Trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng điều này được thể hiện rõ tại quy chế thi THPT quốc gia 2017.
Theo quy chế, thí sinh làm bài trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Đề các môn thành phần của bài thi tổ hợp được phát lần lượt theo từng môn thi thành phần để các em làm bài trong thời gian quy định.
Hết giờ làm bài của môn thi thành phần, giám thị thu đề thi và giấy nháp của thí sinh, đồng thời phát đề thi của môn thành phần kế tiếp. Không thu lại đề, giấy nháp của thí sinh thi môn thành phần cuối cùng của bài tổ hợp và các bài thi khác.
“Không thu lại đề tức là đã công khai cho dư luận rồi. Bộ đã hai lần công bố đề thi minh họa nhưng do 2017 là năm đầu tiên triển khai thi theo bài tổng hợp và trắc nghiệm hầu hết môn thi, chỉ duy nhất Ngữ văn thi tự luận, bộ sẽ công bố đề thi và đáp án sau kỳ thi để thí sinh và xã hội tham khảo”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Cũng theo ông Ga, dù công bố đề thi và đáp án, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên tắc mỗi thí sinh có riêng một mã đề trong một phòng thi.
Trước đó, Bộ GD&ĐT thông báo sẽ không công bố đề thi và đáp án kỳ thi THPT quốc gia 2017 với lý do giữ bí mật các câu hỏi để tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo.
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc làm ngân hàng đề cho năm nay có nhiều thay đổi. Những năm trước chỉ cần huy động giáo viên làm đề một đợt (khoảng 3 tuần), nay đã huy động nhiều đợt đội ngũ làm đề.
Các câu hỏi thô cũng phải trải qua nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm mới có thể đem vào ngân hàng đề để sử dụng.
Trả lời Zing.vn về vấn đề này, PGS Văn Như Cương khẳng định giữ bí mật đề và đáp án thi THPT quốc gia 2017 là vô lý, không hướng đến một kỳ tuyển sinh công bằng, minh bạch.
"Tôi rất khó hiểu trước quyết định lạ của Bộ GD&ĐT. Đề thi dành cho gần một triệu thí sinh tham gia thì đâu còn là bí mật nữa mà không công bố. Bộ giữ bí mật cả đáp án mới là điều khiến tôi ngạc nhiên. Chúng ta chưa bao giờ có quy định này", PGS Văn Như Cương nói.
Thầy Vũ Trí Thức, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đăng Ninh (Hà Nội), cho rằng bộ nên công khai đề thi, đáp án để định hướng cho giáo viên và học sinh về lượng kiến thức cũng như dạng đề. Trên cơ sở đó, các em biết mình đúng, sai chỗ nào và rút kinh nghiệm cho lần sau.
"Bộ GD&ĐT nên công khai hóa các khâu, đặc biệt phần đáp án vốn được thí sinh mong chờ nhất. Bộ nên đặt mục tiêu vì học sinh lên trên hết", ông nói.
Đây được xem là thay đổi thứ hai liên quan tuyển sinh năm 2017 của Bộ GD&ĐT sau một thời gian ngắn.
Ngày 31/1, bộ này ban hành quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017. Khác với dự thảo trước đó, Bộ GD&ĐT khẳng định vẫn áp dụng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Cụ thể, theo quy chế mới được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Từ năm 2018 trở đi, khi các trường công khai đầy đủ và chuẩn xác thông tin theo quy định, mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.