Khuyến khích học sinh tự xây dựng hồ sơ đọc
Như chúng ta đã biết, đọc hiểu văn bản theo loại thể là một yêu cầu cơ bản đối với việc dạy đọc hiểu văn bản cho học sinh.
Ở bậc THPT, học sinh được tiếp cận một số thể loại cơ bản như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, kịch, với một số tiết nhất định theo quy định.
Xem xét chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn (bộ cơ bản) lớp 10, 11, 12 chúng ta thấy số lượng văn bản quy định cho từng thể loại là không nhiều.
Vì lẽ đó, theo giảng viên Nguyễn Thành Ngọc Bảo, để học sinh có cơ hội vận dụng nhuần nhuyễn các cách thức tiếp cận văn bản theo loại thể cũng như tạo lập một cơ sở để đánh giá năng lực tiếp nhận văn bản của học sinh, cần khuyến khích mỗi học sinh tự xây dựng một hồ sơ đọc cho riêng mình.
Hồ sơ đọc này có thể là một hồ sơ lưu trữ tất cả tài liệu đọc độc lập của các em. Nó được học sinh dùng để chuẩn bị bài mới, ghi chép lại nhận xét của các em về từng bài học trong sách giáo khoa, hoặc ở mức độ cao hơn là đọc những tác phẩm bên ngoài sách khoa (theo gợi ý của giáo viên hoặc theo sở thích cá nhân của học sinh).
Hình thức cụ thể của hồ sơ đọc cần được giáo viên hướng dẫn cho học sinh và đảm bảo tất cả các em đều hiểu và có thể làm được.
Chẳng hạn như giáo viên có thể thực hiện một hồ sơ đọc mẫu một văn bản truyện gồm có các đề mục chính như cốt truyện, tình huống truyện, hệ thống nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, lời văn nghệ thuật,...
Sau đó, giáo viên cho học sinh tham khảo, cùng thảo luận với học sinh yêu cầu của từng đề mục cũng như cách thức đọc hiểu văn bản để hoàn thành từng đề mục của hồ sơ đọc.
Hồ sơ bài viết - hình thức đánh giá năng lực tạo lập văn bản
Một học kì, theo quy định học sinh THPT phải viết tử 4 - 5 bài viết. Thông thường sau khi nộp bài cho giáo viên và được phản hồi bằng điểm số thì học sinh không còn quan tâm đến bài kiểm tra đó nữa. Thậm chí nhiều em còn không hiểu vì sao mình được hay bị điểm số như vậy.
Vì thế năng lực tạo lập văn bản (năng lực làm văn) của các em hầu như không được chính bản thân các em quan tâm hay nói cách khác chính chủ thể cũng không nhận thức và đánh giá được năng lực của chính mình.
Hậu quả là trong suốt quá trình học ở phổ thông, mặc dù được học rất nhiều về các kĩ năng, quy trình, cách thức tạo lập văn bản nhưng năng lực viết của các em không tiến bộ bao nhiêu, nguy hiểm hơn nữa là khi phải đối mặt với các tình huống thực tế các em không thể viết được một văn bản đáp ứng được yêu cầu.
Vì lẽ đó, giảng viên Nguyễn Thành Ngọc Bảo cho rằng, một hồ sơ theo dõi sát sao quá trình tạo lập các loại văn bản được dạy trong sách giáo khoa cũng như sự tiến bộ của chính người học trong suốt học kì hoặc cả năm học là việc cần thiết.
Một điều quan trọng cần lưu ý là giáo viên không chỉ xem hồ sơ bài viết này như một phản hồi của người học mà còn phải xác định rõ với học sinh nó là một căn cứ để đánh giá năng lực tạo lập văn bản của các em.
Theo hình thức đánh giá này, hồ sơ bài viết sẽ được giáo viên xem xét và thảo luận với từng học sinh mỗi cuối học kì để đánh giá mức độ phát triển của các em. Giáo viên cũng có thể sử dụng kết quả đánh giá này như một cột điểm của bài viết 1 tiết hoặc 2 tiết.
Dĩ nhiên ưu thế của hình thức đánh giá này so với kiểu bài viết truyền thống thể hiện rất rõ ở chỗ giáo viên có thể đánh giá cả quá trình học của học sinh, cụ thể hơn là sự tiến bộ của học sinh qua từng bài viết.
Quy trình thực hiện đánh giá hồ sơ bài viết
Quy trình thực hiện đánh giá hồ sơ bài viết được giảng viên Nguyễn Thành Ngọc Bảo gợi ý như sau:
Vào đầu học kì, giáo viên thông báo cho học sinh biết số lượng bài viết các em cần thực hiện trong suốt học kì. Căn cứ vào đó học sinh sẽ biết số lượng bài viết tối thiểu các em cần thực hiện trong hồ sơ bài viết.
Sau đó, trước mỗi bài viết (trước đây là bài kiểm tra) giáo viên cần xác định rõ yêu cầu của bài viết, tiêu chuẩn đánh giá để làm căn cứ thực hiện cho học sinh.
Sau khi học sinh thực hiện bài viết đầu tiên, giáo viên có thể xem xét và ghi lại lời đánh giá cho học sinh. Lời nhận xét này cần bao gồm hai phần: Phần ưu điểm cần phát huy và phần nhược điểm cần khắc phục trong những bài viết sau thật ngắn gọn và rõ ràng.
Ở giai đoạn này, giáo viên có thể cho điểm để học sinh dễ dàng biết được mức độ năng lực của mình hoặc không cho điểm tùy theo mục đích riêng.
Ở bài viết thứ hai, giáo viên cũng tiến hành thao tác nhận xét tương tự. Tuy nhiên ở bước này giáo viên cần so sánh bài viết này với bài viết trước để học sinh nhận ra sự tiến bộ (hoặc giảm sút) của mình qua từng bài viết.
Lần lượt như thế suốt cả học kì, giáo viên sẽ có phần tổng kết nhận xét sự tiến bộ của học sinh qua từng bài viết. Tự bản thân mỗi học sinh cũng sẽ đánh giá được năng lực của mình. Và kết quả đánh giá cuối cùng có thể là trung bình cộng của tất cả các bài viết hoặc trung bình cộng đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh.
Với lớp ít học sinh (khoảng từ 15 đến 20 học sinh) và học sinh đã quen với việc tự đánh giá năng lực tạo lập văn bản của mình, giáo viên có thể tham khảo thêm kết quả đánh giá lẫn nhau của học sinh.