Lưu ý dạy học, ôn tập môn Giáo dục công dân
Cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên môn Giáo dục công dân – cho rằng, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, giáo viên cần giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao
Giảng cho học sinh năm được kiến thức cơ bản và trọng tâm bộ môn và rèn luyện cho các em việc tự lập trong học tập bộ môn. Đồng thời, rèn học sinh kỹ năng trả lời trắc nghiệm theo đặc thù bộ môn (thông qua đề thi trắc nghiệm).
Để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất, theo cô Nguyễn Thị Hiền, học sinh cần chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức, có kế hoạch, phương pháp học tập bộ môn cụ thể.
Bên cạnh đó, cần biết các phân chia thời gian hợp lý để có thể tiếp nhận và lĩnh hội kiến thức một cách thấu đáo tránh tình trạng học vẹt. Chú trọng đến việc rèn kỹ năng làm bài thi.
Lưu ý dạy học, ôn tập môn Địa lý
Từ thực tế giảng dạy môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Lan cho rằng, năm 2017 là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Địa lí, sự thay đổi này làm cho việc dạy học của thầy và trò cũng phải có điều chỉnh để phù hợp và đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên, thi dưới hình thức nào thì giáo viên cũng phải trang bị cho học sinh đủ kiến thức và kĩ năng cơ bản và cần thiết theo chương trình môn học. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của kì thi THPT quốc gia năm 2017, giúp học sinh học và ôn tập có hiệu quả cao, cô Nguyễn Thị Lan cho biết mình luôn nghĩ và làm như sau:
Thứ nhất: Giáo viên phải cung cấp đầy đủ những kiến thức cơ bản cho học sinh trên cơ sở bám sát vào chuẩn kiến thức, kĩ năng. Không được cắt xén chương trình, không được bỏ bớt nội dung của bài học.
Thứ 2: Giáo viên nêu hoặc cho học sinh nêu ra và giải quyết các vấn đề thực tiễn có liên quan đến kiến thức trong chương trình.
Thứ 3: Giáo viên rèn luyện kĩ năng học tập qua Atlat Địa lí Việt Nam cho học sinh từ khâu học bài mới đến học bài ở nhà và kiểm tra đánh giá.
Thứ 4: Giáo viên rèn luyện kĩ năng làm việc với bảng số liệu, tính toán, vẽ biểu đồ và nhận xét tình hình từ các kênh này cho học sinh.
Thứ 5: Giáo viên rèn luyện kỹ năng làm bài kiểm tra trắc nghiệm cho học sinh thông qua phần củng cố cuối mỗi bài học, kiểm tra bài cũ, kiểm tra một tiết, kiểm tra học kì.
Thứ 6: Giáo viên cung cấp câu hỏi trắc nghiệm hoặc hướng dẫn học sinh tìm nguồn câu hỏi trắc nghiệm để tự học, tự rèn luyện và tự đánh giá.
“Khi học sinh nắm vững kiến thức, nắm vững các kĩ năng địa lí, được rèn kĩ năng làm bài kiểm tra và thi theo hình thức trắc nghiệm, các em sẽ có kết quả học tập tốt và đat được kết quả cao trong kì thi THPT quốc gia sắp tới” – cô Nguyễn Thị Lan khẳng định.