GS Hồ Ngọc Đại
Thiếu triết lý giáo dục
Theo GS Hồ Ngọc Đại muốn thay đổi cơ bản và toàn diện về giáo dục thì phải thay đổi cơ bản lý thuyết về giáo dục và công nghệ giáo dục (hay gọi là quá trình thực tiễn). Tuy nhiên, dự thảo vừa công bố còn chưa đáp ứng được khi chưa có nhiều thay đổi về tư tưởng lý thuyết và công nghệ thực thi.
Có thể lấy mốc từ thời Khổng Tử đến nay là khoảng 2.000 năm và nền giáo dục mấy nghìn năm ấy ít có sự thay đổi. Nhưng trẻ con và giáo dục ở thế kỷ 21 đã khác và có những cái thế hệ trước không bao giờ có.
“Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi toàn bộ, từ nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức đến các quan hệ trong nhà trường và quan hệ xã hội. Lớp học ngày xưa là nhà thờ nhưng lớp học hiện đại phải là cuộc sống”-
GS Hồ Ngọc Đại
Nếu người thế kỷ trước xa lạ với công nghệ thì trẻ em ngày nay lại dễ và nhanh chóng làm quen với công nghệ.
Ngày xưa học để thoát khỏi cuộc sống hàng ngày, học để làm quan, thi cử. 95% người dân không đi học cũng không sao cả, dân tộc vẫn tồn tại được. Nhưng thời buổi này không đi học không sống được.
Học để sống, học để khác nhau hoàn toàn về tư tưởng, học để vượt ra khỏi cuộc sống.
Ngày xưa, nền giáo dục chiếm 5% dân số, chỉ các nhà trường lúi húi với nhau, bàn với nhau còn giờ giáo dục 100% trẻ em đi học thì nền giáo dục ấy phải được toàn thể nhân dân chấp nhận.
Vì thế, không thể so sánh và “áp” giáo dục của ngày xưa vào ngày này được. Giáo dục ngày xưa đã hoàn thành sứ mệnh và lịch sử ngày nay cần tạo ra một cái mới.
Dục tốc bất đạt
PV: Trong dự thảo khẳng định Giáo dục hiện nay hướng đến năng lực và phẩm chất của học sinh. Vậy nên hiểu mệnh đề này như thế nào, thưa GS?
GS Hồ Ngọc Đại: Đề án xây dựng “chân dung học sinh mới” với 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi. Nếu kể ra như vậy thì 100 hay 1 vạn năng lực, 60 hay 6 tỉ phẩm chất trong đó cũng chả có giá trị gì hết. Trẻ con (học sinh- PV) hiện đại không phải như thế.
Triết lí giáo dục xưa là đào tạo những người để tuân thủ cấp trên nhưng xã hội bây giờ không phải thế.
Học sinh thời đại này phải trở thành chính nó chứ không phải thành người khác. Trước học để trở thành lãnh đạo, làm quan nhưng bây giờ học để thành chính mình. Học như hiện nay không cần thi cử vì lợi ích thật của nó. Thi cử là lấy cái bên ngoài để thử thách nó. Học phải là hạnh phúc chứ học mà đau khổ thì đi học làm gì?
Khi thay đổi một chương trình giáo dục thì phải thay đổi căn bản cả về tư tưởng chỉ đạo lẫn công nghệ thực thi. Dự thảo đưa ra số phẩm chất và năng lực nhưng lại không đề cập đến công nghệ thực thi. Vậy là lấy cái gì để tạo ra và tạo ra bằng cách nào?
GS Hồ Ngọc Đại vẫn đau đáu với nền giáo dục nước nhà. Ảnh: ĐH
“Thí nghiệm” lớp 1 phải vô cùng thận trọng
PV: Dự kiến, trong năm học 2018 - 2019, triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Ý kiến của GS như thế nào?
GS Hồ Ngọc Đại: Đây là quyết định tôi cho là vội vàng vì quá cập rập.
Lớp 1 gắn liền với toàn bộ xã hội mà mang ra thí điểm thì rất nguy hiểm. Đối với lớp này nếu làm không chuẩn thì sau này cả một thế hệ học sinh bị ảnh hưởng.
Một đứa trẻ lớp 1 đi học thì bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác lo lắng… có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp 1 học tốt, hạnh phúc thì chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường tốt thì gia đình hạnh phúc, yên ấm, xã hội dễ an lành.
Nên theo tôi không nên vội vàng, triển khai sớm khi mọi việc chưa chuẩn bị kỹ càng chỉ làm mất sức, mất công và làm xáo động xã hội.
Khi làm giáo dục phải hỏi trẻ con rằng con đến trường chúng có thấy hạnh phúc hay không? Học sinh được hưởng lợi gì không?
"Sư phạm là cái lạc hậu nhất trong những cái lạc hậu của giáo dục Việt Nam. Ở ta, sư phạm cứ lụi hụi đi sau. Cái gọi là cải tiến phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm từ trước đến nay vẫn chỉ là kiểu giậm chân tại chỗ."
GS Hồ Ngọc Đại
Bản chất của giáo dục là cung cấp tri thức. Vấn đề là cung cấp tri thức gì, cách cung cấp như thế nào. Trong tất cả những cái mất, mất thời gian là mất tuyệt đối, không gỡ được! Vì vậy, phải tạo ra giá trị cho trẻ con, mỗi một giờ học phải làm ra một giá trị. Muốn làm được điều này phải có công nghệ chắc chắn. Dự thảo này không đưa ra giải pháp cho điều này.
PV: Vậy quá trình đổi mới giáo dục phải bắt đầu thế nào, thưa GS?
GS Hồ Ngọc Đại: Muốn có cuộc cải cách này thì phải có hai mạch phải cải cách gồm: Tư tưởng lí thuyết và phải có công nghệ thực thi. Công nghệ là quá trình thực tiễn được thực thi và kiểm soát chứ không phải máy móc, hay cơ sở vật chất. Chưa có hai cái căn bản này thì khó làm được.
Phải làm đổi mới sư phạm, đổi mới nghiệp vụ của giáo viên trước đã, ít nhất trước một khóa (khoảng 4 năm).
Hiện nay, việc làm đầu tiên và quyết định là thay đổi nghiệp vụ sư phạm, thay đổi công nghệ giáo dục (công nghệ giáo dục được hiểu là quá trình thực tiễn). Nghĩa là phải thay đổi cả lý thuyết về giáo dục và công nghệ giáo dục. Có như vậy mới thay đổi căn bản về giáo dục.
Trong khi đó, sư phạm là cái lạc hậu nhất trong những cái lạc hậu của giáo dục Việt Nam. Ở ta, sư phạm cứ lụi hụi đi sau. Cái gọi là cải tiến phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm từ trước đến nay vẫn chỉ là kiểu giậm chân tại chỗ.
PV: Nếu giải pháp này không được toàn thể xã hội chấp thuận, thì chúng ta sẽ phải tìm giải pháp ở đâu, thưa GS?
GS Hồ Ngọc Đại: Theo tôi, nên có nhiều giải pháp chứ đây không nên là giải pháp duy nhất . Tức là, đây là một phương án chứ không phải duy nhất.
Xin cảm ơn Giáo sư!