học sinh dễ hình dung và quan trọng là để các em thấy được ý nghĩa của bài học vì đã được ứng dụng vào thực tiễn. Nhờ đó mà học sinh hứng thú hơn trong học tập.
VD: Gia đình muốn xây một bể chứa nước hình trụ, vậy các em có thể giúp bố mẹ tính toán về kích thước của bình chứa nước để số tiền xây dựng ít nhất?...” – thầy Trân dẫn giải, đồng thời nhấn mạnh: Phải tạo các tiết học thật tự nhiên, nhẹ nhàng, không lấy điểm số để tạo áp lực cho học sinh trong quá trình học tập.
Qua tìm hiểu được biết, thầy Triệu Ngọc Trân là một trong những giáo viên cốt cán của trường. Thầy thường xuyên được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Học kỳ I năm học 2017-2018, thầy có 3 học sinh đạt giải Khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Trân bộc bạch: Việc đầu tiên là phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng. Đây được xem là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của quá trình bồi dưỡng.
Theo đó, kế hoạch càng cụ thể, càng chi tiết thì càng tốt. Công việc này được thầy và các giáo viên trong tổ triển khai ngay trong thời gian nghỉ hè. Vì khi vào năm học được 2 tháng là đến kỳ thi học sinh giỏi.
Theo đó, tất cả giáo viên trong tổ đều được phân công dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Những thầy, cô nào có nhiều kinh nghiệm thì sẽ phân công dạy các chuyên đề quan trọng. Thầy, cô nào kinh nghiệm còn ít thì được phân công dạy các chuyên đề phụ và vừa dạy vừa tích lũy thêm kinh nghiệm.
Mục đích là để cùng nhau tiến bộ và trưởng thành hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ. Cứ như thế sau vài năm, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên sẽ được nâng lên... Cũng theo thầy Trân, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cũng là dịp để giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân.
Là người thiết lập các bài toán mới
Được biết, thầy Triệu Ngọc Trân cũng là một trong những giáo viên tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy. Sáng kiến kinh nghiệm mà thầy tâm đắc nhất đó là đề tài “Phân loại các dạng toán viết phương trình đường thẳng trong không gian và thiết lập các bài Toán mới”. Sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi trong nhà trường và các trường lân cận.
Chia sẻ về đề tài này, thầy Trân cho biết: Trong chương trình Hình học lớp 12, bài toán về viết phương trình đường thẳng trong không gian là bài toán hay và khó. Đây là dạng toán thường xuất hiện trong các đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, học sinh thường nhầm lẫn giữa véc tơ chỉ phương và véc tơ pháp tuyến, mối quan hệ giữa chúng. Lý do là các em đã quen tư duy theo cách viết phương trình đường thẳng hệ tọa độ Oxy mà các em đã học trong Hình học lớp 10 nên khi gặp các bài toán có nhiều giả thiết các em thường lúng túng.
“Từ thực tế đó cho nên trước mỗi kỳ kiểm tra, đặc biệt là trước Kỳ thi THPT quốc gia, học sinh và giáo viên đều trăn trở: Làm thế nào để tạo ra bài toán viết phương trình đường thẳng trong không gian và các bài toán tương tự.
Cần tạo ra các bài toán một cách độc lập và phù hợp với từng đối tượng học sinh chứ không thể sao chép từ các tài liệu rồi để học sinh làm. Phải có cái riêng của mình. Đây là lý do vì sao tôi quyết định thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm nêu trên” – thầy Trân bộc bạch và cho biết:
Thầy đã phân loại các dạng toán – bài toán thường gặp và thường xuyên xuất hiện trong các kỳ thi, nhất là Kỳ thi THPT quốc gia và nêu ra một số kinh nghiệm của bản thân trong việc tạo ra các bài toán phục vụ cho giảng dạy của mình. Cùng theo thầy Trân, việc phân loại bài toán theo mức độ từ dễ đến khó đã giảm bớt được sự khó khăn của học sinh khi gặp các bài toán này.
“Trong quá trình dạy học, tôi luôn tâm niệm: Phải cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không ngừng và đổi mới, sáng tạo trong từng tiết học để truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách tốt nhất. Được là một trong những điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục Gia Lai là một niềm vinh dự, tôi sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này” - Thầy Triệu Ngọc Trân.