Từ đó, giáo viên và học sinh sẽ bình tĩnh đón nhận sự thay đổi đó, kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học và học tập phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất những yêu cầu mới của đề thi năm nay.
Đó là trao đổi của cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) - khi chia sẻ về cách dạy học, ôn tập Lịch sử cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Tránh tình trạng gần đến lúc thi mới dồn sức học, ôn
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trong quá trình dạy học hay ôn tập, giáo viên cần hình thành ở học sinh thái độ, tinh thần học tập nghiêm túc, tự giác và chăm chỉ. Muốn có kết quả thi tốt tất yếu đòi hỏi người học phải có ý thức học tập tốt.
Để làm được điều này, giáo viên phải thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra việc học và ôn tập của học sinh, giúp học sinh nắm chắc kiến thức một cách có hệ thống, đồng thời tránh được tình trạng học sinh gần đến lúc kiểm tra hoặc lúc thi mới học, mới ôn.
Bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng và sách giáo khoa Lịch sử 12
Do phần lớn kiến thức đề thi trắc nghiệmkỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nằm trong nội dung chương trình lớp 12 với bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, nên trong quá trình giảng dạy giáo viên cần bám sát yêu cầu của chuẩn kiến thức kĩ năng và sách giáo khoa Lịch sử 12.
Lưu ý điều này, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng thời cho rằng, giáo viên tránh việc mất thời gian trên lớp tập trung phân tích những vấn đề mang tính tổng hợp, khái quát, chuyên sâu để làm đề thi tự luận như trước đây.
Giáo viên cũng cần lưu ý hướng dẫn học sinh khai thác đầy đủ nội dung kênh hình, kênh chữ trong sách giáo khoa, kiến thức các môn học khác có liên quan đến các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và các thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước để giải quyết các vấn đề thực tiễn của lịch sử được đề cập trong các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao của đề thi.
Phải tạo nên được những tình huống có vấn đề
Một lưu ý khác được cô Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh là giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm” nhằm phát huy năng lực tự học, phát triển tư duy sáng tạo của học sinh.
Để giờ học, giờ ôn tập môn Lịch sử có hiệu quả, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu mới của đề thi trắc nghiệm, giáo viên nên đóng vai trò như một “ đạo diễn” hướng dẫn, giúp đỡ học sinh chủ động tiếp thu, thông hiểu và ghi nhớ kiến thức một cách hệ thống ngay ở trên lớp.
Trong quá trình dạy, giáo viên phải tạo nên được những tình huống có vấn đề rèn cho học sinh các kĩ năng phân tích, so sánh, chứng minh, tổng hợp, khái quát.
Cho học sinh làm quen với đề thi trắc nghiệm
Vì đây là lần đầu tiên học sinh làm bài thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn nên theo cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong năm học, khi tiến hành các bài kiểm tra, thi học kì, giáo viên biên soạn cần kết hợp câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra và đề thi học kì để học sinh rèn kĩ năng làm đề thi trắc nghiệm.
Trong quá trình ôn tập, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trong lớp lần lượt tự ra đề thi trắc nghiệm theo hình thức đề minh họa của Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố để các em cùng làm đề, chấm điểm,cùng chữa đề và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.