Hội nghị khảo thí ngoại ngữ Việt Nam lần đầu được Hội đồng Anh, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 phối hợp với Trung tâm đào tạo của tổ chức bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) tổ chức ngày 23.5.
Đánh giá quá trình đang bị bỏ qua
Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam) cho rằng đánh giá trong lớp học không chỉ là những bài kiểm tra chính thức mà còn bao gồm những tương tác thông thường hằng ngày giữa người học và giảng viên. Quá trình này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện việc học, cho thấy sự tiến bộ so với dự kiến.
“Tuy nhiên ở Việt Nam tầm quan trọng của quá trình này hoặc không được biết đến hoặc bị bỏ qua hoặc chỉ là những lời nói suông. Đây có thể là lý do dẫn đến những nỗ lực cải cách chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam lâu nay không có hiệu quả”, tiến sĩ Phương Anh nói.
Tiến sĩ Phương Anh đã minh chứng nhận định trên bằng kết quả điều tra do bà và cộng sự thực hiện bằng cuộc phỏng vấn riêng từng người và các thực hành phổ biến một nhóm 30 giáo viên người Việt dạy tiếng Anh tại TP.HCM. Dữ liệu thu được cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá quá trình thường bị bỏ qua bởi hầu hết những câu trả lời phỏng vấn đều có nguyên nhân từ việc lớp đông, khối lượng công việc nặng nề. Trong khi đó thực tế việc đánh giá trong lớp học tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi các bài kiểm tra chính thức vốn thường sử dụng hình thức thi trên giấy với những câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đáng chú ý là giáo viên có ít kinh nghiệm hơn hoặc không có trách nhiệm quản lý thường sử dụng hình thức đánh giá đa dạng hơn so với những giáo viên có vai vế cao hơn.
Quang cảnh hội nghịẢNH: V.H.Q
|
Trong bài tham luận của tiến sĩ Trần Thị Duyên, phụ trách chuyên môn Đề án nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng nêu một nghiên cứu về các hoạt động kiểm tra đánh giá được thực hiện trên lớp học thực tế của 6 giảng viên tiếng Anh. Theo đó, nghiên cứu được thực hiện gồm băng ghi âm, ghi hình dự giảng các lớp thực tế và phỏng vấn giảng viên, sinh viên. Kết quả cho thấy hoạt động kiểm tra đánh giá trong lớp được giảng viên sử dụng nhiều nhất gồm: hỏi đáp, kiểm tra bài tập về nhà, quan sát và đưa phản hồi. Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kết quả đánh giá ít khi được giảng viên sử dụng để điều chỉnh việc dạy học.
Đề thi cần có mô tả kỹ thuật
Trong khi đó, một số chuyên gia đưa ra các giải pháp cho vấn đề này. Ông Trần Nguyễn Trí Dũng, Giảng viên khoa tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng với đặc trưng lớp học đông như Việt Nam, việc sử dụng hình thức làm việc nhóm để đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích cho người học. Bên cạnh đó, giáo viên nên quan tâm đến việc đánh giá các kỹ năng diễn đạt tiếng Anh trong một số hoạt động nhóm cụ thể, tích hợp thêm với sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả đánh giá liên tục.
Còn thạc sĩ Phạm Thị Hoa, Giảng viên khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết trường này đã tiến hành sử dụng tập bài viết như là phương pháp chính để kiểm tra đánh giá trong nhiều môn học. Trong đó ở một số môn học như tiếng Anh học thuật, tập bài viết thậm chí đã hoàn toàn thay thế các phương pháp kiểm tra truyền thống.
Từ góc nhìn chuyên môn, tiến sĩ Jamie Dunlea, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc nhóm Nghiên cứu khảo thí ngôn ngữ Hội đồng Anh (Vương quốc Anh) cũng cho rằng, đằng sau những bài thi, bài kiểm tra chất lượng phải có một mẫu thiết kế chuẩn được gọi là mô tả kỹ thuật của đề thi. Khi đó, các câu hỏi của đề thi phải được thiết kế theo hướng có ích cho hoạt động học tập, hỗ trợ giảng dạy và phát triển kỹ năng ngôn ngữ thực tế thay vì đơn thuần chỉ dạy để ôn thi.
Cũng theo tiến sĩ Jamie Dunlea, bài thi tốt có thể giúp giáo viên trong việc thiết kế các hoạt động trên lớp để chuẩn bị kiến thức cho học sinh đi thi, vừa chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để họ có thể sử dụng được tiếng Anh trong đời sống.