Thầy Hà Văn Long - Giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) - cho rằng: Có nhiều phương pháp dạy học tiết ôn tập, củng cố kiến thức và mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Nhưng nếu biết sử dụng bản đồ tư duy, đây sẽ là biện pháp có thể kết hợp các phương pháp trên một cách linh hoạt, hiệu quả.
Những nội dung cần chú ý
Theo thầy Long, bài ôn tập tổng kết không phải là tái hiện, giảng lại kiến thức cho học sinh mà phải thể hiện được sự hệ thống hóa, khái quát hóa và vận dụng, nâng cao toàn diện kiến thức phần cần ôn tập cho học sinh.
Vì vậy, giáo viên nên xác định mục tiêu rõ ràng cho bài ôn tập về kiến thức, kỹ năng cần hệ thống, khái quát và mức độ phát triển kiến thức cho phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh.
Khi chuẩn bị bài ôn tập, cần sắp xếp các kiến thức cho một chương hay một phần theo hệ thống, có logic chặt chẽ, theo tiến trình phát triển của kiến thức, cùng các kỹ năng cần rèn luyện.
Tùy theo nội dung cần tổng kết và sự phát triển kiến thức, bài tổng kết có thể trình bày theo các đề mục, vấn đề của nội dung mang kiến thức cần ôn tập.
Đồng thời, bài tổng kết cũng có thể trình bày ở dạng các bảng tổng kết, sơ đồ thể hiện mối liên hệ kiến thức giúp học sinh dễ nhìn, dễ nhớ và hệ thống hóa kiến thức ở dạng khái quát cao. Sơ đồ tổng kết cần rõ ràng, dễ nhìn, đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ.
Sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ của giáo viên và học sinh là điều kiện không thể thiếu giúp nâng cao hiệu quả giờ học này. Theo đó, ngoài nội dung, kiến thức, câu hỏi cho bài ôn tập, hệ thống kiến thức đã đựơc trình bày trong sách giáo khoa, giáo viên cần chuẩn bị thêm một số kiến thức để mở rộng, đào sâu và một số dạng bài tập mang tính vận dụng sâu kiến thức trong sách tham khảo, sách bài tập giải tích 12, bài tập hình học 12...
Các kiến thức, bài tập được lựa chọn cần đảm bảo trên cơ sở kiến thức phổ thông học sinh có thể hiểu vận dụng được, có tính chất mở rộng, giải quyết được một phần thắc mắc học sinh đặt ra khi đọc các sách tham khảo khác.
Các bước sử dụng bản đồ tư duy trong ôn tập Toán
Theo chia sẻ của thầy Hà Văn Long, khi sử dụng bản đồ tư duy trong các tiết bài tập, ôn tập, có thể qua các bước như sau:
Bước 1. Giao học sinh về nhà hoàn thiện và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh bằng cách gọi một vài em lên bảng trình bày nội dung kiến thức mình đã thể hiện trong bản đồ tư duy. Giáo viên nên để học sinh thoải mái trình bày theo những ý tưởng đã sắp xếp, các học sinh khác và giáo viên chỉ làm thêm nhiệm vụ bổ sung những nội dung còn thiếu trong những phần đã học trong bản đồ tư duy.
Bước 2. Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập theo những chủ điểm đã có trong bản đồ tư duy.
Bước 3. Giáo viên cho học sinh hoàn thiện bản đồ tư duy của mình như phần củng cố bài học. Chú ý phân phối thời gian hợp lý, cụ thể: Thời gian 1 tiết học là 45 phút, nên vấn đề cần quan tâm để đạt hiệu quả là việc phân phối thời gian hợp lý; do đó, giáo viên nên dùng thời gian của những bài học ngắn khoảng 5 - 9 phút để thực hiện.
Thời gian khoảng từ 2 - 4 phút, giáo viên cho học sinh bổ sung ý tưởng riêng của mình và trao đổi với các bạn cùng nhóm. Khoảng 2 - 3 phút tiếp theo, đại diện nhóm lên trình bày sơ đồ của nhóm mình.
Thời gian còn lại, giáo viên cùng học sinh góp ý, đánh giá, trình chiếu sơ đồ đã vẽ sẵn bằng phần mềm và cả bản vẽ bản đồ tư duy trên giấy để học sinh đối chiếu, so sánh, chỉnh sửa lại cho hợp lí.
Qua bản đồ tư duy hệ thống kiến thức, giáo viên chốt lại những kiến thức cần nhớ, các kỹ năng thường sử dụng, cần rèn luyện nhiều, các dạng bài tập điển hình, những dạng bài đặc biệt, dạng bài khó, đặc biệt là các từ khóa và để học sinh hiểu, nắm vững kiến thức nhờ hình ảnh trên sơ đồ.
Với cách làm này, người học sẽ lưu kiến thức trong trí nhớ được sâu và dài hơn so với các phương pháp khác.