Thói chặt chém đã ám ảnh ngành du lịch và để lại ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế. (Ảnh minh họa: VOV)
Lâu nay, chúng ta đã nghe nhiều mỹ nói về đất nước như danh lam thắng cảnh đẹp, thiên nhiên trù phú, con người Việt Nam thân thiện…
Nhưng thực tế vẫn đang tồn tại thói "ăn xổi, ở thì" của một bộ phận người Việt khi đối xử với khách nước ngoài, đó là nạn chặt chém và lừa gạt khách du lịch.
Vụ việc một người lái xích lô lấy của du khách người Nhật Bản là cụ Oki Toshiyuki 2,9 triệu đồng một cuốc xe 5 phút vào ngày 3/8/2019 một lần nữa đã làm xấu hình ảnh người Việt.
Dẫu đó là hành động của một cá nhân nhưng đây không phải là lần đầu xảy ra vụ việc như vậy. Thậm chí việc “chặt chém” còn trở thành một thứ văn hóa xấu xí của người Việt tại các địa điểm du lịch ở Việt Nam.
Một câu hỏi vẫn đang đặt ra rằng tại sao luôn có những kẻ lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ hay sự lạ lẫm của du khách khi tới một vùng đất mới để trục lợi, hay nói cách khác là lừa đảo một cách trắng trợn như vậy?
Những hành động như vậy đã bị lên án rất nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra và mức độ càng nghiêm trọng hơn.
Những hành động như vậy càng cho thấy thói “ăn xổi, ở thì” của một bộ phận người Việt vẫn chưa thể bỏ được.
Trong ngành du lịch hiện nay có lẽ rõ nhất bởi cứ gặp dịp là nhiều người bán hàng ra sức “chặt chém” khách lạ và khách nước ngoài.
Họ chặt chém mà không hề nghĩ rằng lấy của người ta một lần nhưng cái họ đánh mất nhiều hơn số tiền họ đã chặt chém người khác. Đó chính là niềm tin, sự thiện cảm.
Nhiều năm nay, làm sao để du khách quay trở lại vẫn là câu hỏi khó đối với ngành du lịch. Tiếng xấu về chặt chém tạo ra sự đề phòng…
Tác động của việc này có lẽ không đong đếm hết được và quan trọng hơn cả là nó đã tạo ra hình ảnh méo mó của người Việt.
Nói về vụ việc, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sự việc này người bình thường cũng thấy quá đáng. Bản thân chúng tôi và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đang rất bức xúc”.[1]
Tối 6/8, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, Trú tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh), người đạp xích lô "chặt chém" du khách Nhật 2,9 triệu đồng/cuốc xe kéo dài 5 phút.
Tại cơ quan công an, Tài xế xích lô khai, sáng 3/8, ông đạp xích lô tại công trường Mê Linh quận 1 thì thấy một du khách cao tuổi người nước ngoài vẫy xích lô yêu cầu về khách sạn Riverside (Tôn Đức Thắng, quận 1). Kết thúc chuyến đi kéo dài khoảng 5 phút, ông Dũng lấy tiền công 500.000 đồng rồi xin thêm.
Thấy vị khách già chậm chạp mở ví, bên trong nhiều tiền nên ông Dũng nảy lòng tham. Người này tự cầm bóp của khách lấy thêm 2,4 triệu đông. Tổng cộng, ông Dũng đã lấy của vị khách 2,9 triệu đồng cho cuốc xích lô 5 phút.
|
Với vụ việc cụ thể này, bà Khánh đề nghị, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương cần sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý để tránh tái diễn hiện tượng “chặt chém” du khách gây phản cảm như trên.
Mà sự thật là những hành động xấu xí đó không đến từ đại bộ phận người Việt Nam.
Ngược lại hành động xấu xí của người đạp xích lô, cụ Oki Toshiyuki đã dành rất nhiều lời xin lỗi.
Phản ánh trên báo Thanh niên, cụ luôn nhận lỗi về mình khi nói về sự việc xảy ra vào ngày cuối cùng của chuyến du lịch.
“Lỗi là tại tôi không hỏi giá trước khi lên xe”, cụ nói.
Cụ cho biết muốn kể lại sự việc này là vì không muốn hình ảnh TP.HCM bị xấu đi trong mắt du khách nước ngoài bởi nạn chặt chém như thế.
Kinh nghiệm cụ rút ra sau sự việc này, theo cụ, là nên tấp vào chỗ công cộng nào đó như khách sạn, nhà hàng hay nhà sách để nhờ hỗ trợ.
Lời xin lỗi của ông cụ có lẽ khiến những người làm quản lý du lịch cần phải xem xét lại mình.
Lỗi không phải của ông cụ du khách người Nhật, nhưng ông cụ vẫn nhận trách nhiệm về mình. [2]
|
Tài xế xích lô Phạm Văn Dũng. (Ảnh: Người đưa tin)
|
Có lẽ nào mặc nhiên ở Việt Nam nếu không hỏi giá cả trước khi sử dụng dịch vụ sẽ bị “chặt chém”? Thói quen “ăn xổi, ở thì” của người Việt đang trở thành thứ mặc nhiên trong mắt người nước ngoài như vậy?
Một thói quen xấu đang ngang nhiên tồn tại trong xã hội. Các cơ quan quản lý muốn cải thiện hình ảnh du lịch cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Để khắc phục thói quen “ăn xổi ở thì”, thói chặt chém và cách ứng xử thiếu văn hóa như vậy đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, những chế tài nghiêm minh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình (Viện xã hội học - Viện Khoa học và Xã hội nhân văn Việt Nam) thì để khắc phục những hành động xấu xí như vậy tái diễn thì thì cơ quan chức năng cần xây dựng những luật lệ thật nghiêm minh để hạn chế những hành động xấu xí và lan tỏa những hành xử có văn hoá. [3]
Việc xây dựng chế tài sẽ không để kẽ hở cho những việc làm vụ lợi trước mắt diễn ra làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, lâu dài.
Hơn hết, cần có những chế tài, cách tuyên tuyền cụ thể để các cá nhân, tập thể không làm, không tái diễn những hành động xấu xí làm ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của xã hội, của đất nước như vậy nữa.
* Tài liệu tham khảo:
[1] [2] //thanhnien.vn/doi-song/xich-lo-chem-khach-nhat-29-trieu-so-du-lich-noi-anh-huong-hinh-anh-vn-1111068.html
[3] //anninhthudo.vn/doi-song/ung-xu-voi-khach-nuoc-ngoai-nhung-thoi-xau-phai-dep-bo/496866.antd