PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm. Ảnh: NV
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh: "Nhiều người đang hiểu sai về Hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Phải khẳng định, đây không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục".
Giải thích sâu hơn, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết: Trong các nhà trường có 2 hoạt động cơ bản là hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục. Hoạt động dạy học bao gồm các môn học. Hoạt động giáo dục thực hiện chức năng giáo dục phẩm chất đạo đức, năng lực tâm lí xã hội, kĩ năng sống cho học sinh... Ở chương trình hiện hành gọi là hoạt động ngoài giờ lên lớp, ở chương trình mới gọi là hoạt động trải nghiệm (dự thảo trước là hoạt động trải nghiệm, sáng tạo).
Hoạt động này có 4 nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm gồm nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân; nhóm hoạt động lao động, nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; nhóm hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Các nhóm nội dung này nhằm thực hiện 3 mục tiêu cơ bản của hoạt động trải nghiệm là năng lực thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực định hướng nghề nghiệp.
Các nhóm nội dung này sẽ được triển khai thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động trải nghiệm trong nhà trường là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động những câu lạc bộ. Những loại hình này chúng ta sẽ khá quen thuộc bởi trong chương trình hiện hành cũng có.
Mỗi hoạt động, hình thức, phương thức trải nghiệm sẽ giúp đạt được mục tiêu riêng như những hình thức nhóm mang tính cống hiến (gồm các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, vì cộng đồng,…); hoạt động có tính khám phá như những chuyến đi thực địa, tham quan, dã ngoại,…; hoạt động mang tính thể nghiệm, trẻ được trải nghiệm và thể nghiệm mình luôn qua các hoạt động giao lưu, đóng kịch, sân khấu hóa,…; những hoạt động có tính nghiên cứu và phân hóa, như những dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học rồi các hoạt động câu lạc bộ có tính định hướng có tính phân hóa,…
Lí giải về sự thay đổi tên gọi từ hoạt động trải nghiệm sáng tạo sang hoạt động trải nghiệm, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết: Tên gọi chính xác của từng cấp được phân chia: Cấp tiểu học gọi là hoạt động trải nghiệm, cấp THCS và THPT là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Mặc dù tên gọi có sự thay đổi từ nhưng Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sang Hoạt động trải nghiệm nhưng từ “sáng tạo” có hay không có trong tên gọi thì cũng không làm thay đổi quan điểm tiếp cận về xây dựng chương trình cũng như mục tiêu cần đạt.