Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa:
Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Tiếng Anh: Control Engineering and Automation) là ngành nghiên cứu và triển khai hệ thống điều khiển và tự động các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Kỹ thuật điều kiển và tự động hóa đảm bảo cho việc điều khiển một cách nhanh chóng, chính xác đạt hiệu suất cao với các dây chuyền sản xuất phức tạp, mang tính chính xác và công nghệ cao. Nhờ ứng dụng của kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, các thao tác của con người được thay thế hoàn toàn bằng các hoạt động của máy móc, robot.
Ngành học cung cấp cho sinh viên kiến thức về các hệ thống điều khiển tự động hiện đại cùng với sự hỗ trợ của công nghệ điện - điện tử và công nghệ truyền thông tiên tiến ứng dụng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Như nhận xét của TS. Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội: “Tự động hóa là 1 trong 5 lĩnh vực nghề “hot” nhất, có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất hiện tại và tương lai gần".
Tại trường ĐHCông nghệ – ĐHQGHN, sinh viên được trang bị các kiến thức về: Điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động; Tự động hóa sản xuất và truyền thông trong công nghiệp; các hệ thống điều khiển nhúng, lập trình cho các bộ điều khiển công nghiệp PLC, kỹ thuật vi điều khiển, hệ thống SCADA. Các kiến thức chuyên sâu cả phần cứng và phần mềm của trang thiết bị Tự động hóa công nghiệp là một trong những lợi thế của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên sẽ phải học những môn khá "khoai" như: Điều khiển PLC, Robot Công nghiệp, Hệ thống điều khiển nhúng, Lập trình nâng cao ứng dụng trong đo lường, điều khiển, Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa….
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp:
Theo thống kê của các trường khối công nghệ và kỹ thuật thì ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa luôn là một trong những ngành "hot" và có điểm đầu vào cao.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể công tác tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các Khu công nghệ cao với vai trò là kỹ sư đến trưởng nhóm kỹ thuật để vận hành các dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Sinh viên tốt nghiệp cũng làm việc tại các Viện nghiên cứu, trường Đại học với định hướng chuyên sâu về Tự động hóa. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đất nước ta đang bước vào giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, bất cứ ngành nghề kỹ thuật nào cũng cần đến kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Lãnh đạo ĐH Công nghệ - ĐH QGHN cho biết, phải khẳng định rằng, hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của tất cả các ngành kinh tế. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành này luôn có thu nhập cao và không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai.
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử:
Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử (Tiếng Anh: Mechatronics Engineering)là sự kết hợp hài hòa của kỹ thuật điều khiển, cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin. Đây là ngành rất quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0.
Mục đích của ngành khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển tối đa tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao.
Lãnh đạo trường ĐH Công nghệ - ĐH QGHN cho biết, khác với các sản phẩm nguyên vật liệu truyền thống của chúng ta (dầu khí, nông nghiệp, thuỷ sản…), hoặc các sản phẩm gia công (giầy dép, quần áo…) có giá trị gia tăng thấp, thì ngược lại các sản phẩm ứng dụng của ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử có giá trị gia tăng cao nằm trong ý tưởng thiết kế và phần mềm nhúng được chính chúng ta lập trình cho sản phẩm. Ô tô cũng là sản phẩm tiêu biểu của ngành cơ điện tử với hàng trăm hệ thống chip vi điều khiển và các cơ cấu chấp hành khác.
Theo học ngành này, sinh viên được trang bị các kiến thức về các hệ thống điều khiển nhúng, hệ thống đo lường và điều khiển thông minh; kiến thức về cảm biến - cơ cấu chấp hành và đặc biệt là kỹ năng lập trình (Bao gồm cả lập trình nhúng cho các bo mạch điện tử đến xây dựng các phần mềm quản lý trên các hệ điều hành bậc cao).
Kiến thức chuyên sâu cả phần cứng và phần mềm cũng như kỹ năng lập trình nhúng tốt là một trong những lợi thế khi ra trường của ngành đào tạo và luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp:
Sau khi tốt nghiệp sinh viên được các doanh nghiệp, các công ty liên doanh, công ty công nghệ cao chào đón và được đánh giá là nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của công ty.
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử tốt nghiệp có khả năng thiết kế, sáng tạo các sản phẩm cơ điện tử: điều khiển máy móc, thiết bị; các hệ thống, dây chuyền sản xuất tự động; có khả năng tiếp cận, khai thác, ứng dụng các sản phẩm cơ điện tử của các nước tiên tiến khác trên thế giới.
Các vị trí mà sinh viên Cơ điện tử có thể đảm nhiệm như: Kỹ sư thiết kế hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động.
Quản lý, điều khiển và vận hành các hệ thống sản xuất tự động; Trưởng nhóm công nghệ trong thiết kế, chế tạo sản phẩm Điện tử - Cơ điện tử
Cán bộ quản lý hoặc kỹ sư lập trình điều khiển, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống Cơ điện tử; Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm liên quan.
Với việc hội nhập cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 04 và việc sử dụng các dây chuyền thiết bị hiện đại ngày một nhiều tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.