Tạo “sức ép” để tương thích hoạt động dạy - hoạt động học
Giảng viên Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, công tác quản lý vô cùng quan trọng để triển khai thành công dạy học tích hợp và phân hóa môn Hóa học. Theo đó, việc quan trọng đầu tiên là phải thiết kế đồng bộ hoạt động dạy học và hoạt động kiểm tra đánh giá nhằm tạo ra sức ép, buộc hoạt động dạy và hoạt động học phải thích ứng với nhau.
Thứ hai, phải xác định cho giáo viên nhận thức rõ dạy học tích hợp và phân hóa là xu thế tất yếu không thể khác nếu chúng ta muốn hòa nhập với giáo dục toàn cầu. Cần bồi dưỡng giáo viên theo định hướng đổi mới và đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cần phải có những đột phá như trong chương trình học vừa có các môn học đại cương, vừa có các môn chuyên ngành.
Cùng với đó là việc đồng bộ hóa cơ sở vật chất tại mỗi trường học nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp và phân hóa tại mỗi địa phương.
Về phía giáo viên, để thực hiện được dạy học tích hợp, yêu cầu không thể thiếu với người dạy là năng lực chuyên môn sâu, có kiến thức liên ngành rộng và một sự hiểu biết xã hội sâu sắc. Giáo viên cần hiểu bản chất của dạy học tích hợp, biết xây dựng các chủ đề hoặc nội dung tích hợp, thiết kế được kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp (về nội dung, hoạt động…), thực hiện tốt quá trình dạy học trên lớp với những phương pháp, kĩ thuật, phương tiện dạy học đa dạng phong phú…
Khi xây dựng nội dung, kế hoạch bài dạy cần đảm bảo hợp lí, cân đối giữa nội dung môn học và nội dung chủ đề tích hợp, tích hợp có chọn lọc. Giáo viên cần xác định nội dung cơ bản của bài học Hóa học, sau đó xác định và phân loại nội dung cần tích hợp vào trong bài dạy, xây dựng tiến trình dạy học chi tiết và phù hợp
Bên cạnh sử dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm nhằm tích cực hóa hoạt động của học sinh (phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, dạy và học theo nhóm nhỏ, dạy học dự án, sử dụng một số kĩ thuật dạy học như khăn phủ bàn, sơ đồ tư duy…), tạo điều kiện cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, giáo viên lưu ý tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học bằng cách sử dụng giáo án điện tử, sử dụng video, hình ảnh để minh họa, tạo hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá bằng E-learning.
Với dạy học phân hóa, theo giảng viên Lê Thị Thanh Xuân, giáo viên nhất thiết phải hiểu rõ đối tượng giáo dục; nắm vững nguyên tắc dạy học phân hóa ở trường phổ thông; phải thiết kế được các công cụ dạy học như hệ thống câu hỏi, phiếu bài tập, đề kiểm tra… phù hợp với đối tượng học sinh và thể hiện được sự phân hóa.
“Một yêu cầu không thể thiếu với giáo viên khi dạy học phân hóa là sáng tạo trong cách giải, sáng tạo trong lựa chọn phương pháp, công cụ, tổ chức hoạt động, sáng tạo trong cách đánh giá. Thường xuyên đánh giá học sinh, đánh giá sự tiến bộ của từng cá nhân học sinh. Sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập của đa dạng học sinh.
Một số kế hoạch dạy học thường áp dụng là: Thông qua nhóm học tập, sắp xếp các hoạt động, học độc lập, điều chỉnh câu hỏi... Thông thường, trong lớp học có nhiều trình độ, các phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo; dạy học dựa trên dự án, dạy học hợp đồng... tỏ ra rất hiệu quả, đặc biệt là đối với những học sinh khá - giỏi” - giảng viên Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Giáo viên cần thay đổi thói quen
Theo quan điểm của giảng viên Lê Thị Thanh Xuân, dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học (tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...).
Dạy học tích hợp liên môn thuộc về nội dung dạy học, xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Khi giải quyết một vấn đề trong thực tiễn, bao gồm cả tự nhiên và xã hội, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên quan đến nhiều môn học.
Dạy học liên môn là phải xác định các nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau. Đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế, có thể bố trí dạy trong chương trình của môn đó và không dạy lại ở các môn khác.
Trường hợp nội dung kiến thức có tính liên môn cao hơn sẽ tách ra thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng vào một thời điểm phù hợp song song với quá trình dạy học các bộ môn liên quan.
Với dạy học tích hợp, giảng viên Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, phương pháp dạy học theo hướng tích hợp là lồng ghép nội dung tích hợp vào các bài dạy, tùy theo từng môn học mà lồng ghép tích hợp ở các mức độ như liên hệ, lồng ghép bộ phận hay là toàn phần (phần nội dung bài học, phần bài tập hay là tổng kết toàn bài...). Khi tích hợp giáo viên cần sử dụng ngôn từ kết nối sao cho logic và hài hòa..., từ đó giáo dục và rèn kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh.
Ví dụ: Khi dạy nội dung muối cacbonat, giáo viên có thể liên hệ, giải thích câu thành ngữ “Nước chảy đá mòn”: Thành phần chủ yếu của đá là CaCO3 (Canxi cacbonat), khi gặp nước mưa và khí CO2 (Cacbonic) trong không khí, CaCO3 sẽ chuyển hoá thành Ca(HCO3)2 (muối Canxithidrocacbonat là muối tan).
Như vậy, khi nước chảy cuốn theo Ca(HCO3)2, theo nguyên lí dịch chuyển cân bằng thì cân bằng sẽ chuyển dịch theo phía phải. Kết quả là sau một thời gian nước đã làm cho đá bị bào mòn dần. Hiện tượng này thường thấy ở những phiến đá có dòng nước chảy qua.
Do hiện tượng xảy ra chậm nên phải thật sự chú ý chúng ta mới nhận ra được. Hiểu điều này giúp học sinh biết được dụng ý khoa học của câu tục ngữ có từ xa xưa và làm cho Hóa học trở nên rất gần gũi hơn trong cuộc sống đời thường.
“Thói quen là một quyền lực được hình thành trên cơ sở quy luật về tính hệ thống trong hoạt động thần kinh cấp cao của vỏ não. Vì là quy luật nên không dễ bỏ được ngay. Trong quá trình dạy học và khi học nghề dạy học, giáo viên đã hình thành thói quen dạy học như một hoạt động có tính hệ thống ăn sâu vào từng hoạt động của họ. Để thay đổi thói quen dạy học này, đòi hỏi giáo viên có thời gian tiếp cận cái mới hoặc cái mới phải gây ấn tượng mạnh” - giảng viên Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ.