Thực trạng trên có một số nguyên nhân như: Giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự quan tâm sâu sát đến đặc điểm, tính cách, trình độ… của học sinh; chưa mạnh dạn trong việc giao nhiệm vụ cho cá nhân, thành viên ban cán sự lớp.
Một số giáo viên chủ nhiệm “sợ” bị ảnh hưởng thi đua nên đề ra quá nhiều biện pháp xử lý nội quy khắt khe, từ đó làm giảm tính chủ động, sáng tạo của học sinh cũng như ban cán sự lớp trong các hoạt động của lớp cả về chuyên môn, phong trào và các hoạt động.
Thêm nữa, đa số giáo viên chủ nhiệm xem giờ sinh hoạt lớp là xử lý học sinh vi phạm nội quy, học tập kém... làm cho bầu không khí giờ sinh hoạt thêm nặng nề.
Giao việc cụ thể cho ban cán sự và thành viên của lớp
Giáo viên chủ nhiệm cần có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên ban cán sự lớp:
Lớp trưởng: Quản lý chung các mặt của lớp cùng với giáo viên chủ nhiệm. Hỗ trợ GVCN trong việc đôn đốc các hoạt động của lớp, có sổ ghi chép tình hình các mặt của lớp trong tuần để có thể báo cáo GVCN tốt nhất trong giờ sinh hoạt lớp. Nên giao hẳn nội dung công tác tuần cho lớp trưởng để thuận tiện theo dõi công việc của lớp.
Lớp phó học tập: Hỗ trợ lớp trưởng trong báo cáo thi đua cho Đoàn trường, giám sát thi đua giữa các tổ trong tuần để đạt hiệu quả, tránh trường hợp thiếu công bằng trong thi đua.
Lập kế hoạch học tập cho lớp, trực tiếp liên hệ, nhận nhiệm vụ từ giáo viên bộ môn khi cần thiết và thông báo cho cả lớp. Khi có vướng mắc, trực tiếp báo cáo với giáo viên chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm để có biện pháp kịp thời khắc phục.
Bí thư chi đoàn và các Ủy viên Ban Chấp hành: Trực tiếp liên hệ với Đoàn trường trong công tác đoàn hàng tuần, tháng theo quy định. Đồng thời cũng là người tham mưu với giáo viên chủ nhiệm trong phân công các thành viên tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể nhà trường phát động.
Qua gợi ý phân công của BCH Chi đoàn lớp, giáo viên chủ nhiệm xem xét và phê duyệt. Đặc biệt, trong công tác này GVCN cần quán triệt cho học sinh tinh thần hết mình, vô tư, không đặt nặng thành tích thi đua, hơn thua… mà chủ yếu qua hoạt động này để rèn luyện tinh thần đoàn kết, tập thể và vì trách nhiệm chung trong tập thể.
Lớp phó lao động: Phân công trực lớp, lao động theo định kỳ của nhà trường theo gợi ý GVCN. Nhiệm vụ này cũng giao toàn quyền quyết định cho lớp phó lao động nhưng GVCN có trách nhiệm giám sát sự phân công có hợp lý hay không. Lớp phó lao động có quyền yêu cầu tổ trưởng các tổ nộp bản phân công nhiệm vụ các thành viên tổ để dễ dàng giao nhiệm vụ.
Các thành viên còn lại: Có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công, đồng thời giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của ban cán sự lớp.
Khi phát hiện có vấn đề cần dân chủ trình bày chính kiến trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm để tháo gỡ, tránh để xảy ra những hiểu lầm không đáng có giữa các thành viên lớp.
Với việc phân công cụ thể như trên, ban cán sự lớp sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động của lớp trong tuần (tháng) theo cách riêng của mình trên cơ sở đươc giáo viên chủ nhiệm giao.
Tạo điều kiện để ban cá sự lớp thể hiện bản lĩnh
Mặc dù tăng cường giao nhiệm vụ (gần như giao toàn quyền) cho ban cán sự trong các hoạt động, công việc chung của lớp, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò gợi ý, định hướng để các em thực hiện đúng công việc, đồng thời giúp đỡ các em khi các cảm thấy khó khăn vướng mắc.
Giáo viên chủ nhiệm không trực tiếp làm thay cho ban sự, vì như vậy các em sẽ có tư tưởng ỷ lại và cảm thấy mình không thực tốt vai trò, từ đó sẽ trông chờ, không còn động lực thể hiện bản lĩnh của mình trước các nhiệm vụ được tin tưởng giao phó.
Giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm đến tình hình thực hiện nhiệm vụ của ban cán sự lớp, không chỉ thông qua thành viên ban cán sự mà còn thông qua các thành viên còn lại.
Như vậy các em còn lại sẽ cảm thấy mình cũng có trách nhiệm với công việc của lớp, sự thành công tốt đẹp trong các hoạt động của lớp có một phần đóng góp của mình.
Khi khen ngợi thành tích các mặt của lớp, giáo viên chủ nhiệm trước hết cần cho thấy đó là thành tích của cả tập thể, không đề cao một cá nhân. Đồng thời biểu dương khả năng điều hành công việc của ban cán sự lớp, mặc dù đôi khi chưa theo ý muốn của GVCN.
Thông qua ban cán sự lớp, GVCN tìm hiểu rõ hơn đặc điểm của các học sinh nổi bật khác, thế mạnh của từng bạn, học sinh có cá tính, cá biệt, cũng như hoàn cảnh… có những biện pháp phù hợp nhất đối với từng thành viên, từ đó sẽ phát huy được thế mạnh riêng của từng thành viên trong các mảng hoạt động, học tập của lớp.
Khéo léo, biết lắng nghe
Trong công tác phối hợp với ban cán sự lớp, GVCN thường xuyên trao đổi với ban cán sự lớp về tình hình các mặt của lớp. GVCN vẫn theo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của của ban cán sự để kíp thời định hướng kịp thời để các em hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh khen ngợi, biểu dương cũng cần có khiển trách đối với những việc chưa tốt của ban cán sự lớp. Tuy nhiên, thái độ khiển trách nên nhẹ nhàng, góp ý chân thành, chỉ ra được các em đã làm chưa tốt ở điểm nào để khắc phục về.
Điều vô cùng quan trọng là giáo viên chủ nhiệm phải biết lắng nghe; khuyến khích học sinh mạnh dạn kiến nghị, đề xuất, hình thành tinh thần dân chủ trong tập thể lớp
Thay đổi nội dung, không khí giờ sinh hoạt lớp
Giờ sinh hoạt lớp không chỉ để trao đổi tình hình lớp; cùng với tập thể lớp đặt ra mục tiêu học tập, nội quy, phong trào trong tuần, tháng tiếp theo mà GVCN nên dành cả thời gian cho việc bàn luận các vấn đề liên quan về kỹ năng sống; gương sáng hiếu học; hoạt động Đoàn thể tiêu biểu hay các vấn đề mang tính thời sự đang nóng...
Các nội dung rèn luyện chính:
- Lập kế hoạch tuần, tháng: Học tập, thực hiện nội quy, phong trào, lao động.
- Lựa chọn chủ đề trao đổi trong giờ sinh hoạt lớp.
- Tự tổ chức việc thực hiện các đợt phát động phong trào, hội thi... của các đoàn thể nhà trường.