Thí sinh thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: V.L.
Năm học này, khoa Địa lý, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có tới 3 ngành học tăng gấp 2-3 lần chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.Đó là các ngành Địa lý tự nhiên, Khoa học thông tin địa không gian và Quản lý đất đai. Trong đó, Khoa học thông tin địa không gian mới chỉ tuyển sinh năm thứ hai nhưng với thế mạnh được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho phép các nhà khoa học sử dụng kho dữ liệu từ các vệ tinh viễn thám của mình trong nghiên cứu, đào tạo các chuyên ngành khoa học vũ trụ còn đang non trẻ tại Việt Nam, ngành học này đã tăng chỉ tiêu thành 40.
Ngành địa lý, địa chất, khí tượng thủy văn của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là ngành ít thí sinh theo học. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm lại khá dồi dào.
TS Phạm Quang Tuấn, Trưởng khoa Địa lý, cho biết: “Sinh viên Đại học Tự nhiên học chuyên ngành Viễn thám thường làm việc về an ninh, quốc phòng. Hàng năm, sinh viên của chúng tôi được Cục bản đồ 'rót' học bổng tạo nguồn; Bộ Công an đặt hàng Khoa định hướng tạo nguồn tuyển về công tác theo các lĩnh vực về an ninh. Các bộ, ngành tài nguyên môi trường cũng rất cần những chuyên gia trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cũng rất cần nguồn nhân lực triển khai dự án...”.
Làm công tác tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm nhiều năm, thạc sĩ Lê Ngọc Hoàn, Trưởng ban xúc tiến tuyển sinh và tư vấn việc làm, Đại học Lâm Nghiệp, chia sẻ: “Rất nhiều ngành học mà cái tên nghe khá lạ lẫm với học sinh. Nếu chúng ta làm công tác hướng nghiệp tốt, các em sẽ chọn được nghề phù hợp, không chỉ tạo ra niềm yêu thích khi học tập mà còn chọn được những ngành nghề ra trường có việc làm cao".
Cũng theo thạc sĩ Lê Ngọc Hoàn, Đại học Lâm nghiệp có một số ngành như Công nghiệp chế biến Lâm sản, Công nghiệp Ôtô là những ngành mà hiện nay ngay khi các em học năm thứ 2, thứ 3 đã có những đơn vị đến để nhận thực tập và nhận vào làm tại công ty.
"Tuy nhiên, rất ít học sinh biết thông tin và lựa chọn được những ngành học 'đắt' này. Đó cũng là trách nhiệm của những người làm công tác tuyển sinh như chúng tôi”, thạc sĩ Lê Ngọc Hoàn nói.
Lựa chọn cho con gái tên ngành học rất “mạnh” là ngành Kỹ thuật tài nguyên nước của trường Đại học Thủy lợi, anh Lê Huy Hoàng quê ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), công tác tại Công ty Xi măng Bỉm Sơn, chia sẻ: “Tôi cho con chọn ngành này vì nghĩ đơn giản đất nước mình còn nhiều vấn đề về môi trường nước chứ hoàn toàn không phải do được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ.
Theo tôi, các trường phổ thông rất cần có định hướng cho các em hiểu rõ vấn đề của đất nước để uốn nắn hướng nghiệp cho các em những nghề phù hợp điều kiện thực tế của xã hội không nên viển vông ở những ngành nghề thiếu tính thực tế trong môi trường mình. Như vậy, mới có thể tránh được tình trạng sinh viên, học sinh ra trường không có công ăn, việc làm”.
Thực trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm không chỉ là mối lo của bản thân của gia đình mà còn là mối quan ngại của xã hội về sự thiếu cân bằng cung cầu việc làm.
Cách đây vài năm, sinh viên đổ xô vào học các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế… khi tốt nghiệp đúng lúc kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngân hàng giải thể thì thất nghiệp là lẽ đương nhiên.
Ngược lại, nhiều ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực thì lại có rất ít sinh viên theo học nên tình trạng ngành thừa cứ thừa, ngành thiếu cứ thiếu vẫn đang diễn ra.
Nói về tình trạng không tìm được việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, TS Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch tập đoàn IIG Việt Nam, đại diện Viện khảo thí Hoa kỳ tại Việt Nam, nhìn nhận nhà trường cần nghiên cứu yêu cầu thực tế, coi các doanh nghiệp chính là đối tượng phục vụ. Sinh viên ra trường được đối tượng nào phục vụ cần có định vị nhất định chứ không thể đào tạo một mà đáp ứng cho tất cả.
"Trong khi đó, về phía doanh nghiệp có rất nhiều nhu cầu tuyển dụng nhưng cần đến các cơ quan tư vấn chuyên về tuyển dụng như chúng tôi cũng không tuyển được nhân sự ưng ý, đáp ứng nhu cầu làm việc ngay", TS Nam nói.
Cũng hướng tới mở rộng “đầu ra”, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết năm học 2019-2020 này, trường mở 3 chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng xã hội hóa là Báo chí, Khoa học Quản lý và Quản lý thông tin.
Những sinh viên các lớp chất lượng cao có thể đi thực tập ngay từ năm thứ nhất, cho tới các năm 3, năm 4, sinh viên có thể sẽ được dành cả một học kỳ để đi thực tập trong và ngoài nước để đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo của các đối tác xã hội hóa.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, với hướng đào tạo này, chất lượng sinh viên được doanh nghiệp tham gia chương trình giám sát ngay từ đầu có thể đảm bảo 100% “đầu ra” cho các sinh viên chăm chỉ và nỗ lực.
Thông tin về đầu ra là những thông tin quan trọng không kém gì những thông tin về uy tín của trường đại học mà các bạn trẻ lựa chọn. Thực tế cho thấy nếu chọn nghề phù hợp với khả năng và yêu thích đam mê nó thì cơ hội thành công thường cao hơn.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông bằng những thông tin chính xác về cung cầu việc làm có thể là lời giải cho bài toán mất cân bằng cung cầu nhân lực.