Trong bối cảnh đó, những việc cần làm không chỉ là đổi mới chương trình đào tạo giáo viên (GV) sao cho chất lượng và phù hợp với những thay đổi của giáo dục trong thời gian tới, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành chính xác mà còn phải tính đến việc đánh giá lại đội ngũ GV.
Chương trình, sách giáo khoa có hay mấy…
Khi nói đến lần đổi mới chương trình,
sách giáo khoa (SGK) sắp đến, theo nhiều chuyên gia, nếu GV thiếu nhiệt huyết và năng lực thì chương trình, SGK có thiết kế hay đến mấy cũng không thể thành công.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định rằng một bộ phận không nhỏ GV bây giờ năng lực sư phạm thấp, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của chương trình giáo dục hiện hành, chưa phát triển được tư duy, trí thông minh, năng lực của học sinh (HS)...
Ông Hợp cũng chỉ ra những hiện tượng như GV tiểu học không giải được hết các bài toán trong SGK, rời SGK thì không biết lấy gì dạy và dạy như thế nào... không còn hiếm. Hiện tượng GV đọc chép, giảng giải máy móc như trong SGK, HS thụ động ngồi nghe, chép lại lời thầy cô là phổ biến ở mọi cấp học phổ thông. “Những yêu cầu đổi mới "lấy HS làm trung tâm", "tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS"... chủ yếu nằm ở sự hô hào, hầu như mới được thể hiện khi có cán bộ quản lý giáo dục dự giờ”, ông Hợp nhấn mạnh.
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại: "Một thời gian dài chúng ta đã sử dụng rất nhiều GV không đủ trình độ, cứ tuyển dụng, cho đi đào tạo theo kiểu chắp vá rồi về sử dụng. Tôi nghĩ để nâng cao
chất lượng giáo dục cần có sự đào thải. Đây là một bài toán khó nhưng phải dám làm. Phải mạnh dạn thay đổi mạnh mẽ ở những chỗ cần thiết, vì vấn đề mấu chốt là phải có đội ngũ đạt yêu cầu để thực hiện chương trình, SGK mới".
Bồi dưỡng, tập huấn không phải “thần dược”
Bộ GD-ĐT nhiều lần cho rằng có thể sử dụng đội ngũ GV hiện có để thực hiện những chủ trương thay đổi mạnh mẽ của chương trình giáo dục mới, chỉ cần tập huấn, bồi dưỡng GV. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều này chỉ có hiệu quả khi đội ngũ GV đã có nền tảng về năng lực. Ông Nguyễn Hữu Hợp thẳng thắn: “Liệu chúng ta có lạc quan tếu hay không? Bồi dưỡng, tập huấn là hết sức cần thiết nhưng đó mới chỉ là lớp sơn phủ bên ngoài và không thể thay thế được chất gỗ bên trong".
Theo ông Hợp, vấn đề là cần có cơ chế thích hợp tác động đến khối óc và con tim GV để họ thay đổi từ bên trong. Muốn làm được như vậy cần cơ chế quản lý giáo dục thích hợp để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tạo cho GV động cơ tích cực để tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu mà vươn lên, vượt lên chính mình. Cơ chế đó giúp GV nhận thức được rằng, chỉ có chuyên môn của mình tạo ra chất lượng, kết quả và sự tiến bộ của HS mới "cứu" được họ, bằng không họ sẽ bị đào thải.
Ông Trịnh Ngọc Thạch cũng nói: “Phải mạnh dạn thanh lọc GV. Những ai không đáp ứng được phải cho chuyển ngành, chuyển việc khác. Phải thay thế đội ngũ GV giỏi được đào tạo bài bản ở các trường sư phạm vào. Lâu nay có tình trạng người tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng không có việc làm còn những người ngồi trong trường lại không đúng chuyên môn. Phải mạnh dạn thanh lọc bằng cách nào đó cho hợp lý, hợp tình”.
