Để phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên cần thực hiện một số biện pháp sau:
Cụ thể hóa mục tiêu theo hướng phát triển năng lực
Kế hoạch dạy học môn học của giáo viên phải cụ thể hóa chuẩn kiến thức, kĩ năng và mục tiêu cho bài học, phần học theo cách mô tả năng lực hướng tới các năng lực học sinh hình thành và phát triển được qua học tập môn Công nghệ 11.
Xem chi tiết kế hoạch dạy học TẠI ĐÂY
Chuẩn bị chu đáo về điều kiện dạy học
Giáo viên cần chuẩn bị chu đáo về điều kiện dạy học; từ đó tăng cường khai thác các thiết bị dạy học hiện đại (máy tính, máy chiếu đa phương tiện, máy chiếu vật thể, …); tích cực sưu tầm các hình ảnh, vật thật, cập nhật các kiến thức về công nghệ mới và ứng dụng của các công nghệ này; tăng cường sử dụng phương pháp dạy học trực quan từ đó giúp học sinh hình thành các khái niệm một cách thuận lợi và vững chắc hơn.
Trong điều kiện cho phép, tạo điều kiện để học sinh học tập dưới hình thức ngoài không gian lớp học (học tập trải nghiệm), qua đó, học sinh sẽ hiểu được sự vận dụng các kiến thức đã học trong môn học vào thực tế cuộc sống.
Sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực
Khi tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh được học tập theo phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực như dạy học dựa trên dự án, dạy học giải quyết vấn đề, … nhằm phát triển các năng lực của học sinh.
Trong các hoạt động học tập, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh được trực tiếp làm việc với các tranh ảnh, bản vẽ, video, mô hình, vật thật nhằm hình thành và phát triển các kiến thức, kĩ năng cho học sinh, từ đó hình thành và phát triển các năng lực của học sinh.
Chú trọng hướng dẫn học sinh làm bài tập và thực hành
Thông qua hệ thống bài tập để bồi dưỡng năng lực cho học sinh, kĩ năng vận dụng các kiến thức vào thực tiễn; rèn luyện tác phong công nghiệp làm việc theo quy trình.
Trong các giờ thực hành, học sinh hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Năng lực mang tính trừu tượng nhưng nó có thể đo được thông qua kĩ năng hành động.
Bên cạnh đó, để học sinh nắm vững các bước thực hành, trong quá trình làm mẫu, giáo viên phải thực hiện đầy đủ các bước cơ bản, tránh làm tắt, có phân tích kết hợp với làm mẫu để học sinh dễ dàng tiếp thu và thực hiện.
Đồng thời, yêu cầu học sinh làm đi, làm lại nhiều lần các hoạt động thực hành trong nhiều tình huống khác nhau. Có như vậy thì những hiểu hiết đó mới được củng cố vững chắc. Bên cạnh đó, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh được trao đổi, tranh luận; tạo cho học sinh có hứng thú học tập, yêu thích môn học.
Khai thác kiến thức, kĩ năng học sinh đã được học tập, rèn luyện trước đó
Trong chương trình Công nghệ 8, học sinh đã được trang bị một số kiến thức, kĩ năng cơ bản về vẽ kĩ thuật, gia công cơ khí, chi tiết máy và lắp ghép, truyền và biến đổi chuyển động.
Do đó, ngoài những hiểu biết, những kinh nghiệm mà học sinh có được trong thực tiễn cuộc sống, giáo viên cũng cần khai thác triệt để những kiến thức, kĩ năng mà các em đã được học tập, rèn luyện trước đó.
Tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới VNEN
Tăng cường giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh hoạt động. Điều đặc biệt chú ý nhất trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh là phải tăng cường giao nhiệm vụ, tổ chức cho các em hoạt động; tăng cường gắn kiến thức với thực tiễn, đặt ra nhiều vấn đề để các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống thực tế.
Đó là điểm khác biệt và nổi bật nhất của dạy học theo định hướng phát triển năng lực.
Phát triển năng lực trong dạy học phần Vẽ kĩ thuật
Trong phần Vẽ kĩ thuật, tập trung vào hình thành và phát triển năng lực đọc và lập bản vẽ. Để phát triển năng lực đọc và lập bản vẽ kĩ thuật cho học sinh, giáo viên cần hướng dẫn cách làm, xây dựng bài tập cho học sinh từ dễ đến khó, giao bài tập cho học sinh. Sau mỗi bài tập, giáo viên cần đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ cho học sinh những sai sót, yếu kém.
Ví dụ 1: Để hình thành và phát triển năng lực vẽ các hình chiếu vuông góc của vật thể, giáo viên cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Giáo viên nêu các bước tiến hành.
Bước 2: Giáo viên nêu ví dụ và làm mẫu
Bước 3: Xây dựng hệ thống các bài tập và yêu cầu học sinh làm. Trong quá trình học sinh làm, giáo viên cần kiểm tra, đánh giá thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện những lỗi sai của học sinh. Từ đó, tiếp tục giao bài tập để học sinh có điều kiện rèn luyện kĩ năng vẽ hình.
Với mỗi bài tập giao cho học sinh, giáo viên cần kiểm tra bài tập về nhà của học sinh và chỉ rõ những sai sót của học sinh. Giáo viên tổ chức rút kinh nghiệm và hướng dẫn học sinh sửa sai.
