Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Năm 2022, Đại học Thương mại dự kiến phân bổ nhiều chỉ tiêu cho những ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).
Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực. Đồng thời, trường có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý; và chương trình tích hợp ngành Kế toán. Tổng chỉ tiêu tất cả ngành, chương trình đào tạo là 4.150, nhỉnh hơn năm ngoái một chút.
Một trường khác trong khối Kinh tế là Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số trong năm 2022, bao gồm Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội), Truyền thông Marketing tích hợp thuộc ngành Marketing (tại cơ sở TP HCM) và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tại Hà Nội).
Hồi giữa tháng 12, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025. So với hiện tại, danh mục này có thêm nhiều ngành mới, trong đó bậc đại học 67 ngành được quy hoạch, thạc sĩ 118 và tiến sĩ 55. Một số ngành, chuyên ngành sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới như Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lý đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số...
Tuy nhiên, hiện các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chưa công bố phương án tuyển sinh nên chưa biết cụ thể ngành mới nào sẽ bắt đầu tuyển từ năm 2022.
Tương tự, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết các chương trình đào tạo mới sẽ được thông báo vào tháng 3 tới, bên cạnh 59 chương trình đào tạo như năm 2021.
Năm nay, các trường đồng loạt giảm tỷ lệ tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống dưới 50%. Chẳng hạn Đại học Kinh tế quốc dân chỉ tuyển 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay đối với hình thức xét tuyển này.
Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ tuyển 10-20% từ kết quả thi tốt nghiệp cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp A00, A01, B00, D01, D07, D26, D28 và D29. Thậm chí tuyển theo phương thức này, trường đặt ra tiêu chí phụ là thí sinh phải có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn từ 42 trở lên). Phương thức tuyển sinh chủ yếu (chiếm 50-60% trong số 7.500 chỉ tiêu) là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tự tổ chức.
Tương tự, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Với hai kỳ thi riêng ở phía bắc cùng kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM ở phía nam, nhiều đại học có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, khiến số lượng chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng giảm.
Đại học Giao thông Vận tải, trường dự kiến tuyển 40-50% bằng kết quả thi tốt nghiệp - con số khá cao so với các trường khác ở Hà Nội, những cũng đã giảm khoảng 30% so với năm ngoái, do dành chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hàng chục trường khác cũng dùng kết quả các kỳ thi riêng của ba trường kể trên.
Ngoài tổ chức kỳ thi riêng, nhiều đại học tiếp tục đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó các chứng chỉ quốc tế vẫn được ưa chuộng, tương tự kỳ tuyển sinh năm 2020 và 2021 - khoảng thời gian Covid-19 tác động mạnh đến kế hoạch du học của nhiều học sinh.
Đại học Ngoại thương sử dụng tới 6 phương thức xét tuyển. Hai trong số đó liên quan đến chứng chỉ quốc tế, gồm xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-Level); kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự, Đại học Kinh tế quốc dân, Thương mại, Bách khoa cũng nhắc tới các chứng chỉ như IELTS, TOEFL, SAT, ACT, A-Level trong phương án tuyển sinh năm 2022, bên cạnh hàng loạt phương thức xét tuyển kết hợp khác liên quan đến kết quả học tập bậc THPT, các giải thưởng cấp tỉnh, thành phố hay tham gia một số cuộc thi.
Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hẳn mục riêng quy định việc xét tuyển không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, các trường có thể tổ chức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Các cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức.