Các thành viên Nhóm Tình nguyện viên tổ chức quyên góp quỹ dự án để làm từ thiện
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học
Cô giáo Châu Pha, thành viên của nhóm Ngữ văn 9 cho hay, đây là một dự án tích hợp liên môn gồm Ngữ văn, Giáo dục công dân liên hệ với môn Lịch sử, Âm nhạc và Mỹ thuật, Tiếng Anh. Vì vậy, để dự án đạt kết quả tốt, có sự hỗ trợ rất nhiều từ giáo viên của các tổ khác. Đặc biệt, các em HS khối 9 đã rất hào hứng tham gia qua hình thức phân vai theo nhóm với những nhiệm vụ khá mới mẻ nhưng các em hoàn thành rất tốt, cho ra những sản phẩm khiến giáo viên hài lòng.
Dự án được triển khai trong vòng khoảng 6 tuần, các em HS được tham gia vào các nhóm gồm: Nhóm Nghiên cứu lịch sử; Nhóm Họa sĩ; Nhóm Phóng viên; Nhóm Tình nguyện viên và nhóm Ca sĩ với mỗi nhóm khoảng 10 HS.
Để triển khai cho các nhóm thực hiện nhiệm vụ, vào cuối tháng 9 vừa qua, các em HS đã được tham dự học tiết học ngoài nhà trường tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Đây là dịp để các em tham quan, tìm hiểu lịch sử của dân tộc, thấy được hậu quả của chiến tranh qua các hiện vật, hình ảnh trưng bày tại bảo tàng. Từ đó, HS nhận thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ. Từ buổi học Nhóm Phóng viên đã tác nghiệp để hoàn thành sản phẩm là bài phóng sự.
Bên cạnh đó, Nhóm Nghiên cứu lịch sử có nhiệm vụ thu thập thông tin, số liệu, hình ảnh, phim minh họa về vũ khí hạt nhân, chạy đua hạt nhân của các nước trên thế giới để hoàn thành bảng thống kê, phân tích số liệu. Nhóm Họa sĩ đã hoàn thành những bức tranh vẽ theo chủ đề Chiến tranh và hòa bình được trưng bày ở trường.
Nhóm Tình nguyện viên đã tổ chức buổi vận động quyên góp gây quỹ tại trường nhằm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam vào các ngày trong tuần sau giờ chơi. Toàn bộ số tiền quyên góp được dùng cho việc đi thiện nguyện cho các cơ sở, mái ấm chăm sóc nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam.
Mới đây, Nhóm Tình nguyện viện hòa bình đã tới thư viện mini cô Ba ở Củ Chi - thư viện miễn phí, để hỗ trợ phân loại sách theo chủ đề, thể loại. Nhóm đã giao lưu, phỏng vấn chị Huỳnh Thanh Thảo, chủ nhân của thư viện- một người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Giúp học trò có những trải nghiệm thú vị
Được học tập trải nghiệm, được tham gia phân nhóm theo sở trường, khả năng của mình, các HS tham gia dự án khi được hỏi đều tỏ ra thích thú và mong muốn được tham gia nhiều dự án dạy học hơn nữa.
Cùng tham gia vào Nhóm Phóng viên, em Nguyễn Thanh An (9A2), em Nguyễn Nhật Bằng, em Đỗ Hoàng Phước (lớp 9A1) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tụi con được tham gia học theo dự án, tụi con rất hào hứng vì mình không chỉ được học về kiến thức mà được học, được trải nghiệm về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, về cách sắp xếp thời gian…”.
Tương tự, tham gia Nhóm Tình nguyện viên hòa bình, em Mai Nguyễn Thảo Nhi, lớp 9A4 kể lại, khi di chuyển từ quận 1 đến Củ Chi để thăm và hỗ trợ thư viện cô Ba, các em đã đi 6 chặng xe bus, đi bộ tầm hơn 4km từ bến xe bus vào thư viện. Dù mệt nhưng khi các em gặp được chị Huỳnh Thanh Thảo - chủ nhân của thư viện, một người chỉ cao chưa tới 70cm, nhưng với nghị lực phi thường, chị Thảo vừa là một cô giáo dạy cho các em nhỏ nghèo, vừa mở thư viện, vừa kết nối để gây quỹ trao học bổng và từng được bình chọn là diện tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước, thì mệt mỏi của các em tan đi hết.
Theo cô Châu Pha, thực hiện dự án, các thầy cô mong muốn không chỉ cung cấp cho các em về mặt kiến thức, mà còn giúp các em có thêm những kỹ năng như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, thu thập thông tin, biết sắp xếp, phân công công việc… hay có thói quen đọc sách, báo, cập nhật tình hình thời sự, biết giúp đỡ, chia sẻ với những người xung quanh hay đơn giản chỉ là khi tham gia đi xe bus, các em biết ứng xử văn minh nơi công cộng… và quan trọng hơn hết là để các em hiểu hơn về giá trị của hòa bình và trân quý cuộc sống.