Cùng dự buổi họp báo có các Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Phạm Mạnh Hùng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm trước năm học mới đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp chia sẻ, như phương án thi, tuyển sinh năm 2017; Thông tư 30, mô hình Trường học mới VNEN; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đội ngũ giáo viên…
Quy chế thi, tuyển sinh quan tâm đến yếu tố đảm bảo chất lượng
Bộ GD&ĐT có thể thông tin về phương án thi, tuyển sinh năm 2017?
- Về phương án thi, tuyển sinh năm 2017, hiện Bộ GD&ĐT đã có tổ công tác gồm các lãnh đạo, chuyên gia có kinh nghiệm, rà soát kỹ phương án năm 2016 xem những gì hợp lý và chưa phù hợp; lắng nghe ý kiến dư luận, lấy ý kiến trực tiếp từ các Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ. Cách làm hết sức bài bản để đi đến thống nhất.
Hướng và chủ trương của Bộ GD&ĐT là phương án thi, tuyển sinh năm 2017 tiếp tục thực hiện theo phương án năm 2016, có cải tiến, điều chỉnh để tốt hơn lên.
Đơn cử, trước đây, kỳ thi THPT quốc gia có 2 cụm thi là cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì. Nay địa phương có thể đứng ra tổ chức được.
Về đề thi cũng đã được đánh giá tốt nhưng vẫn có ý kiến người làm giáo dục và dư luận là còn học tủ, học lệch; đâu đó còn hiện tượng học sinh nhìn bài nhau; chấm thi theo barem nên mức độ du di giữa các thầy cô khác nhau...
Nên dự kiến năm nay cải tiến một bước nhằm đảm bảo tính toàn diện, tránh học tủ, học lệch là áp dụng CNTT, thực hiện các bài thi tổng hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan (với nhóm các môn Khoa học tự nhiên, nhóm các môn Khoa học xã hội nhân văn, Ngoại ngữ), rất thuận tiện. Cách làm này đã được ĐHQG Hà Nội thực hiện tốt, nay áp dụng rộng thêm. Thí sinh làm bài thi trên giấy và chấm trên máy.
Cách làm này khắc phục được tính phiến diện, học lệch. Đây là một trong những đổi mới có tính chất bổ sung, khắc phục cho hạn chế của năm trước.
Đây không phải là cách làm mới, thí điểm mà là kết quả đã làm tốt sau 3 năm tổ chức thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, nay chuyển giao thực hiện.
Liên quan đến xét tuyển, thi tuyển vào ĐH, CĐ, năm nay cũng như năm trước là thực hiện kỳ thi với hai mục đích. Dù quy định các trường ĐH, CĐ được tự chủ về vấn đề này, nhưng trên thực tế, nhiều trường hiện nay chưa có kinh nghiệm và không có điều kiện đứng ra tổ chức thi. Bên cạnh đó, tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, Bộ GD&ĐT phải đứng ra quản lý chất lượng vì quyền lợi người học.
Về xét tuyển, cũng sẽ có phần mềm được sử dụng, sinh viên có thể đăng ý nhiều nguyện vọng cùng một lúc.
Chỉ tiêu các trường ĐH, CĐ trước căn cứ vào năng lực các trường. Bởi vậy, các trường đa số thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có hiện tượng chỉ tiêu cao hơn năng lực.
Nay bổ sung cái mới là chỉ tiêu còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu về ngành nghề của thị trường lao động và điều kiện để đảm bảo chất lượng.
Bộ GD&ĐT tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, để từ đó có thể kiểm tra chỉ tiêu, tránh tình trạng chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng không khớp; đồng thời cũng tăng cường hỗ trợ thông tin về dự báo ngành nghề.
Có thể nói, tới đây, trong quy chế về thi, tuyển sinh, Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến yếu tố đảm bảo chất lượng, không chỉ là "đầu vào". "Đầu vào" chỉ là một khâu trong các yếu tố đảm bảo chất lượng.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí |
Thông tư 30, VNEN: Có lộ trình, bước đi phù hợp
Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Thông tư 30 đưa ra cách đánh giá theo A, B, C là bình mới, rượu cũ?
