Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết sẽ tổ chức 16 đợt thi đánh giá năng lực năm 2022, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, nhiều gấp 7-9 lần năm ngoái. Các đợt thi sẽ dàn đều, trong đó tháng 2 dự kiến có một đợt, tháng 3, 6 và 8 có hai đợt, tháng 4, 5 và 7 mỗi tháng có 3 đợt. Như vậy, số đợt thi là 16, nhiều gấp đôi dự kiến.
Giống như năm ngoái, đề thi đánh giá năng lực gồm 150 câu, chia làm ba phần: Tư duy định lượng (50 câu hỏi trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay dù tổ chức thành 16 đợt, đề thi được chuẩn hóa giữa các đợt với nhau. Điểm số ở các đợt thi được đánh giá tương đương nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh; đồng thời có sự chuẩn hóa giữa các năm giúp công tác xét tuyển trở nên thuận lợi.
Ngoài tổ chức thành nhiều đợt tùy thuộc vào diễn biến dịch, Đại học Quốc gia Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị khác tổ chức kỳ thi ở nhiều điểm thi khác nhau. Một số địa điểm thi đã liên hệ cùng tổ chức như Đại học Kinh tế quốc dân, Công nghiệp Hà Nội, Tài nguyên môi trường, Hà Nội, Thái Nguyên, Hàng Hải (Hải Phòng). Đại học Quốc gia Hà Nội còn dự kiến tổ chức ở một số địa điểm khác như Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Hồng Đức (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TP HCM và một số trường khác ở Hà Nội.
Theo ông Hải, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tổ chức thành nhiều đợt thi ở nhiều nơi sẽ tạo ra sự linh động, thuận lợi cho thí sinh. Các em có thể chủ động đăng kỳ tham gia vào thời điểm và địa điểm mong muốn.
"Kỳ thi kéo dài đến nửa năm, thí sinh có thể thay đổi lựa chọn của mình", ông Hải chia sẻ.
Để việc tổ chức thi tại nhiều địa điểm diễn ra thuận lợi, đúng quy trình, trước đợt thi đầu tiên vào tháng 2, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi giống như thật để các đơn vị phối hợp nắm bắt được cách thức.
"Chúng tôi chỉ cần đơn vị có lượng người nhất định, tập huấn không quá phức tạp, có đủ cơ sở vật chất như phòng ốc, máy tính... Những yếu tố khác Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn", ông Hải nói.
Hiện, gần 50 trường đại học quyết định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển đại học. Các trường có thể phối hợp sử dụng kết quả đánh giá năng lực trong tuyển sinh và có thêm chính sách tuyển sinh riêng phù hợp với trường, tiến tới chủ động, tự chủ về phương thức tuyển sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng phần mềm để các trường cùng tham gia vào đánh giá năng lực thí sinh.
Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. 8 đại học, chủ yếu khối kỹ thuật, đã công bố hợp tác tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh những phương thức truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, xét kết hợp chứng chỉ quốc tế...