Thí sinh đi đâu?
Có lẽ “choáng” nhất là trường ĐH Y Hà Nội năm nay không tuyển đủ chỉ tiêu đã phải thông báo xét tuyển tới gần 200 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử trường mà ngành Y đa khoa không tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1. Tính đến hết ngày 19/8- thời hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký nhập học vào trường năm nay, số thí sinh vào trường chỉ đạt 71% chỉ tiêu toàn trường.
Ông Hinh thốt lên: “Thực sự không hiểu các thí sinh điểm cao đã đi về đâu? Thậm chí, trong số 481 em đăng ký xét tuyển, hôm nay hạn cuối mới có 431 em khẳng định nhập học. Vậy không hiểu các em còn lại đi đâu khi mà đã nộp hồ sơ vào trường?”
Mặc dù ban đầu nhận được tới 14.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vàoTrường ĐH Thương Mại, tuy nhiên, số thí sinh thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả so với chỉ tiêu chỉ đạt 60% nên ngày 19-8, Trường ĐH Thương mại công bố sẽ xét tuyển 1.450 chỉ tiêu bổ sung với mức điểm xét tuyển chung cho tất cả các ngành là 17 điểm, thấp hơn từ 3,5-6,5 điểm so với mức điểm chuẩn đợt 1.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xét tuyển bổ sung tất cả các ngành với mức điểm nhận hồ sơ là 15. Như vậy, mức điểm này thấp hơn so với điểm chuẩn đợt 1 của trường từ 0,5 đến 4,25 điểm tùy ngành.
Ngày 19-8, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông báo sẽ tuyển thêm 811 chỉ tiêu bổ sung cho 34 ngành, chuyên ngành đào tạo. Theo đó, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thống nhất chung cho tất cả các ngành là từ 16 điểm trở lên. Đây cũng là mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1, đồng thời cũng là mức điểm chuẩn thấp nhất của đợt 1 đã được trường áp dụng cho một số ngành đào tạo như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, chính trị học (sư phạm kinh tế chính trị).
Đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thông báo ngoài mức điểm thi THPT quốc gia đạt 16 điểm trở lên, đã tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ đủ điều kiện đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường khi có hạnh kiểm các học kỳ THPT từ loại khá trở lên.
Trường ĐH Hà Nội, mấy năm trước không xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng năm nay trường đã phải thông báo tuyển tới gần 600 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Mức điểm nhận hồ sơ là 15 điểm trở lên.
Học viện Tài chính, đến ngày 19/8, số lượng hồ sơ nhập học là 1.800 so với chỉ tiêu 2.600. Trong đó, số lượng nộp hồ sơ chưa qua đường bưu điện chưa đầy đủ. Học viện Tài chính sẽ phải tuyển nguyện vọng bổ sung.
Ngày 19/8, Học viện Báo chí và tuyên truyền thông báo tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đợt 1 trên 500 chỉ tiêu vào 18 ngành, chuyên ngành của học viện. Điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong ba năm THPT đạt 6,0 trở lên; hạnh kiểm ba năm THPT xếp loại khá trở lên.
Năm nay, Học viện Ngoại giao cũng đã phải thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho tất cả 5 ngành đào tạo gồm: Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế và Ngôn ngữ Anh với 3 khối thi A1, D1, D3. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển của tất cả các tổ hợp môn thi (khối thi) ở các ngành đào tạo phải đạt 21 điểm trở lên. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh chỉ xét khối D1 (Toán - Văn - Anh) với môn Tiếng Anh nhân hệ số 2, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 30 điểm. Trước đó, điểm trúng tuyển đợt 1 vào HV Ngoại giao thấp nhất là 23,75 và cao nhất là 25 điểm.
Nhóm trường GX cũng “ảo” nhiều
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường thống nhất với nhau tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh ảo. Tuy nhiên, GX là nhóm trường lớn được thành lập nhưng tình trạng “ảo” vẫn nhiều.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng gây “choáng” vì thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung tới gần 800 chỉ tiêu vào chiều ngày 19/8. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường nhận được hơn 5.000 hồ sơ nhập học trên tổng số 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Một số ngành đã xét tuyển đủ nhưng nhiều ngành vẫn còn thiếu nhiều nên bắt buộc phải tuyển thêm.
Tới ngày 19/8, Trường ĐH Thủy lợi đã nhận được khoảng 2.800 hồ sơ trên tổng số 3.120 chỉ tiêu (cơ sở Hà Nội), đạt khoảng 88%.Trường ĐH Thủy lợi sẽ thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trường ĐH Mỏ Địa chất đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu.
Các trường trong nhóm như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thăng Long, Học viện Chính sách và Phát triển...cũng đều thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Có lẽ trường ĐH Kinh tế quốc dân và Học viện Ngân hàng là 2 đơn vị may mắn trong nhóm tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu này.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, qua thống kê đến sáng ngày 20/8, trường đã "cán đích" trong xét tuyển đợt 1 với 4.800 chỉ tiêu, mặc dù điểm xét tuyển của trường năm nay cao chứng tỏ thí sinh đã rất cân nhắc khi lựa chọn ngành học, trường học.
Cho phép kéo dài thêm 2 ngày cuối tuần nhận hồ sơ
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước 17h chiều ngày 19/8, thí sinh trúng tuyển đợt 1 phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia về trường để xác nhận nhập học.
Tuy nhiên, ngày 19/8, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường đối với các thí sinh đã trúng tuyển đợt 1, nhưng chưa nộp Giấy chứng nhận kết quả thi, các trường có thể liên hệ với thí sinh (qua tin nhắn, điện thoại, email hoặc các kênh thông tin khác) để lưu ý thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi theo đúng với quy định của Quy chế.
Cục Đề nghị các trường cử cán bộ để đón tiếp các thí sinh đến nộp Giấy chứng nhận kết quả thi tại trường và qua Bưu điện (kể cả thứ 7 và chủ nhật – tức hai ngày 20 và 21/8).
Nhận định về tình hình thí sinh “ảo” trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.
“Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu” – thứ trưởng Ga cho hay.
Theo thứ trưởng Ga, trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, Bộ đã cung cấp thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc ảo. Trong qui chế cũng đã bổ sung nhiều qui định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo như đã nói ở trên.