vừa trò chuyện để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, đặc điểm tình hình lớp học, tình cảm, mức độ say mê yêu thích của các em đối với bộ môn vừa dùng những câu hỏi gợi lại kiến thức đã học nhằm đánh giá sơ bộ về trình độ của các em trong tiết ôn tập và kiểm tra đầu năm.
Tiếp theo trong giai đoạn này, giáo viên dựa vào kết quả khảo sát, dựa vào quá trình giảng dạy trong một vài tuần đầu để phân loại học sinh.
“Khi chúng ta đã chia ra cụ thể từng nhóm đối tượng học sinh theo lực học của các em thì tiến hành lập kế hoạch giảng dạy bộ môn. Từ tình hình thực tế, tôi nghĩ rằng kế hoạch giảng dạy sẽ rất thiết thực, phải thể hiện được những vấn đề quan trọng cần thực hiện trong suốt một năm học đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng học sinh với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy” - Cô Nguyễn Thị Hồng Thái cho hay.
Tìm hiểu và giúp học sinh hiểu cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Một nội dung quan trọng khác, theo cô Nguyễn Thị Hồng Thái là giáo viên cần nghiên cứu kĩ cấu trúc, nội dung kiến thức của một đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Một khi đã có một cái nhìn khái quát về đề thi, giáo viên và học sinh có thể vạch ra cho riêng mình những cách tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Cấu trúc đề thi đại học các năm và THPT quốc gia có sự thay đổi. Tuy sự thay đổi này không đáng kể nhưng nếu giáo viên và học sinh không tìm hiểu kĩ thì sẽ không cập nhật kịp thời những thay đổi đó, dẫn đến mang lại kết quả không cao.
Dạy từng nội dung kiến thức, từng chuyên đề theo cấu trúc đề thi cho học sinh
Sau khi đã nắm vững được cấu trúc đề thi đại học, giáo viên tiến hành cung cấp những kiến thức mà một đề thi THPT quốc gia yêu cầu.
Giáo viên cần lưu ý cung cấp những kiến thức mà từ kiến thức đó có thể giúp học sinh tiếp thu những kiến thức khác hay rèn luyện những kĩ năng khác.
Trong việc học tiếng Anh, ngữ pháp và từ vựng là hai mảng kiến thức ngôn ngữ hỗ trợ lần nhau và hỗ trợ những kĩ năng khác như đọc hiểu, viết câu, làm bài sửa lỗi.
Ngoài ra, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những kiến thức đa dạng về cấp độ: Từ đơn giản đến phức tạp, từ cơ bản đến nâng cao.
Tạo ngân hàng đề phong phú, bám sát theo cấu trúc đề thi của bộ và luyện đề cho học sinh
Để tạo ngân hàng đề đa dạng và phong phú, cô Nguyễn Thị Hồng Thái chia sẻ kinh nghiệm 3 bước:
Bước 1: Sưu tập bộ đề từ các nguồn như sách, thư viện đề thi, các trang web phổ biến,...
Bước 2: Tạo ma trận đề theo cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT.
Bước 3: Tạo bộ đề mẫu theo cấu trúc và ma trận đề.
Với việc luyện đề, cô Nguyễn Thị Hồng Thái cho rằng, giáo viên áp dụng nhiều hình thức như: Phát đề về nhà cho học sinh làm, đến lớp giáo viên yêu cầu học sinh cho đáp án và giải thích bài giải của mình hoặc cho học sinh làm tại lớp, giáo viên chấm, sửa bài và giải thích.
Tùy theo lớp học khá giỏi hay lớp yếu mà chúng ta chọn lựa những phương pháp thích hợp theo từng đối tượng học sinh.
Kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm
Bên cạnh việc soạn giảng thì công tác kiểm tra, đánh giá phải luôn đi kèm. Phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với nhận định như trên, theo cô Nguyễn Thị Hồng Thái, đối với giáo viên, kiểm tra và đánh giá giúp cho giáo viên nắm được khả năng tiếp thu bài của học sinh, phân loại trình độ, từ đó có kế hoạch cụ thể giúp học sinh nâng cao trình độ và phụ đạo thêm đối với học sinh yếu kém; đồng thời giúp giáo viên thay đổi phương pháp và thủ thuật giảng dạy phù hợp với khả năng và trình độ của học sinh.
Để kiểm tra đánh giá chính xác và khách quan, giáo viên cần lưu ý khâu soạn đề cũng như khâu làm bài của học sinh. Đề thi phải bảo đảm nội dung chính xác và bao quát. Học sinh làm bài phải nghiêm túc và thể hiện nỗ lực, cố gắng.
Đối với học sinh: Kiểm tra và đánh giá giúp học sinh thấy được khả năng thực của chính mình, từ đó có kế hoạch tự bồi dưỡng về kiến thức và rèn luyện thêm các kỹ năng.
Ngoài ra, việc kiểm tra và đánh giá còn giúp học sinh rèn luyện và phát triển các kỹ năng. Khi kiểm tra và tự kiểm tra các em được thực hành, học sinh có điều kiện để áp dụng kiến thức và ngữ liệu vào thực hành các kỹ năng, những thiếu sót được khắc phục và tránh được các khuyết điểm.
Sửa bài kiểm tra và rút kinh nghiệm:
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thái, đây là công việc hết sức quan trọng vì mỗi lần kiểm tra chắc chắn nhiều học sinh sẽ mắc phải những lỗi sai thể hiện qua kết quả. Vì vậy, giáo viên cần phải chấm bài, trả bài và sửa bài kiểm tra, phân tích kỹ những lỗi sai kịp thời để giúp học sinh nhận thấy và khắc phục cho các lần sau.
Việc chấm bài, trả bài và sửa bài kiểm tra kịp thời cho học sinh không chỉ giúp cho học sinh rút kinh nghiệm về những lỗi sai bản thân học sinh mắc phải để khắc phục và làm bài tốt cho những lần kiểm tra sau mà còn giúp cho giáo viên nhận thấy được khả năng và trình độ nhận thức của học sinh về bộ môn, từ đó giáo viên có cơ hội bổ khuyết cho học sinh để nâng cao chất lượng các bài kiểm tra kế tiếp.