Toàn cảnh buổi họp báo Thông tin về Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới chiều ngày 19/1.
Đúng 14h00' chiều ngày 19/1/2018, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến THPT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Mở đầu họp báo, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới thông tin khái quát chương trình phổ thông mới. Theo đó, chương trình GDPT mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....
GS. Nguyễn Minh Thuyết thông tin về khung chương trình GDPT mới.
GS. Thuyết cho hay, chương trình GDPT mới có 4 đặc điểm. Đầu tiên, các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Ngay từ lớp 1 trên cơ sở thể lực học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau (điền kinh, bơi lội, cầu lông...).
Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như: lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…
Cuối cùng, các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.
Đại diện Ban soạn thảo chương trình GDPT mới cho hay, các công việc tiếp theo cần làm là: Tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện các chương trình; Thẩm định và ban hành chương trình; Tập huấn cho các đối tượng khác nhau (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, người biên soạn thẩm định SGK) về chương trình ; Biên soạn, thực nghiệm SGK theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội; Thẩm định, phê duyệt SGK; Tập huấn cho các đối tượng khác nhau về SGK; Chỉ đạo triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình.
GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới giới thiệu khung chương trình.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, dự kiến tháng 4/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới. Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay.
"Đến năm 2020 trở đi sẽ có sự thay đổi để phù hợp với chương trình GDPT mới, tuy nhiên thay đổi thế nào thì không hề đơn giản. Bộ GD&ĐT đã tìm các tổ chức đo lường, nghiên cứu về vấn đề này. Qua đấu thầu, Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng giáo dục đã trúng thầu. Đơn vị này sẽ có nghiên cứu và báo cáo Bộ về chuẩn bị đổi mới hình thức đánh giá năng lực học sinh, trong đó có thi tốt nghiệp THPT", GS. Thuyết nói.
Ở phần hỏi - đáp, phóng viên đại diện nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến chương trình GDPT mới. Có lo ngại rằng, môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ gây tốn kém cho cả phụ huynh và học sinh vì trước nay hoạt động trải nghiệm sáng tạo thường được học ngoài giờ và phụ huynh phải đóng tiền thêm.
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - phụ trách chương trình môn học Trải nghiệm sáng tạo khẳng định: "Trải nghiệm sáng tạo là môn học bắt buộc từ lớp 1-12, nằm trong chương trình GDPT mới".
Theo đó, học sinh được tham gia trải nghiệm sáng tạo trong lớp học, ngoài lớp học, trong nhà trường, ngoài nhà trường để làm sao hình thành, phát triển được các năng lực, phẩm chất của riêng mình. "Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể mang tính xã hội và phục vụ cộng đồng và nhà trường cũng như học sinh hoàn toàn có thể tự tạo kinh phí để thực hiện. Muốn vậy, nhà trường phải làm tốt công tác xã hội hóa các đoàn thể, tổ chức đóng góp với điều kiện công khai, rõ ràng, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Nội dung giáo dục hướng nghiệp cũng sẽ được thực hiện trong các môn học và cả hoạt động trải nghiệm. Mục đích cần đạt là gới thiệu về thế giới nghề nghiệp, cho học sinh hiểu yêu cầu cần có của thị trường đối với người lao động; làm sao học sinh có thể khám phá năng lực phẩm chất cần chuẩn bị khi bước ra thị trường lao động", PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ.
Trả lời các câu hỏi về môn Ngoại ngữ, GS Nguyễn Lộc (Chủ biên chương trình môn Ngoại ngữ) cho hay: Chương trình mới kế thừa rất nhiều từ chương trình của Đề án 2020 như giữ nguyên số tiết học, huẩn năng lực vẫn dựa vào 6 chuẩn năng lực Việt Nam. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết. Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp Bậc 1, khi kết thúc bậc trung học cơ sở đạt được Bậc 2 và khi kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
GS. Nguyễn Lộc (Chủ biên môn Ngoại ngữ) thông tin về điểm mới và thời lượng của bộ môn này.
Ông Lộc khẳng định, cái mới của chương trình môn học này là có sự đóng góp của các chuyên gia và đặc biệt nhấn mạnh đến tính mở. "Chúng tôi sẽ mời rất nhiều chuyên gia về viết sách với các chủ đề, chủ điểm mang tính chất gợi ý. Về hình thức, chúng tôi có thay đổi để có thể đối sánh".
Về thời lượng môn tiếng Anh, ông Lộc thông tin chương trình môn học vẫn dựa theo Đề án 2020 - 4 tiết tuần ở tiểu học (lớp 3-5), 3 tiết tuần ở cấp THCS và 3 tiết tuần ở THPT (theo chương trình 35 tuần).
Bạn đọc tham khảo bản Giới thiệu tóm tắt dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới TẠI ĐÂY