Những ý kiến của các chuyên gia được chia sẻ, trao đổi sau phần thuyết minh khá chi tiết của GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể.
CTGDPT tổng thể đã thể hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hoàn toàn đúng đắn. GS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - nhấn mạnh: Nhiều người đang gọi chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể giống như một cuộc cách mạng và cho rằng đây là sự thay đổi, đột phá lớn.
Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận, đặt lại mục tiêu, thiết kế mới nội dung, định hướng đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông. Dự thảo CTGDPT tổng thể đã được xây dựng theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện mà Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Đưa ra quan điểm này, PGS.TS.Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - cho rằng, quy trình xây dựng CTGDPT tổng thể là tương đối rõ ràng, có tính hệ thống từ khâu xác định quan điểm tiếp cận, mục tiêu, yêu cầu, kế hoạch giáo dục đến định hướng nội dung, phương pháp, đánh giá và điều kiện thực hiện chương trình GDPT.
Ưu điểm của dự thảo, theo PGS Trần Ngọc Giao còn là việc hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và các năng lực cốt lõi, theo xu thế phát triển giáo dục quốc tế hiện nay. Những yêu cầu về các phẩm chất chủ yếu, các năng lực cốt lõi cần hình thành cho học sinh được coi là căn cứ xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông.
Nhận định về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể, GS. Nguyễn Đức Chính - Học viện quản lý giáo dục - nêu quan điểm: Dự thảo chương trình đã được phát triển trên cơ sở những nỗ lực người thiết kế đưa ra được những nguyên tắc, quan điểm để định hướng cho chương trình. Những quan điểm này đã đề cao tính mục tiêu, tính hệ thống và xu hướng chuẩn hóa cũng như tiếp cận bối cảnh thế giới và Việt Nam khi xây dựng chương trình.
Dự thảo chương trình cũng đã thể hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm thể hiện qua việc thiết kế các môn học, gia tăng sự lựa chọn cho người học về môn học, sách giáo khoa cũng như thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá. Đồng thời, thể hiện được xu hướng giảm tải kiến thức, tăng cường phát triển kỹ năng, các trải nghiệm thực tế có giá trị cho người học. Các môn học được thiết kế với những nỗ lực trong việc tiếp cận khoa học công nghệ thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Đại diện khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chia sẻ ý kiến của tập thể, TS Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh những ưu điểm nổi bật của dự thảo CTGDPT tổng thể về mục tiêu, phương pháp, cấu trúc.
Theo đó, đây là chương trình đầu tiên diễn đạt mục tiêu dưới dạng những phẩm chất và năng lực cụ thể; cũng là chương trình đầu tiên quan tâm đến phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, thi cử một cách chi tiết, cụ thể theo tiếp cận mục tiêu. Các tiêu chí để đánh giá 6 phẩm chất và 10 năng lực cũng đã được đề xuất.
Về cấu trúc, Chương trình đã chia 2 giai đoạn rõ rệt: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Nhiều môn học mới được đề cập trong chương trình như GD lối sống, Cuộc sống quanh ta, Thế giới công nghệ, Công nghệ và hướng nghiệp, Tiếng dân tộc thiểu số… Những môn học này sẽ giúp học sinh có kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Đặc biệt trong điều kiện xã hội đang diễn ra cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Về phân bố chương trình, dự thảo đã dành thời lượng tương đối cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động tự học có hướng dẫn, nội dung giáo dục địa phương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực thực hiện của học sinh trong các môi trường khác nhau của cuộc sống.
Chương trình đã quan tâm đến phát triển toàn diện con người về các mặt thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đạo đức… Chia sẻ ưu điểm này của dự thảo, TS Nguyễn Thị Thanh đồng thời cũng cho rằng, việc đưa giáo dục hướng nghiệp vào từ THCS là phù hợp và cần thiết...
Cùng với việc khẳng định những ưu điểm của dự thảo CTGDPT tổng thể, các chuyên gia đồng thời đưa ra những ý kiến cần trao đổi thêm, liên quan đến yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, số môn học, thời lượng giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình mới...
|
GS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - phát biểu tại hội thảo |
Khuyến nghị bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng yêu cầu mới
Trên cơ sở xem xét về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, xác định những vấn đề đặt ra cho người hiệu trưởng khi quản lý hoạt động giáo dục theo chương trình mới, tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thanh đưa ra một số khuyến nghị cho việc bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Theo đó, cần thiết kế lại chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo hướng tiếp cận mới của Chương trình phổ thông tổng thể. Bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để có nội dung phù hợp giúp người cán bộ quản lý có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi quản lý nhà trường.
Trong nội dung chương trình cần lưu ý những nội dung hướng dẫn cách phân cấp, phân quyền trong nhà trường để mỗi tổ chức trong nhà trường như tổ chuyên môn hoặc cá nhân mỗi giáo viên được tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Về phương thức quản lý cũng nên chuyển từ việc quản lý giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện sang quản lý kết quả để nâng cao tính chủ động cho đội ngũ…
TS Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, cần thiết kế các Case study theo các nội dung chương trình bồi dưỡng và sử dụng phối hợp hiệu quả với các phương pháp dạy học tích cực khác trong quá trình hướng dẫn các cán bộ quản lý học tập. Đồng thời, tăng cường thời lượng của chương trình bồi dưỡng cho hoạt động thăm quan, học tập các cơ sở giáo dục tiên tiến, điển hình. Một số nội dung của chương trình bồi dưỡng có thể thực hiện theo hình thức E-learning để giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tăng tính tích cực của người học.
Khẳng định chuyển một nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực là một chủ trương đúng đắn trong đổi mới giáo dục nước nhà, theo GS Nguyễn Đức Chính, để thực hiện chủ trương này cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.
"Trong bất kì nền giáo dục nào con người phải được xem là một cá thể có những đặc trưng riêng về năng lực, sở trường, thói quen…không giống bất kì người nào khác. Sứ mạng cao cả của giáo dục là giúp mỗi học sinh bộc lộ hết những tiềm năng vốn có, để học sinh đó có thể sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Trong công cuộc cách mạng này vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình" - GS Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Liên Châu (Học viện Quản lý giáo dục), đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trước hết cần được học tập lý luận nội dung đổi mới quản lý giáo dục phổ thông để đổi mới, sáng tạo trong tư duy nhằm xác định rõ nội dung đổi mới quản lý giáo dục phổ thông, nhất là việc xây dựng và thực thi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gắn với vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
"Việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông hiện nay cần tổ chức lớp theo vị trí việc làm và chức danh quản lý" - TS Nguyễn Liên Châu góp ý.