Lòng yêu nghề và tinh thần luôn học hỏi sáng tạo đã giúp thầy giáo trẻ luôn say mê với những kiến thức khoa học để tạo nên những sản phẩm mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống cũng như trong quá trình dạy học của thầy và trò.
Say mê với nghề
Chúng tôi gặp thầy giáo Vũ Quang Bích tại Lễ tuyên dương các nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015 – 2016. Những chia sẻ về học trò về nghề của thầy là những tâm sự đầy hào hứng trong việc áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cũng như việc khích lệ nuôi dưỡng sáng tạo cho các em học sinh thân yêu.
Sinh năm 1981, sau tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, thầy giáo Vũ Quang Bích được phân công về giảng dạy ở tổ KHTN Trường THCS Đạo Lý, huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Gắn bó với vùng đất chiêm trũng còn nhiều khó khăn, nên thầy giáo trẻ luôn trăn trở suy nghĩ: Làm sao để áp dụng mọi kiến thức khoa học đã học tập được để làm đổi thay cuộc sống tại quê nhà.
Những năm mới nhận công tác tại trường, điều kiện dạy học của còn nhiều thiếu thốn. Chính vì vậy, ngoài những giờ lên lớp, thầy giáo trẻ luôn tìm tòi nghiên cứu để thực hiện bằng được những ý tưởng sáng tạo. Bằng những nỗ lực hết mình thầy Vũ Quang Bích đã được đồng nghiệp và học trò tin yêu và ủng hộ.
Từ năm 2012 - 2016, thầy là một trong những giáo viên luôn được biểu dương và khen tặng về những thành tích giảng dạy cũng như những sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Cũng trong 4 năm qua, thầy giáo Vũ Quang Bích có tới 8 đề tài khoa học hướng dẫn học sinh đạt được các giải thưởng cao của tỉnh, của quốc gia. Đặc biệt năm học 2015 – 2016, đề tài: “Thiết bị dạy học điện từ: Mô hình tàu đệm từ” của học sinh Vũ Xuân Khải do thầy trực tiếp hướng dẫn đã đạt Huy chương đồng quốc tế khu vực châu á - Thái Bình Dương.
Sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy
Để tạo hứng thú trong việc truyền thụ kiến thức tới học sinh, thầy giáo Vũ Quang Bích đã áp dụng thành công và hiệu quả trong vấn đề kết nối internet với phần mềm trình chiếu PowerPoint. Người thầy giáo trẻ đã trải lòng: Ngày nay khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đang diễn ra với một nhịp điệu nhanh, hàng ngày hàng giờ trên thế giới với những phát minh sáng tạo thì mỗi một giáo viên đều phải tự đặt ra cho mình việc cập nhật những kiến thức khoa học mới.
Và điều quan trọng là không chỉ chuyển tải cho các em lĩnh hội được thật nhiều kiến thức khoa học mà mỗi thầy cô còn cần biết kích thích sự tìm tòi thử sức sáng tạo của các em học sinh. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, việc đổi mới phương pháp dạy học và đưa những ứng dụng mới vào bài giảng rất thiết thực.
Ở lứa tuổi học sinh lớp 8, lớp 9 kinh nghiệm sống còn ít, vốn hiểu biết còn nghèo nàn, các biểu tượng tích luỹ còn hạn chế, các em còn nặng về tư duy hình tượng cụ thể, tư duy thực nghiệm thì việc xây dựng các khái niệm đòi hỏi phải lấy “trực quan” làm điểm tựa. Vậy làm thế nào giúp HS lĩnh hội sâu sắc, vững chắc các đặc điểm hình thái giải phẫu và giúp HS hiểu rõ mối quan hệ nhân quả trong các hiện tượng, các quá trình sinh lí. Bài giảng sử dụng phần mềm PowerPoint chính là công cụ hữu hiệu để giúp giáo viên, phân tích những hiện tượng khó diễn tả bằng lời.
Từ đó, thầy cô đưa ra những câu hỏi tình huống, những câu hỏi kèm hình ảnh hay sơ đồ giúp cho học sinh dễ nắm bắt vấn đề… Kết quả sau thời gian thực nghiệm giảng dạy áp dụng sử dụng phần mềm này thì kết quả học tập của học sinh cao hơn hẳn phương pháp truyền thống. Giáo viên và học sinh đều thấy việc dạy và học nhẹ nhàng hơn tích cực hơn.
Phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học cho HS
Không chỉ giỏi trên cương vị một giáo viên, thầy giáo Vũ Quang Bích còn là người luôn theo sát động viên, hướng dẫn học trò của mình tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Em Nguyễn Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Hoa là HS lớp lớp 8C, Trường THCS Đạo Lý (Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: Thầy giáo Bích chính là người đã khuyến khích chúng em nghiên cứu và thực hiện thành công đề tài Nghiên cứu ứng dụng D - LIMONENE trong vỏ quả cam, chanh bảo quản một số loại trái cây. Đề tài này đạt giải Nhì cấp tỉnh, được chọn tham dự kỳ thi KHKT cấp quốc gia được trao giải tiềm năng của nhà tài trợ.
Ngay từ những ngày đầu tìm hiểu nghiên cứu cũng như quá trình thực hiện chúng em đã nhận được sự quan tâm hết sức tận tâm của thầy giáo Vũ Quang Bích. Thầy đã nhiệt tình hướng dẫn chúng em phương pháp nghiên cứu khoa học, thực hành, thảo luận, trao đổi, tập thuyết trình về đề tài. Giải pháp này có thể áp dụng rộng rãi trong việc tiến hành bảo quản các loại hoa quả tại Việt Nam tránh được những chất bảo quản có chứa độc tố hiện nay.
Em Vũ Xuân Khải, HS lớp 9B Trường THCS Đạo Lý cũng xúc động chia sẻ: Đề tài “Thiết bị dạy học điện từ - Mô hình tàu đệm từ” mà em nghiên cứu thành công và đạt giải Nhất cấp quốc gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên nhi đồng (Bộ KHCN tổ chức) và Huy chương đồng quốc tế khu vực châu á - Thái Bình Dương có rất nhiều công sức của thầy Vũ Quang Bích.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, mô hình này giúp cho việc dạy học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt việc tìm hiểu kiến thức và nắm vững bài học của học sinh được sinh động hơn. Từ việc quan sát sự di chuyển của mô hình tàu đệm từ, học sinh có thể rút ra đựơc tính chất của nam châm vĩnh cửu, tính chất của từ phổ - đường sức từ (Quy tắc bàn tay phải) và lực điện từ (Quy tắc bàn tay trái)… Những hướng dẫn và gợi ý của thầy đã giúp chúng em tiếp cận được khoa học và thành công với đề tài có tính ứng dụng cao.
Thầy Vũ Quang Bích tâm sự: “Tất cả những cố gắng, nỗ lực của bản thân thầy và các đồng nghiệp trong trường là: Làm sao để tất cả học sinh của mình được học tập trong một điều kiện tốt nhất có thể. Bởi vậy, thiếu thốn về đồ dùng dạy học, các thầy cô cùng tìm cách tạo ra những đồ dùng tự làm để có thể giúp học sinh dễ hiểu hơn trong mỗi bài giảng. Không những thế thầy còn khuyến khích động viên các em tìm hiểu, nghiên cứu khoa học sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ trong cuộc sống”.