Đánh giá lại đội ngũ giáo viên
Gần 15 năm trước, khi chưa hề có yêu cầu quyết liệt về tinh giản biên chế như hiện nay nhưng một số tỉnh như: Nghệ An, Hải Dương đã tự thấy sốt ruột về chất lượng đội ngũ GV của mình và tự xây dựng đề án thanh lọc đội ngũ. Nguyên lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An nhớ lại: “Năm 2002, thời điểm bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình, SGK hiện hành, thì đề án được phê duyệt. Động chạm đến vấn đề con người là rất nhạy cảm, nên không thể chỉ giải quyết bằng một mệnh lệnh trong văn bản hành chính được”.
Có nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng, một bộ phận GV không đáp ứng được năng lực nhưng thời kỳ đất nước còn khó khăn, số lượng GV thiếu thốn, họ đã được cử đi đào tạo cấp tốc để đáp ứng kịp thời yêu cầu dạy học, phổ cập… nay số lượng đủ rồi, dôi dư rồi lại yêu cầu họ phải nghỉ việc thì nhẫn tâm quá… Xét về tình, ai cũng thấy ý kiến đó là đúng, nhưng Giám đốc Sở GD-ĐT khi đó là ông Lê Tiến Hưng nói: "Ta thương, ta trân trọng đội ngũ GV ấy, nhưng ta cũng phải thương học trò của chúng ta hiện nay. Chúng có quyền được hưởng chất lượng giảng dạy tốt nhất từ phía những người thầy của mình".
Lãnh đạo sở GD-ĐT thuyết phục thêm: "Thương GV thì nên bàn bạc để có chế độ, chính sách thỏa đáng cho họ, khiến họ không cảm thấy tổn thương, thiệt thòi khi phải nghỉ trước tuổi hoặc chuyển sang công việc khác". Phó chủ tịch UBND H.Con Cuông khi đó đã tình nguyện vận động vợ mình là GV của huyện nghỉ theo diện chính sách vì xét thấy không đảm bảo yêu cầu mới đặt ra.
Sau gần 14 năm, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ một đề án chưa địa phương nào thực hiện. Gần 4.000 GV dưới chuẩn đã được giải quyết chính sách, thuyên chuyển công việc khác. Động chạm tới gần 4.000 con người không phải việc đơn giản, lại càng không thể vừa lòng được tất cả. Thế nhưng, theo những người xây dựng và thực thi đề án này, bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra là phải “dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu”. Những người trong ngành thời đó ấn tượng về một sự thay đổi rõ rệt trong ý thức, trách nhiệm của đội ngũ, từ cán bộ quản lý đến GV, nhân viên. Chưa bao giờ, phong trào tự học, tự nâng cao trình độ lại mạnh mẽ và thực chất như vậy. (Còn tiếp)
Rà soát để phù hợp với yêu cầu mới
Tại hội nghị với 63 giám đốc sở GD-ĐT, theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới về công tác phát triển đội ngũ là chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng đề án vị trí việc làm hằng năm, trong đó chú ý làm tốt việc sàng lọc, tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phát biểu trong buổi làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 7.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có kế hoạch chi tiết về định hướng phát triển giáo dục thời gian tới. Trong 8 vấn đề trọng tâm được nêu ra, ông Nhạ nhấn mạnh, ngành giáo dục nước ta đang đứng trước áp lực rất lớn về đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống. Để theo chuẩn mới, lực lượng GV phổ thông phải được rà soát lại nhằm phù hợp với yêu cầu mới. Tuy nhiên, theo ông Nhạ, nhiều GV đang gặp rất nhiều khó khăn về chế độ đãi ngộ, chuẩn GV và chế độ kèm theo. Từ đó, ông Nhạ cho biết nhiệm vụ trọng tâm tới đây là giải quyết vấn đề này. Cụ thể sẽ xây dựng luật Nhà giáo vì hiện vẫn áp dụng luật Viên chức nên có nhiều quy định không phù hợp.
T.Nguyễn - H.Ánh
|