Năm 2018, 2019, trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống A00, D01, A01, B00, C00
Hôm nay ngày 15/6, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020.
Trao đổi với báo chí về tuyển sinh năm 2020, những điểm cần lưu ý trong tổ hợp xét tuyển đại học, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tổ chức tuyển sinh năm 2020 của các trường phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và đề án tuyển sinh đã công bố.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, chính sách ưu tiên của trường… phải minh bạch, công khai, gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề… để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các thông tin trong đề án tuyển sinh phải rõ ràng, chính xác, đúng quy định; không được mập mờ, chung chung, dễ gây hiểu nhầm cho thí sinh và phụ huynh.
Việc xác định các tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo; tránh đưa ra các tổ hợp tuyển sinh không phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Bà Thủy cho rằng, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường.
Các tổ hợp "lạ" sẽ không được các trường tốt lựa chọn
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2020, chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, năm 2018, 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo đó, có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống đã nêu.
Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường.
Bà Thủy cho hay, hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng ĐKXT. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu có đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp này thì thí sinh cũng để ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp.
Các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường tốt và rất ít thí sinh tốt lựa chọn nên hầu như không phát huy tác dụng (trừ các ngành liên quan đến năng khiếu).
Theo bà Thủy, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển.
Theo quy định tại Điều 8 Quy chế tuyển sinh năm 2020, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển được quy định như sau:
Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).
Hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh;
Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Với nguyên tắc lựa chọn tổ hợp trên, nhiều trường đã kết hợp để tạo ra các tổ hợp, đặc biệt là với các tổ hợp có môn năng khiếu.