Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch Vast Group, đồng sáng lập Công ty cổ phần thiết bị nâng hạ Nhật Bản JCT, tại diễn đàn “Người trẻ cần gì?” diễn ra tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tuần qua, với sự tham gia của đông đảo doanh nhân và
sinh viên.
Từ tù nhân trở thành doanh nhân
Ông Đàm bắt đầu buổi diễn đàn bằng câu chuyện của chính mình: Một thanh niên chỉ biết lêu lổng, 18 tuổi lấy hết tiền của bố mẹ đi lang thang ăn chơi, 19 tuổi trở thành “ông trùm” trong thôn, vài tháng sau lĩnh án hơn 3 năm tù giam sau một lần cầm đầu một nhóm người cướp tài sản. Ra tù, ông Đàm quyết tâm làm lại cuộc đời và thi đậu một trường ĐH tại TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ học được năm đầu tiên lại bị bạn bè xấu lôi kéo, ông Đàm vào tù lần thứ hai. 14 tháng sau ra tù, thấy mái tóc mẹ đã bạc màu, ông Đàm hối hận.
“Tuổi trẻ chỉ đến một lần, nhưng tôi đã bỏ phí. Tôi quyết tâm phải sống có ích cho cuộc đời, tôi ôn và thi vào một trường đại học ở TP.HCM… Đến nay đã làm chủ công ty liên quan ngành ô tô và công ty đã có chỗ đứng. Tôi là một người bình thường mà làm được thì tất cả bạn trẻ đều làm được”, ông Đàm nói.
Theo ông Đàm, để thành công, bạn trẻ trước tiên cần có định hướng, tức là ấn định đích đến, biết mình muốn trở thành ai, khi đó sẽ biết đường đi, cần vẽ “bản đồ sống” của cuộc đời mình. Thứ hai, bạn trẻ cần định vị lại bản thân mình, trả lời các câu hỏi tôi đã nhận ra gì từ cuộc sống trước đây, cuộc sống của tôi đã thiếu gì, thừa gì? Và thứ ba, người trẻ cần định hình, xem mình cần trang bị những kỹ năng gì, mối quan hệ nào, điều kiện gì để đi tới đích?
“Như vậy, để thành công, người trẻ trước tiên cần thấu hiểu chính bản thân mình”, ông Đàm nhắn nhủ.
Kỹ năng quan sát quyết định thành công
Ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nam Á Bank Nhà Bè, cho rằng bây giờ khi xin vào các công ty, doanh nghiệp thường mong muốn người ta hiểu mình, nhưng một người quản lý doanh nghiệp không có nhiệm vụ hiểu bạn. Bản thân người trẻ phải tìm hiểu về doanh nghiệp đó cần gì, mình phải đáp ứng những gì rồi từ đó hoàn thiện bản thân. Đây là điểm mấu chốt dẫn đến những thất bại khi đi xin việc của người trẻ. Từ kinh nghiệm nhiều lần phỏng vấn các ứng viên mới tốt nghiệp ĐH, ông Lâm cho rằng, người trẻ cần chú ý 2 điều, đó là tự tin và tư duy tích cực.
Theo bà Phương Hạ, Tổng giám đốc Công ty Gift Brand, để học được nhiều điều thì phải có
kỹ năng quan sát. Minh chứng cho điều này, bà Hạ kể bản thân đã từng nhảy việc rất nhiều, chỉ với mục đích là học được nhiều hơn từ những người sếp của mình. Vì theo bà Hạ, mỗi người sếp sẽ có một năng lực và cách thức lãnh đạo riêng. Cứ mỗi lần đi qua một môi trường mới như vậy bà sẽ chú ý đến việc quan sát, quan sát cách làm việc, vận hành. Chính từ những kỹ năng quan sát đó đã giúp bà Hạ học được nhiều điều và có được thành công như ngày hôm nay.
“Tôi khuyên các bạn đi làm thêm, ưu tiên những việc sát với chuyên ngành, hoặc dù không liên quan chuyên ngành các bạn cũng cần kỹ năng quan sát để có những kỹ năng, trải nghiệm… Các bạn đừng để đi ra trường, CV xin việc trắng, không có chút kinh nghiệm gì nhưng lại đòi mức lương cao”, bà Hạ nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Công ty cổ phần VTVCORP, đưa ra ví dụ về một công ty ở Nhật Bản tuyển kỹ sư với mức lương “khủng”. Trong 1.000 người chỉ tuyển 1 người. Yếu tố nào quyết định sẽ được chọn? Đấy chính là kỹ năng quan sát, khi trong 1.000 người đi đến phỏng vấn chỉ có một người quan sát và nhặt rác xung quanh bỏ vào thùng rác, cũng duy nhất người đó nở nụ cười thân thiện với những người xung quanh nhiều nhất, thể hiện được sự thân thiện, cởi mở và biết trao đổi với đồng nghiệp.
“Để thấy được rằng, đến một lúc nào đấy, kỹ năng trình độ là như nhau, nhưng biết quan sát những diễn biến xung quanh thì sẽ là yếu tố quyết định thành công”, ông Khởi nhấn mạnh.