Liên quan đến thông tin tuyển sinh của nhóm GX năm 2017, báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đảm nhiệm vai trò chủ trì của nhóm.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, công tác xét tuyển đại học theo phương thức nhóm trường của nhóm GX trong năm 2016 đã đạt được những kết quả tốt, có ảnh hưởng tích cực với xã hội và được Bộ GD&ĐT đánh giá cao.
Trong năm 2017, nhóm GX cần tiếp tục duy trì hoạt động và mở rộng để phát huy những kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức và thực hiện quy trình xét tuyển đã tích lũy được, hướng tới việc thực thi có hiệu quả quyền tự chủ tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển) của các trường trong các năm tiếp theo.
GX có thể tiếp tục xét tuyển chung mà không cần lập đề án mới trình Bộ GD&ĐT phê duyệt
PGS Nguyễn Phong Điền
- Xét tuyển theo nhóm GX có phù hợp với Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy mới ban hành?
Trước hết, về mặt pháp lý, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT quy định tại Điểm b Khoàn 3 của Điều 13 việc các trường có thể tự nguyện phối hợp tổ chức xét tuyển chung.
Nhóm GX có thể tiếp tục xét tuyển chung trong năm 2017 mà không cần lập đề án mới trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Về việc xử lý dữ liệu đăng ký xét tuyển (ĐKXT): Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp dữ liệu ĐKXT cho các trường tự xác định điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển.
Theo kinh nghiệm triển khai của năm trước, việc chuẩn hóa dữ liệu ĐKXT để đưa vào phần mềm xét tuyển sẽ mất nhiều thời gian và công sức đối với từng trường. Nhóm GX đã có một đội ngũ kỹ thuật đủ mạnh để thực hiện chuẩn hóa dữ liệu nguyện vọng ĐKXT vào nhóm GX trong thời gian nhanh nhất.
Về kỹ thuật xét tuyển: Quy chế tuyển sinh 2017 quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không hạn chế trong xét tuyển đợt 1; danh sách nguyện vọng phải được xếp theo thứ tự ưu tiên; thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách. Cách thức xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh 2017 hoàn toàn phù hợp với phần mềm xét tuyển của nhóm GX đã sử dụng trong năm 2016.
Các trường tham gia nhóm sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực trong công tác tuyển sinh, đồng thời có một đội ngũ kỹ thuật của nhóm hỗ trợ, chủ động hơn trong việc xác định danh sách thí sinh trúng tuyển trước khi trình Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, nhóm GX đã là một cái tên quen thuộc đối với thí sinh trong năm 2016, việc duy trì nhóm GX sẽ là một cơ hội thuận lợi về truyền thông tuyển sinh cho các trường tham gia nhóm, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng và các sự kiện tư vấn tuyển sinh.
Nguyên tắc xét tuyển của nhóm GX
- Ông có thể cho biết nguyên tắc xét tuyển của các trường theo nhóm GX?
Các trường nhóm GX thực hiện xét tuyển theo các nguyên tắc sau:
Xét tuyển theo nhóm ngành: Một nhóm ngành bao gồm một hoặc vài ngành đào tạo của một trường được ấn định một mã nhóm ngành để xét tuyển (gọi chung là mã xét tuyển), có cùng tổ hợp môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển.
Xét tuyển theo danh sách các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký: Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký theo quy định tại điểm b và c Khoản 1 Điều 13 của Quy chế tuyển sinh 2017.
Ngoài xét tuyển đợt 1, nhóm GX tiếp tục thực hiện xét tuyển chung trong các đợt xét tuyển bổ sung. Các trường có nhu cầu xét tuyển bổ sung sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ nhóm GX về hệ thống ĐKXT, phần mềm xét tuyển và công tác truyền thông tuyển sinh.
Nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả Điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định.
Cách tính Điểm xét (ĐX) như sau:
Đối với các nhóm ngành không có môn/bài thi chính: ĐX bằng tổng điểm 3 môn (môn 1, môn 2, môn 3) chia 3 cộng tổng điểm ưu tiên (KV, ĐT) chia 3.
Đối với các nhóm ngành có môn/bài thi chính: ĐX bằng tổng điểm (môn chính -nhân 2, môn 2, môn 3) chia 4 cộng tổng điểm ưu tiên (KV, ĐT) chia 3.
Kết quả tính ĐX dự kiến được lấy đến 2 chữ số sau dấu phẩy.
Đối với một nhóm ngành, điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển có thể khác nhau, mức chênh lệch điểm do các trường quy định.
Nếu số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu một nhóm ngành, điều kiện phụ về điểm môn/bài thi do các trường quy định sẽ được áp dụng đối với các thí sinh bằng Điểm xét ở cuối danh sách.
Điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính Điểm xét.
Trường tham gia GX phải đảm bảo tiêu chí nhất định
- Đến thời điểm hiện tại, có những trường nào đã đăng ký tham gia nhóm GX? Điều kiện và tiêu chí để một trường tham gia nhóm là như thế nào?
Năm 2016, những trường tham gia nhóm GX gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trưởng Đại học Mỏ-Địa chất, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Học viện Ngân Hàng, Trường Đại học Thăng Long, Học viện Chính sách và Phát triển.
Về điều kiện và tiêu chí để một trường tham gia nhóm, Ban chỉ đạo nhóm GX sẽ quyết định việc tham gia nhóm của một trường mới theo đề xuất của trường đó. Tiêu chí để một trường có thể tham gia nhóm GX là:
Cam kết tham gia nhóm và tuân thủ các quy định và nguyên tắc xét tuyển chung của nhóm, tuân thủ các quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các trường tham gia.
Các trường tuyển sinh theo một số phương thức khác nhau (xét tuyển bằng kết quả học tập THPT, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 hoặc thi tuyển riêng) vẫn có thể tham gia nhóm GX nếu xác định rõ chỉ tiêu tuyển sinh các nhóm ngành theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT Quốc gia.
- Xin cảm ơn ông!
Các quy định chung xét tuyển nhóm GX
Các trường tham gia nhóm GX năm 2017 trên tinh thần tự nguyện, có sự cam kết tham gia bằng văn bản. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đảm nhiệm vai trò chủ trì.
Sử dụng dữ liệu ĐKXT và kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GDĐT cung cấp để xét tuyển vào các trường trong nhóm.
Sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do Trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý; áp dụng chung cách tính Điểm xét để xác định danh sách trúng tuyển vào các trường trong nhóm.
Áp dụng một cách thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh 2017.
Tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường, duy trì phương thức xét tuyển theo nhóm trường cho các đợt xét tuyển bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.