Phương án 1: Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương Binh xã hội tích cực giải quyết như một chương trình quốc gia đáp ứng nhu cầu bức thiết của các nhà trường phổ thông hiện nay.
Bộ Lao động Thương Binh xã hội, Bộ GD&ĐT tham mưu cho thủ tướng Chính phủ có một Nghị định của Chính phủ xác định nhiệm vụ, mục tiêu và cơ chế hoạt động, đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực, con người, nguồn lực tài chính. Các trường đại học, các học viên đào tạo các cử nhân công tác xã hội, cử nhân tâm lý học đường. Các nhà trường lần lượt thực hiện.
Phương án 2: Các trường trên cơ sở xã hội hóa, tự huy động nguồn lực, tự thực hiện, Bộ Giáo dục đào tạo cho một thông tư hướng dẫn.
Đây là cách làm của trường Đinh Tiên Hoàng từ 2001 đến nay. Để các nhà trường thực hiện được phương án này, Bộ GD&ĐT phải cho các nhà trường phổ thông được quyền tự chủ về tài chính và biên chế. Phương án này, nếu có thông tư của Bộ GD&ĐT hướng dẫn, chắc chắn các trường ngoài công lập đều thực hiện tốt.
Đặc biệt để giúp các nhà trường chủ động làm công tác xã hội, tham vấn tâm lý học đường thì trước tiên phải nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý trường học. Nếu các cán bộ quản lý trường học không nhận thức đúng không thể tiến hành được. Đồng thời phải biên soạn tài liệu, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm các nhà trường có trình độ, tâm huyết sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ công tác xã hội, công tác tham vấn tâm lý trong các nhà trường.
Phương án 3: Các trường phổ thông phải dựa vào nguồn nhân lực công tác xã hội tại các phường xã để kết hợp công tác xã hội ở mỗi nhà trường. Vì mỗi phường, xã hiện nay đều có các trường mầm non, tiểu học, THCS, do đó có thể kết hợp làm công tác xã hội trong các trường học tại các địa phương.
Phương án này thuận lợi các trường phổ thông không phải xin thêm biên chế, nhưng liệu các nhân viên này có thời gian để đảm nhiệm thêm các nhà trường hay không?. Cơ chế hoạt động của họ ra sao cũng là một phép thử cần tính toán kỹ.
Từ thực tế hoạt động của văn phòng tham vấn học đường của trường Đinh Tiên Hoàng, cho thấy: cuộc sống có nhu cầu, nhà trường không năng động, mạnh dạn, sáng tạo giải quyết không ai giải quyết thay. Công tác xã hội trường học cũng phải đi theo quy luật này.
Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của TS Nguyễn Tùng Lâm tại hội thảo “Định hướng xây dựng mô hình đào tạo công tác xã hội trường học ở Việt Nam” do Trường ĐHSP Hà Nội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức