3 phương án xóa điểm liệt
Phương án 1: Giáo viên hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi phần Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư (2 điểm) với những dạng câu hỏi dễ nhất như “nêu, trình bày”.
Đây thường là câu hỏi 1 trong đề thi THPT quốc gia. Sẽ tập trung hơn ở câu hỏi phần Địa lí tự nhiên vì trong phần này có hai phương án ra đề: Một là, câu 1 sẽ lấy trọn hai điểm thuộc phần kiến thức này. Hai là, câu 1 sẽ gồm 2 ý: Ý 1(1 điểm) thuộc phần kiến thức Địa lý tự nhiên; ý 2 (1 điểm) thuộc phần kiến thức Địa lí dân cư.
Nhưng giáo viên chỉ dừng lại ở dạy kiến thức thật cơ bản chắt lọc ý ngắn ngọn, chính xác vì câu hỏi thường ở mức độ nhận biết rất dễ “nêu, trình bày, tái hiện lại”.
Phương án 2: Giáo viên hướng dẫn trả lời câu hỏi Atlat Địa lý Việt Nam (2 điểm) với dạng câu hỏi dễ nhất là nêu các đối tượng địa lí trên bản đồ ở trang Atlat cho trước.
Đây thường là câu hỏi 2 trong cấu trúc đề thi THPT quốc gia. Trong câu hỏi này sẽ gồm hai ý khác nội dung, chủ yếu là nêu các đối tượng địa lí.
Giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm kí hiệu thể hiện đối tượng đó trên bản đồ. Có thể kí hiệu đó ở tại trang bản đồ cho trước nhưng có thể lại ở trang kí hiệu chung.
Vì vậy, việc tìm đúng kí hiệu, phương pháp thể hiện các đối tượng trên bản đồ sẽ giúp học sinh nhận biết được dễ nhất và xác định không bao giờ sai. Từ đó có thể xóa điểm liệt học sinh ở phần câu hỏi Atlat dễ dàng.
Phương án 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh xử lý số liệu, vẽ biểu đồ, nhận xét biểu đồ, không cần giải thích cũng được 2,5 điểm.
Trong phần vẽ biểu đồ, đa phần học sinh không biết bài thực hành này có phải xử lý số liệu trước khi vẽ hay không?
Giáo viên chỉ cần nhấn mạnh cho học sinh là chỉ có 2 trường hợp học sinh phải xử lí số liệu: Một là vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu mà chưa có số liệu cơ cấu (%), hai là vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng mà chưa có % tốc độ tăng trưởng. Còn lại các dạng khác đều vẽ luôn không cần xử lý số liệu.
Việc làm này sẽ giúp học sinh chắc chắn được 2 điểm khi xử lý số liệu (nếu cần) và vẽ biểu đồ (nhiều khi trong đề là cho trước).
Phần nhận xét biểu đồ, giáo viên chỉ cần lưu ý học sinh nhận xét theo chiều dọc bảng số liệu và chiều ngang bảng số liệu sẽ rút ra 2 ý nhận xét khái quát rồi minh chứng số liệu sẽ được 0,5 điểm. Còn phần giải thích thì yêu cầu vận dụng cao nên học sinh học lực yếu kém khó làm đủ ý.
Một vài đề xuất chung cho giáo viên
Giáo viên môn Địa lý ở các trung tâm GDTX hầu hết có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt đạt chuẩn và trên chuẩn, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, tâm huyết với nghề; được các trung tâm quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Về phía học sinh, có một bộ phận nhỏ học sinh có ý thức học tập.
Tuy nhiên, khó khăn ở các trung tâm GDTX chủ yếu là: Học sinh năng lực yếu; nhiều học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề, hoặc vừa học vừa làm nên thời gian cho việc học ít. Cơ bản ý thức học tập của các em không tốt, nghỉ học nhiều, lười học, không tập trung học tập, không lo lắng đến thi cử… Điều kiện phục vụ cho môn học và thực hành còn thiếu.
Từ thực trạng trên, để nâng cao chất lượng ôn thi THPT quốc gia môn Địa lý, trước hết, các giáo viên bộ môn cần xây dựng hệ thống kiến thức có trong chương trình thi.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc phân phối chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, sử dụng triệt để và có hiệu quả thiết bị dạy học; thực hiện nghiêm túc kế hoạch bồi dưỡng; soạn bài, kiểm tra, chấm, chữa, trả bài đầy đủ; động viên khuyến khích học sinh kịp thời, khích lệ học sinh chuyên cần học tập.
Sau mỗi phần học xong, giáo viên tổ chức kiểm tra, khảo sát để đánh giá chất lượng tới từng học sinh và có kế hoạch bồi dưỡng tiếp theo (có nội dung và phương pháp ôn tập cho từng đối tượng học sinh: xóa điểm liệt, đạt điểm trung bình, đạt điểm khá, giỏi).
Cấu trúc đề thi môn Địa lý 2015:
Phần Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư (2 điểm),
Phần Địa lí ngành (1,5 điểm),
Phần Địa lí vùng (1,5 điểm),
Câu hỏi Atslats Địa lý Việt Nam (2 điểm),
Thực hành xử lý số liệu, vẽ, nhận xét và giải thích biểu đồ (3 điểm).