Đó cũng là nội dung chính mà phóng viên báo GD&TĐ đặt ra trong cuộc phỏng vấn NGƯT.TS Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT).
Ngành GD&ĐT nước ta đang tích cực chuẩn bị cho công cuộc đổi mới nội dung - chương trình và sách giáo khoa mới (chương trình và sách giáo khoa phổ thông tổng thể), sẽ triển khai cả nước vào năm học 2018 - 2019 theo phương thức cuốn chiếu… Theo ông, để đáp ứng kịp thời sự đổi mới rất quan trọng này, đâu là vấn đề đáng lo nhất?
Ngày 28/11/2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT BRVT đã chỉ đạo các đơn vị trường học phải thay đổi quan điểm về mục tiêu GD (chuyển từ nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa Đức - Trí - Thể - Mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS).
Các trường cần nắm rõ hơn về phạm vi, mức độ và cấu trúc nội dung GD theo hướng: Tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp. Tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.
Quyết liệt đổi mới về phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, song song đó phải đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng GD, bảo đảm trung thực, khách quan, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh cách học và cách dạy.
Như vậy trong các nội dung mà ngành GD đang triển khai có những nội dung thuộc về định hướng tư tưởng và có những nội dung phải triển khai ngay. Các nội dung này phải hài hòa thống nhất, xuyên suốt như khối óc và đôi bàn tay. Nếu tư tưởng chưa thông thì đôi bàn tay sẽ không linh hoạt. Nếu chúng ta hô hào đổi mới phương pháp dạy học mà cách thi cử, đánh giá vẫn như cũ thì mục đích đổi mới căn bản và toàn diện GD khó thành công.
Vì vậy, điều quan ngại nhất là quan điểm nhất quán của toàn xã hội. Nếu chỉ có những người làm GD thấu hiểu không thôi thì chưa đủ, mà phụ huynh HS nếu không thay đổi tư duy, vẫn cách nhìn cũ, thì cho dù đến năm học 2018 - 2019, chúng ta có bộ sách giáo khoa chương trình hoàn hảo đến đâu cũng rất khó thực hiện.
Xu thế tất yếu của “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” nước ta đang hướng đến tổ chức dạy - học tích hợp, liên môn, xuyên môn, phân hóa mạnh các đối tượng người học. Tuy nhiên, giáo viên (GV) chúng ta mấy chục năm qua (ở cấp THCS và THPT) vốn chỉ được đào tạo để đi dạy mỗi GV/1 môn. Bài toán rất “đau đầu” này cần được giải quyết thế nào, thưa ông?
Theo tôi được biết các trường SP trong cả nước đã có kế hoạch đào tạo GV theo tinh thần của sách giáo khoa mới. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa phổ thông mới): Dự thảo chương trình GD phổ thông tổng thể đã hoàn thành, sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.
Tôi cho rằng cần phải có kế hoạch ngay từ bây giờ để đào tạo lại đội ngũ. Muốn vậy, các trường SP trong cả nước phải khẩn trương xây dựng nội dung chương trình đào tạo và bồi dưỡng lại GV. Từ đó, các tỉnh, thành sẽ xây dựng kế hoạch để đưa đi đào tạo. Nghĩa là giải quyết bài toán này không khó nhưng cần có sự phối kết hợp giữa các trường và địa phương; thứ nữa bài toán về kinh phí của mỗi địa phương cũng cần tính đến.
Mặt khác, các nhà QLGD, đội ngũ thầy cô giáo phải hiểu được điều quan trọng nhất là tinh thần tự học hỏi. Nếu đội ngũ GV nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp với tinh thần tìm tòi, tự nghiên cứu, tự học… tôi thiết nghĩ họ đủ sức đảm nhiệm những nội dung nóng bỏng đặt ra của chương trình sách giáo khoa mới.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì tình trạng tuyển dụng GV “vô tội vạ”, dẫn đến “khủng hoảng” thừa - thiếu GV khá nghiêm trọng. Ở ngành GD&ĐT tỉnh BRVT ra sao, thưa ông? Theo ông để xử lý tốt bài toán tuyển dụng - sử dụng - bồi dưỡng GV cần phải có giải pháp nào hữu hiệu nhất?
