Lịch sử, Tiếng Anh có số thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao nhất
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia năm 2019 tăng hơn năm trước. Hầu hết các môn có mức điểm trung bình ở ngưỡng 5-6.
Trong tổng số 1.287 điểm 10 các môn, Giáo dục công dân là môn có số lượng nhiều nhất với 784 bài thi; tiếng Anh đứng thứ hai với 299 bài; Lịch sử đứng thứ ba với 80 bài.
Riêng 3 môn Lịch sử, tiếng Anh, Sinh học, điểm trung bình dưới 5. Cụ thể, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử lên đến trên 70%. Điểm được nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75. Số điểm thấp môn Lịch sử chủ yếu rơi vào phân khúc số thí sinh chỉ dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp.
Ngoài ra, do phương pháp dạy trong trường phổ thông còn chưa đổi mới, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học nên kết quả học tập không cao.
Với môn tiếng Anh, cũng có đến gần 70% thí sinh dưới điểm trung bình. Tuy nhiên, số thí sinh đạt điểm cao môn tiếng Anh cũng ở mức cao (có gần 300 thí sinh đạt điểm 10 môn này, chỉ sau môn Giáo dục công dân).
Phổ điểm thể hiện sự phân hóa rất rõ về vùng miền, trong khi các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM có điểm thi tiếng Anh ở mức cao, thì các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nông thôn, điểm thi môn tiếng Anh lại không cao. Điều này kéo điểm trung bình môn Ngoại ngữ cả nước xuống thấp.
Cơn mưa điểm 10 năm nay dành cho môn Giáo dục công dân. Điều này cũng dễ hiểu, vì đây vốn là môn thi "cứu điểm" cho thí sinh, bởi kiến thức môn học gần gũi cuộc sống, là những vấn đề diễn ra hằng ngày.
Phổ điểm phản ánh chính xác chất lượng dạy và học
Nhìn vào phổ điểm, PGS - TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) - đánh giá, phổ điểm đã phản ánh được thực chất năng lực học sinh phổ thông so với chuẩn kiến thức kỹ năng các em đã đạt được.
“Môn Lịch sử và tiếng Anh, dù điểm trung bình dưới 5 nhưng phản ánh đúng thực trạng dạy và học các môn này ở phổ thông nhiều năm nay… Môn tiếng Anh số lượng điểm dưới trung bình nhiều, nhưng số lượng điểm từ 8 trở lên cũng lớn. Lý do thực tế là sự chênh lệch chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa vùng thành thị với nông thôn lớn”, - PGS- TS Nguyễn Phương Nga phân tích.
Bà cũng cho rằng, khi đánh giá phổ điểm phải so sánh nó với chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt chứ không nên so sánh với độ khó dễ của đề thi. Bởi độ khó dễ này mỗi năm có thể có dao động.
Với cách đặt vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Phương Nga đánh giá cao chất lượng của đề thi năm nay.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), TS Quách Tuấn Ngọc (nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GDĐT) và nhiều chuyên gia khác cũng dành lời khen cho đề thi THPT 2019.
Đề thi phù hợp với trình độ học sinh, kết quả phản ánh được đúng chất lượng người học, vừa đạt được mục tiêu xét tốt nghiệp THPT vừa có độ phân hóa để làm căn cứ xét tuyển đại học. Đồ thị phổ điểm các môn thi chủ yếu nghiêng sang phải với đỉnh ở mức 5-6, nhưng độ dốc phổ điểm bên phải lớn, tương ứng với việc phân hóa điểm cao.
Điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2019 nhỉnh hơn một chút so với năm 2018 nhưng cơ bản phổ điểm các môn thi giữa hai năm có sự tương đồng.
Trường tốp trên và tốp giữa sẽ thuận lợi xét tuyển
Phân tích phổ điểm của các khối thi truyền thống, có thể thấy mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối năm nay ở mức 16-18 điểm.
Cụ thể, khối A00 (Toán-Lý-Hóa) có điểm trung bình là 17.73, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19.55.
Khối A1 (Toán-Vật lí-Tiếng Anh), điểm trung bình là 17.39, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.75 điểm.
Khối B (Toán - Hóa- Sinh) điểm trung bình là 16.85, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.80.
Khối C (Văn -Sử-Địa) điểm trung bình là 15.64, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.50.
Mức điểm ở khối D00 là 15.78 điểm trung bình, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.
Phổ điểm các khối thi theo đó đều lệnh phải, khoảng 75% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên.
Ở ngưỡng điểm 20, đồ thị có sự phân hóa đều, từ ngưỡng 24 điểm độ dốc của đồ thị lớn.
Nhìn vào kết quả phổ điểm này, TS Quách Tuấn Ngọc đánh giá, việc tuyển sinh năm nay sẽ không thể “ồ ạt” theo kiểu “30 điểm vẫn trượt đại học” như đã từng xảy ra.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết, rất yên tâm khi phổ điểm thi các môn và các khối thi năm nay có sự phân hóa tốt.
“Không chỉ các đại học tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, các trường đại học tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17-20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào” - ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Công nghiệp TPHCM chia sẻ.
So sánh phổ điểm các khối thi truyền thống từ 2016 đến 2019, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TPHCM) đánh giá, không có sự biến động nhiều.
Phổ điểm khối A0 năm nay tương đương năm 2016, 2017, cao hơn năm 2018 do đề thi “bớt khó”. Phổ điểm khối A01 có nhỉnh hơn một chút so với các năm; khối B00, C00 về cơ bản không thay đổi.
Kết quả so sánh phổ điểm này, theo TS Thanh Mai, là cơ sở quan trọng để thí sinh đối chiếu điểm thi của mình với mức điểm chuẩn các năm trước ở các ngành đã đăng ký, từ đó đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu của mình.