Với dạng bài tập này, học sinh thường gặp khó khăn trong việc nhận dạng các hình biểu diễn. Chẳng hạn, học sinh thường nhầm giữa hình cắt và mặt cắt. Với lỗi sai này, giáo viên cần nhắc lại cách nhận biết các loại hình cắt, mặt cắt, cách bố trí các hình biểu diễn trên bản vẽ kĩ thuật.
Trong trường hợp học sinh chưa có kĩ năng đọc bản vẽ tốt, giáo viên cần tiếp tục giao bài tập để rèn luyện kĩ năng đọc cho học sinh.
Phát triển năng lực trong dạy học phần Chế tạo cơ khí
Để phát triển năng lực trong dạy học phần này, giáo viên cần có sự chuẩn bị chu đáo về phương tiện và thiết bị dạy học nhằm khai thác tối đa các hình ảnh, các đoạn phim, vật mẫu về chế tạo cơ khí.
Đồng thời với các nội dung kiến thức mà học sinh có thể gặp trong thực tế, giáo viên cần khuyến khích học sinh tìm hiểu thực tế để khắc sâu kiến thức về nội dung đó, nhằm hình thành năng lực hiều về nội dung đó.
Trong đề tài tập trung vào năng lực nhận biết một số loại vật liệu cơ khí thông dụng qua tính chất, màu sắc bên ngoài; năng lực hiểu các chuyển động khi tiện và khả năng gia công của tiện.
Ví dụ: Để hình thành và phát triển năng lực nhận biết một số loại vật liệu cơ khí, trước tiên giáo viên cần lựa chọn và chuẩn bị một số hình ảnh về vật liệu cơ khí để bước đầu học sinh nhận biết được hình dạng và màu sắc của các loại vật liệu cơ khí.
Ngoài ra, giáo viên cần sưu tầm và khuyến khích học sinh sưu tầm vật liệu cơ khí thông dụng có sẵn trong thực tế. Giáo viên cho học sinh quan sát và nhận dạng vật liệu cơ khí. Bên cạnh đó, giáo viên cần khai thác ứng dụng của các loại vật liệu trong thực tế, từ đó giúp học sinh khắc sâu sự hiểu biết về vật liệu đó.
Để học sinh có năng lực hiểu các chuyển động khi tiện và khả năng gia công của tiện, giáo viên cần trực quan các hình ảnh mô tả về chuyển động của tiện và hướng dẫn học sinh cách đọc các hình vẽ.
Bên cạnh đó, giáo viên cần chuẩn bị các đoạn video về quá trình làm việc của máy tiện, khả năng gia công của máy tiện nhằm giúp học sinh dễ nhớ và dễ hiểu.
Trong điều kiện địa phương có nhiều cơ sở nhỏ sử dụng máy tiện trong việc chế tạo và sửa chữa các chi tiết cơ khí, giáo viên có thể định hướng cho học sinh tìm hiểu và xây dựng các đoạn video, các hình ảnh về sự làm việc của máy tiện.
Phát triển năng lực trong dạy học phần Động cơ đốt trong
Phần Động cơ đốt trong tập trung vào năng lực đọc sơ đồ bản vẽ, năng lực hiểu và trình bày nguyên lí làm việc, năng lực giải thích hiện tượng thực tế.
Để hình thành và phát triển năng lực đọc sơ đồ bản vẽ, năng lực hiểu và trình bày nguyên lí làm việc, giáo viên cần khai thác tối đa các phương tiện và thiết bị dạy học, cần chuyển các hình vẽ phức tạp thành các hình vẽ đơn giản để học sinh dễ dàng trong tiếp thu kiến thức, thuận lợi trong hình thành và phát triển năng lực người học. Trong quá trình giảng dạy, trước tiên giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách đọc sơ đồ theo trình tự sau:
- Trước hết, cần đọc tên của sơ đồ, bản vẽ để biết được sơ đồ, bản vẽ thể hiện nội dung gì.
- Đọc chú thích để biết được tên và vị trí của các chi tiết, bộ phận thuộc động cơ.
- Với sơ đồ, bản vẽ có nhiều hình, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nhận biết các chi tiết hay bộ phận có vị trí hay trạng thái thay đổi.
- Vận dụng các kiến thức đã học có liên quan đến nội dung sơ đồ, bản vẽ để đọc sơ đồ, bản vẽ.
Sau đó, học sinh phải có kĩ năng trình bày vấn đề. Kĩ năng trình bày một vấn đề kĩ thuật là khả năng thể hiện kiến thức kĩ thuật một cách thuyết phục đối với người nghe bằng lời nói, ánh mắt và cử chỉ, … giúp người nghe dễ nhớ, dễ hiểu vấn đề trình bày. Muốn trình bày tốt một vấn đề nào đó, trước tiên người học phải hiểu kiến thức của vấn đề đó. Sau đó là còn phụ thuộc vào năng lực xã hội (khả năng giao tiếp, bao quát, đánh giá tình huống...) của họ.
Để hình thành và phát triển năng lực giải thích hiện tượng thực tế. Trong các giờ dạy, giáo viên cần nêu các tình huống là các hiện tượng xảy ra trong thực tế gắn với nội dung bài học và định hướng để học sinh giải quyết vấn đề đó. Từ đó học sinh có năng lực giải thích hiện tượng thực tế.