Thực tế hiện nay, tỉnh BRVT không có tình trạng GV thừa - thiếu cục bộ như những địa phương khác. Hiện nay tỉnh chỉ thiếu GV các cấp học ở đơn vị trường học do huyện, thành phố quản lý, các đơn vị trực thuộc Sở thiếu không đáng kể. Việc thiếu GV cũng có nhiều lý do, trong đó việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của các bộ, ngành, Trung ương chưa cụ thể và còn nhiều bất cập. Hiện nay, toàn ngành GD của tỉnh đang có kế hoạch tuyển dụng mới viên chức các cấp học.
Để xử lý tốt bài toán “tuyển dụng - sử dụng - bồi dưỡng GV”, chúng ta phải nhanh chóng chuyển đổi các nhà trường sang mô hình tự chủ. Khi đã chuyển sang mô hình tự chủ, thì hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ mọi hoạt động của nhà trường về chất lượng, tài chính, con người… Khi ấy, bộ máy nhân sự của mỗi nhà trường sẽ tự cân đối và sẽ không còn tình trạng thừa - thiếu, mất cân đối, “dở khóc dở cười”.
Mặt khác, khi hiệu trưởng được tự chủ, sẽ tạo ra tính cạnh tranh, tính đào thải sẽ phát huy, đội ngũ GV bắt buộc phải chuyển biến để đáp ứng những yêu cầu do nhà trường đặt ra và khi ấy người học sẽ được phục vụ, tiếp nhận những điều kiện học tập tốt hơn.
Chúng ta đang rất cần những CBQLGD và GV “lãnh ấn tiên phong” - xung kích “phá rào” cho công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”. Tuy nhiên, làm sao có được lực lượng “tiên phong”, “đứng mũi chịu sào” này, thưa ông?
Cần phải khẳng định trong nhiều yếu tố cần và đủ để “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Không riêng gì ngành GD mà bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần những người “lãnh ấn tiên phong”, những xung kích “phá rào”, những người dám “đứng mũi chịu sào”… như nhà báo nói. Tuy nhiên, GD với tính đặc thù của nó là đào tạo con người nên điều này cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa.
Thực tế trong quá khứ cũng đã cho thấy, chúng ta có nhiều chính sách cho SVSP, nhưng các trường SP vẫn chưa thật sự thu hút được người giỏi. Những câu nói hài hước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua SP”, “Chuột chạy cùng sào mới vào SP”.
Nghĩa là những người giỏi nhất, những người tài năng thật sự, vì lý do nào đó họ chưa thích vào ngành SP, mặc dù xã hội vẫn ca tụng nghề giáo là “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Điều này cho thấy ngành GD ngay từ khi chọn hạt giống đã gặp bất lợi.
Vậy thì yếu tố duy nhất (theo tôi) để làm sao có những người “Tiên phong phá rào” trong công cuộc đổi mới, thì chúng ta cần phải hết sức quan tâm đến đời sống vật chất lẫn tinh thần, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà giáo cống hiến hết mình cho nghề nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
“Đội ngũ CBQLGD&GV không thể tách rời xu hướng phát triển của nền chính trị - kinh tế - xã hội. Người làm giáo dục không chỉ có kiến thức chuyên môn uyên thâm, mà đòi hỏi phải biết CNTT, phải sử dụng được ngoại ngữ, phải có những kỷ năng mềm, có tầm nhìn chiến lược, đủ tầm để đánh giá hiện trạng, từ đó đưa ra những dự báo xu thế phát triển của GD và quan trọng hơn họ phải có khả năng tư duy để giải quyết vấn đề. Mặt khác, vì làm công tác GD, cho nên CBQLGD&GV phải có cái tâm nghề nghiệp, hết lòng vì HS thân yêu, được đồng nghiệp, HS kính trọng”.
NGƯT. TS Nguyễn Thanh Giang