Củng cố kiến thức bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan
Sau mỗi một bài học giáo viên có thể tiến hành kiểm tra nhanh mức độ tiếp thu bài học của học sinh bằng những câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn các phương án có sẵn, hoặc hình thức câu hỏi đúng sai.
Ở dạng kiểm tra này giáo viên có thể vừa tóm tắt, tái hiện lại nội dung bài học, học sinh cũng có thể ôn tập, tự kiểm tra lại kiến thức sau một tiết học.
Đối với thể loại sử thi với nội dung tác phẩm dài, hình thức văn bản đồ sộ, phương pháp kiểm tra này rất cần thiết để đánh giá được năng lực tư duy thực tiễn của học sinh.
Hệ thống câu hỏi thông qua trò chơi ô chữ
Sử thi đa phần là những tác phẩm dài nên phân phối chương trình thường là 2 tiết học /1 văn bản.
Để tạo được sự hấp dẫn cho bài học, vừa củng cố bài cũ, vừa giới thiệu nội dung bài mới, thay bằng hình thức kiểm tra bài cũ gọi lên bảng, ra câu hỏi, giáo viên có thể cho học sinh tái hiện kiến thức đã học bằng hình thức trò chơi ô chữ.
Với cách làm này có thể cùng một lúc kiểm tra được kiến thức của nhiều học sinh, vừa tạo nên sự hứng thú, chú tâm đến bài học, đồng thời tiết kiệm được thời gian kiểm tra bài cũ nhưng vẫn đem lại hiệu quả tích cực cho giờ dạy.
Khi dạy đọc hiểu về đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”, sau khi giới thiệu cho người đọc cuộc chiến của hai tù trưởng và chiến thắng của Đăm Săn ở tiết 1, trước khi sang nội dung tiết 2 phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong cảnh mừng chiến thắng, giáo viên có thể đưa ra năm đến sáu câu hỏi nhỏ để học sinh tìm ý trả lời điền vào những ô chữ có sẵn:
Câu 1: Đăm Săn đã dùng vũ khí gì để tiêu diệt được kẻ thù?
Câu 2: Đăm Săn là sử thi viết về đề tài gì
Câu 3: Ở hiệp đấu thứ nhất, Đăm Săn và Mtao M xây tranh tài bằng cách nào?
Câu 4: Đăm Săn phải lấy hai người vợ của chú theo tục lệ nào của người Tây Nguyên?
Giáo viên có thể lựa chọn những chi tiết trong văn bản, hoặc lựa chọn kiểm tra những kiến thức ngoài văn bản có liên quan. Điều đó thúc đẩy học sinh có nhu cầu tìm kiếm thông tin, tự phát huy khả năng sáng tạo, tạo không khí học tập trong lớp học.
Với những phương pháp này chẳng những vai trò của người học trở nên chủ động tích cực mà bản thân giáo viên cũng tìm thấy hứng thú trong việc giảng dạy và truyền đạt. Giờ đọc – hiểu sẽ trở nên hấp dẫn, không khuôn sáo, khô khan, mang lại hiệu quả tích cực hơn.
Xem giáo án thể nghiệm qua bài học “Chiến thắng MTao-Mxây (Trích sử thi Đăm San) TẠI ĐÂY