- Thông tư 30 chuyển căn bản cách đánh giá từ cho điểm sang đánh giá bằng nhận xét. Học sinh tiểu học tuổi còn nhỏ, việc lượng hóa cho điểm không khó nhưng dẫn đến hiện tượng ganh đua, áp lực, dạy thêm - học thêm, bệnh thành tích, lệnh lạc trong đánh giá.
Nay ta tiếp cận theo đánh giá năng lực, phải đánh giá bằng lời - một câu khen cũng là một cách đánh giá.
Tinh thần của Thông tư 30 là tốt và qua thực tiễn thực hiện có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trước hết, tính toán làm để có lộ trình, bước đi phù hợp; có thí điểm sao cho chắc vững, nhân rộng phải có sự chuẩn bị cả về con người, cơ sở vật chất trường lớp…
Còn việc bổ sung tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ không phải là bình mới rượu cũ.
Đánh giá bằng nhận xét có hạn chế là thầy cô, học sinh, phụ huynh chưa ước lượng được sự tiến bộ của các cháu nên lượng hóa thành A, B, C. Đây không phải là cho điểm mà lượng hóa để thấy được các thang bậc trong sự tiến bộ của học sinh.
Tới đây sẽ ban hành Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung. Đây không phải là một Thông tư mới mà chỉ chỉnh sửa những nội dung bất cập để Thông tư 30 thiết thực, tiện ích và sát hơn với thực tiễn.
Ý kiến của Bộ GD&ĐT về mô hình Trường học mới (VNEN)?
Đổi mới từ phương thức tiếp cận nội dung, thầy dạy, trò chép sang tiếp cận theo đánh giá năng lực, đòi hỏi người học phải năng động sáng tạo thì phương thức tổ chức dạy học phải khác. Tinh thần, nội dung của phương pháp tổ chức giáo dục theo VNEN là tốt; bên cạnh đó còn nhiều phương pháp khác nữa.
Nhưng giống như Thông tư 30, đây là mô hình mới nên cũng cần có sự chuẩn bị, điều chỉnh cho phù hợp và không phải đâu cũng áp dụng được. Một số địa phương, cơ sở giáo dục không chuẩn bị kịp, không đủ, điều kiện, không phù hợp áp dụng mô hình này dẫn đến có phản ứng.
Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hướng dẫn và tổ chức. Theo đó, một mô hình mới không phải phù hợp với tất cả mọi người nên mức độ nhân rộng ra ít đi.
Đầu tiên thí điểm, thậm chí thí điểm một số khía cạnh tốt của mô hình. Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn cụ thể tới các địa phương.
Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng
Giải pháp của Ngành trong năm học này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục?
- Phải nhìn nhận thẳng thắn, chất lượng giáo dục có đi lên, nhưng so với yêu cầu thì chưa đạt. Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi xin chỉ nói về nguyên nhân chủ quan của ngành Giáo dục.
Để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nói một cách cho dễ hiểu như vừa phải làm nhà, vừa sửa nhà, vừa chữa móng,… vô cùng khó khăn và việc có va chạm, đa chiều là không thể tránh khỏi. Ngành Giáo dục phải rất nghiêm túc lắng nghe, tích cực nghiên cứu, tìm tòi để trải nghiệm…
Về giải pháp nâng cao chất lượng, tới đây, qua thực tiễn, với giáo dục mầm non, chủ yếu phải có điều kiện cơ sở vật chất tốt; với phổ thông, chủ yếu đi và nền nếp, kỷ cương; chương trình, SGK đi vào thiết thực, nền tảng, tránh quá tải…
Với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giải pháp thì có nhiều, nhưng tới đây chúng tôi sẽ áp dụng giải pháp về kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó thấy được các trường ĐH, CĐ của chúng ta đang ở đâu so với quốc tế.
Giải pháp quan trọng nữa là đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng thực học, thực nghiệp. Trường không chỉ dạy những gì mang tính truyền thống mà phải bám sát vào nhu cầu thị trường lao động.
Bộ GD&ĐT cũng có Trung tâm dự báo nghề nghiệp và nhu cầu lao động để làm cơ sở cho các trường xây dựng chỉ tiêu và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.
