Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE
Tại dự thảo tuyển sinh công bố ngày 19/1, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức ngày 6/5 với tám môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Thí sinh có thể dự thi tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định).
Các ca thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra đồng thời tại hai địa điểm, cụ thể như sau:
Để đăng ký thi, thí sinh cần tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm tất cả học kỳ từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của năm học kỳ (lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên. Căn cứ vào số lượng đăng ký, trường Đại học Sư phạm Hà Nội có thể tổ chức thêm một đợt thi nữa.
Về cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, trừ Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm, 70% tự luận, các môn khác có 70-80% câu trắc nghiệm. Thời gian thi Ngữ văn và Toán là 90 phút, các môn còn lại 60 phút. Những trường sử dụng kết quả thi gồm Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Vinh, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, Quy Nhơn và Sư phạm TP HCM.
Cuối tháng 12, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết sẽ bổ sung ngân hàng câu hỏi, điều chỉnh các câu quá khó hoặc dễ để phù hợp với năng lực của thí sinh. Ông Minh khẳng định đề thi sẽ rất hiếm câu hỏi nhận biết - mức thấp nhất trong các thang đánh giá, nhằm tuyển chọn được thí sinh chất lượng.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức kết hợp với kết quả học bạ. Tùy từng ngành, trường sẽ xét tuyển dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực hai môn, trong đó có một môn nhân hệ số 2 và cộng điểm ưu tiên. Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét theo tổng điểm các môn thi năng khiếu tại Đại học Sư phạm Hà Nội với các môn thi đánh giá năng lực.
Theo kế hoạch, đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội được công bố vào tháng 2. Thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ từ 20/2 đến 9/4, lệ phí thi mỗi môn 160.000 đồng - bằng năm ngoái. Kết quả thi được thông báo trước 1/6, sau đó là danh sách thí sinh trúng tuyển.
Ngoài xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng bốn phương thức khác tương tự năm ngoái, gồm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng thí sinh thi học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non và Giáo dục mầm non - Sư phạm Tiếng Anh. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 7.000.
Năm ngoái, ở phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, ba ngành Giáo dục chính trị tại tổ hợp C19 (Văn, Sử và Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa và Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) lấy điểm chuẩn cao nhất - 28,5.