Vì dễ “ăn” điểm ?
|
|
|
Dự báo, trong năm tới nếu phương thức thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định thì số thí sinh chọn thi môn xã hội sẽ còn tiếp tục tăng lên
|
|
|
Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang
|
|
|
Năm nay, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ thì thí sinh được chọn một trong 2 tổ hợp khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Khảo sát ban đầu tại các trường cho thấy, số học sinh (HS) chọn thi xã hội có xu hướng tăng lên so với các năm trước.
Theo khảo sát sơ bộ tại Trường THPT Mê Linh, H.Mê Linh (Hà Nội) có 190 HS cuối cấp của trường này đăng ký thi tổ hợp môn khoa học xã hội, xấp xỉ 50% và tăng hẳn so với năm trước (năm trước chỉ có khoảng 1/3 HS chọn thi các môn xã hội).
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm (Hà Nội) năm nay trong kỳ thi thử cho HS lớp 12 toàn thành phố, số HS đăng ký thi môn xã hội lên tới 9 phòng thi, chiếm gần một nửa tổng số HS lớp 12 của trường. HS khối C chọn thi sử, địa, giáo dục công dân thì đã rõ nhưng để lấy điểm tốt nghiệp, hầu hết HS khối D cũng chọn thi tổ hợp xã hội chứ không chọn thi tổ hợp tự nhiên lý, hóa, sinh.
Một lãnh đạo trường trên cho rằng với bài thi môn khoa học xã hội, HS có thể gặp khó khăn ở môn lịch sử nhưng với môn địa và giáo dục công dân lại có nhiều cơ hội lấy điểm cao hơn. Môn địa được sử dụng Atlat, còn giáo dục công dân có những kiến thức gần với thực tế nên HS không cần học thuộc lòng nhiều…
Chủ yếu lấy điểm để xét tốt nghiệp
Tại Bắc Giang, từ ngày 31.3 đến 2.4 vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh này đã tổ chức thi thử THPT quốc gia cho hơn 15.000 HS lớp 12. Thống kê cho thấy, khối THPT có khoảng 30% HS chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, còn lại tới 70% đăng ký tổ hợp khoa học xã hội. Với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, tỷ lệ thí sinh chọn bài khoa học xã hội chiếm gần 90%.
Điều này được đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang lý giải: Hiện nay, ngoài các khối thi truyền thống, nhiều trường ĐH đưa vào xét tuyển các khối thi mới như ngữ văn - lịch sử - ngoại ngữ; ngữ văn - giáo dục công dân - ngoại ngữ; toán - giáo dục công dân - ngoại ngữ... Bên cạnh đó, hiện nay các lớp ban cơ bản D chiếm tỷ lệ khá lớn ở các trường, vì vậy dự báo trong năm tới, nếu phương thức thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định thì số thí sinh chọn thi môn xã hội sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Không ít ý kiến cho rằng, HS không chọn môn khoa học tự nhiên vì sợ môn sinh học. Thậm chí có HS xét tuyển ĐH khối A, A1 nhưng vẫn chọn cả 2 bài thi tổ hợp, một bài khoa học xã hội để xét tốt nghiệp còn bài khoa học tự nhiên chú trọng thi 2 môn vật lý, hóa học để xét tuyển ĐH.
Muốn vào ngành công an nhưng phải chọn luật
Ông Mai Đức Thắng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết thông thường mọi năm HS đều chọn thi các môn tự nhiên vì ngay từ đầu đã có định hướng theo đuổi các ngành như quản trị kinh doanh, kinh tế...
Tuy nhiên, năm nay quy định HS được chọn 2 bài thi tổ hợp nên đã có khoảng 8 - 9% HS đăng ký bài thi tổ hợp môn khoa học xã hội. Những HS chọn bài thi này hầu hết là có định hướng thi vào ngành luật, công an và đã đầu tư thời gian để ôn luyện từ đầu năm. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh năm nay ngành công an không xét tổ hợp môn văn - sử - địa mà xét toán - văn - sử. Chính vì thế, để an toàn HS đành phải dành ưu tiên hơn cho ngành luật. Tức là thay vì đầu tư thời gian luyện thi môn toán để vào được ngành công an thì những HS này vẫn giữ bài thi khoa học xã hội và chuyển hướng thi ngành luật.
Lam Ngọc
|
Tỷ lệ chênh lệch giữa 2 bài thi rất thấp
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, đến ngày 5.4 đã có 46.000 hồ sơ đăng ký dự thi được cập nhật lên hệ thống thông tin quản lý thi và tuyển sinh ĐH. Trong đó có 74,28% số hồ sơ có đăng ký xét tuyển ĐH. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 46,5%, bài thi khoa học xã hội là 42,5%, chọn cả 2 bài thi tổ hợp là 9,8%.
Nhìn vào thống kê cho thấy, tỷ lệ chênh lệch thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khoảng 4%, không đáng kể so với các năm trước. Mặc dù tỷ lệ thí sinh chọn môn khoa học tự nhiên vẫn áp đảo nhưng không còn quá cách biệt với môn khoa học xã hội như những năm qua. Có năm, nhiều trường thậm chí không HS nào đăng ký dự thi môn sử. Môn địa thì rất ít HS chọn. Tình hình năm nay có ít nhiều thay đổi khi số HS chọn môn khoa học xã hội có chiều hướng tăng, không còn cảnh “trắng” thí sinh đăng ký dự thi môn này như trước.
Ông Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết theo thống kê ban đầu, trong số 447 HS có 140 chọn bài thi khoa học xã hội. Khoảng 30% HS Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1) cũng đăng ký bài thi xã hội.
Bà Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), thông tin đến thời điểm này tỷ lệ HS đăng ký thi bài thi khoa học tự nhiên nhiều hơn so với khoa học xã hội. Đặc biệt, nhiều HS đăng ký thi cả 2 bài thi.
Lãnh đạo một trường THPT cho hay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi thử nghiệm thì số lượng HS chọn bài thi khoa học xã hội tăng lên do yêu cầu của đề thi các môn này dễ hơn.
T.Nguyễn - B.Thanh - L.Ngọc
|