Cùng với đó là hội nhập quốc tế. Bộ GD&ĐT cho phép nhập chương trình nước ngoài vào, kèm theo điều kiện về đội ngũ và phòng thí nghiệm…
Giải pháp nữa là tự chủ ĐH, CĐ. Các trường chừng nào chưa tự chủ thực sự, chừng đó chưa thể mạnh dạn được, bởi vậy phải tiến tới tự chủ và cạnh tranh.
Nhà nước tiến tới không giao chi phí thường xuyên mà qua đặt hàng, đặt bài, không phân biệt trường công, tư, thậm chí là trường nước ngoài, trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng.
Có những giải pháp khuyến khích và tạo dựng cho các trường gắn kết với người sử dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp, tạo ra một chuỗi cung ứng…
Với giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên phải nâng cao chất lượng nên phải quy hoạch lại các trường ĐH sư phạm, theo hướng tập trung một số trường chất lượng để đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo chuẩn mới…
Vậy, sự chuẩn bị của Bộ GD&ĐT trong xây dựng chương trình, SGK mới như thế nào?
- SGK phải được xây dựng trên một chương trình tổng thể tốt. Từ chương trình tổng thể đó, chương trình môn học phải chuẩn, trên cơ sở đó mới có SGK.
Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị, triển khai một cách chắc chắn, theo cách tiếp cận mới. Cách làm là phải kết hợp được đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, trường sư phạm, gắn với làm sách SGK.
Làm sách không chỉ có một nhóm chuyên gia mà cả sự tham gia của những giáo viên giỏi. Bên cạnh đó, làm sách phải công khai minh bạch…
Tôi tin, khi chúng ta có chương tình tổng thể và chương trình môn học thì quá trình viết sách rất nhanh và lúc đó giảm tải cũng rất mạnh. Trong lúc chờ chương trình, SGK mới, Bộ GD&ĐT vẫn chỉ đạo tiếp tục rà soát, giảm tải chương trình phổ thông.
Đội ngũ giáo viên quyết định thành bại đổi mới
Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định đến thành công đổi mới. Bộ GD&ĐT có giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ?
- Bộ GD&ĐT đã xác định có 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản. Những nhiệm vụ, giải pháp này không chỉ thực hiện trong năm học tới mà thực hiện lâu dài.
Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ là nhiệm vụ trọng tâm. Quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào khoảng 1,3 triệu thầy cô.
Phần lớn các thầy cô tâm huyết với Ngành, nhưng hiện nay, chỉ tâm huyết chưa đủ mà phải có năng lực, kiến thức đủ tốt, đáp ứng được các chuẩn, quy chuẩn để dạy theo phương pháp tiếp cận năng lực.
Bộ GD&ĐT có chương trình rà soát các chuẩn, quy chuẩn với giáo viên các cấp bậc học, với CBQL; xây dựng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn để đào tạo lại, sử dụng CNTT nhằm tạo thuận lợi cho các thầy cô… Hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai dự án ETEP để hỗ trợ kỹ thuật và làm rất mạnh nội dung này.
Còn trong 5 giải pháp, giải pháp đột phá là cơ chế, chính sách. Trong điều kiện mới, nhiều văn bản quản lý trước kia đúng, nhưng giờ không còn phù hợp gây cản trở rất mạnh; rồi trước kia chưa có thì nay cần bổ sung…
Nếu tháo gỡ được, ngành Giáo dục sẽ cất cánh, không phải mất nhiều tiền, công sức mà vẫn tháo gỡ được rào cản không cần thiết, thậm chí đi ngược lại với đổi mới. Đây là nhiệm vụ rất lớn, có tính chất đột phá.
Đổi mới giáo dục là quá trình, là liên tục. Có điều để đổi mới thế nào cho hiệu quả cần có lộ trình, bước đi vững chắc. Khi đổi mới phải tính đến tính khả thi, lâu dài, tránh đổi mới xong phải làm lại. Nếu đổi mới theo lộ trình, bước đi phù hợp, có chuẩn bị tốt thì càng ngày sẽ càng tạo ra nền tảng tốt.
Với GD - ĐT, không phải nay đổi mới mai sẽ có ngay kết quả. Có những đổi mới chỉ trong 1 - 2 năm thấy hiệu quả ngay. Nhưng cũng có đổi mới phải chục năm sau mới có kết quả.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