Năng lực sư phạm của mỗi giáo viên là quá trình thường xuyên, liên tục. Trong quá trình đó, có sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Từ những điều tra, nghiên cứu cụ thể, cô Nguyễn Thị Hà Lan - Giảng viên Trường ĐH Hồng Đức - đề xuất 4 nội dung tự học giúp giảng viên phát triển năng lực sư phạm.
Nghiên cứu tài liệu, học liệu, giáo trình
Nội dung thứ nhất được đề cập đến là tự nghiên cứu tài liệu, học liệu, giáo trình phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tài nguyên phong phú và dễ dàng tìm kiếm để nâng cao trình độ chuyên môn chính là internet với các địa chỉ tin cậy, như website của Bộ GD&ĐT, thư viện điện tử, diễn đàn của giáo viên trong và ngoài nước.
Kênh thông tin cũng rất đa dạng và phong phú như: Văn bản, tài liệu, giáo trình; video (bài dạy mẫu, lớp học ảo, giờ học tích cực) và các phần mềm phục vụ chuyên môn (phần mềm thiết kế thí nghiệm ảo; phần mềm kiểm tra, đánh giá...)
Bên cạnh các tài liệu phục vụ chuyên môn, giáo viên có thể tìm kiếm, download và lưu trữ các tài liệu phục vụ cho phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua các từ khóa: “kỹ năng sư phạm”, “năng lực sư phạm”, “PPDH tích cực”, “công nghệ dạy học”...
Tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong dạy học
Việc nâng cao trình độ CNTT của giáo viên là yêu cầu bắt buộc đòi hỏi mỗi người phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ và tích cực học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ CNTT, phục vụ cho hoạt động sư phạm của mình.
Trước tiên là hiểu biết đầy đủ và có kỹ năng ứng dụng phần mềm thiết kế bài giảng. Cùng với PM Powerpoint thì PM Violet hiện nay cũng đã được nhiều giáo viên khai thác để thiết kế bài giảng điện tử. Các PM với tính năng ưu việt sẽ giúp giáo viên thiết kế kịch bản dạy học sáng tạo, tương tác đa chiều và đặc biệt tạo môi trường học tập hiện đại.
Giáo viên cũng có thể lựa chọn và sử dụng hợp lý các phần mềm ứng dụng khác để xây dựng bài giảng đa phương tiện.
Đối với PM Powerpoint chỉ cho phép chúng ta chèn một file hoặc âm thanh chứ không thể có tính năng cắt các đoạn phim, đoạn âm thanh theo mục đích sử dụng.
Vì vậy, trước khi sử dụng PM Powerpoint để chèn video hoặc âm thanh, phải sử dụng một PM chuyên dụng để cắt video, âm thanh thành các đoạn ngắn, đó là PM Total Video converter.
PM này được dùng để cắt các đoạn video, đoạn âm thanh sao cho phù hợp với mục đích dạy học. Chúng ta có thể tách, cắt một đoạn phim ngắn, một đoạn âm thanh để minh hoạ hay tạo tình huống trong dạy học.
Ngoài ra, PM này còn cho phép chúng ta bóc, tách từng đoạn âm thanh ra khỏi video và ngược lại tách video ra khỏi âm thanh để thu thập và sử dụng tư liệu cho mục đích giảng dạy.
Sau khi cắt, tách các đoạn âm thanh, video theo mục đích sư phạm, chúng ta sử dụng kỹ thuật chèn âm thanh, chèn phim trong PM Powerpoint để đưa vào các slide.
Để giúp học sinh học tập trực tuyến hiệu quả, nhiều giáo viên đã thiết kế, xây dựng thành công website, blog hỗ trợ dạy học với giao diện đẹp; cấu trúc khoa học, thông tin và nội dung phong phú, được lựa chọn và bổ sung thường xuyên, gắn lý luận và thực tiễn; kết hợp nhiều kênh thông tin trong môi trường đa phương tiện và đặc biệt có sự tương tác cao.
Việc thiết kế website bằng ngôn ngữ lập trình hoặc sử dụng các ứng dụng sẵn có như: Google site của Google, Violet... để thiết kế website phục vụ cho giảng dạy cũng có thể được xem như một cơ hội nhưng cũng là một thách thức và yêu cầu đối với các giáo viên hiện nay.
Nghiên cứu kiến thức về thiết kế, tổ chức hoạt động giáo dục
Ngoài tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ CNTT, hiện nay giáo viên cũng cần quan tâm bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ở trường THPT.
Ngoài tài liệu, học liệu hướng dẫn cơ sở lý luận sẵn có trên mạng, giáo viên cần xem và phân tích các video clip do các dự án đào tạo giáo viên THCS và THPT triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, cần truy cập các website nước ngoài nhằm tìm hiểu các nội dung, hình thức và mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt ở các nước Nhật Bản, Sigapore...
Tự học, tự bồi dưỡng kiến thức ứng xử sư phạm
Ứng xử sư phạm là công việc thường xuyên, quan trọng của mỗi giáo viên trong quá trình công tác. Kỹ năng ứng xử sư phạm không chỉ phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mà còn phụ thuộc vào hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp cũng như tình cảm và thái độ của giáo viên dành cho học sinh.
Để phát triển kỹ năng ứng xử sư phạm, giáo viên cần đọc tích cực đọc, nghiên cứu các tài liệu, giáo trình về ứng xử sư phạm, nghệ thuật sư phạm.
Đồng thời, đọc, xem, phân tích các tình huống, câu chuyện giáo dục, quan điểm giáo dục của những nhà sư phạm lỗi lạc trong và ngoài nước để tích luỹ và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình giao tiếp, ứng xử với học sinh.