Những ý kiến khác nhau và những ý kiến đối lập được đưa ra tranh luận nhằm mục đích xem xét chủ đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Mục tiêu của tranh luận không phải nhằm đánh bại ý kiến đối lập mà nhằm xem xét chủ đề dưới nhiều phương diện khác nhau. Thông qua kĩ thuật dạy học này còn góp phần phát triển ở học sinh năng lực ngôn ngữ và giao tiếp, hợp tác.
3 bước thực hiện kĩ thuật “ủng hộ - phản đối”
Các bước cụ thể thực hiện kĩ thuật dạy học này được các thầy cô tổ Địa lý Trường THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ như sau:
Bước 1: Giáo viên chia lớp thành hai phe theo hai hướng ý kiến đối lập nhau về một luận điểm cần tranh luận. Chia nhóm có thể theo nguyên tắc ngẫu nhiên hoặc theo nguyện vọng muốn đứng về phe ủng hộ (thế mạnh, thuận lợi), hay phe phản đối (khó khăn, hạn chế…).
Bước 2: Các thành viên trong các phe đưa ra ý kiến cá nhân, trao đổi trong nhóm và đưa ra các lập luận của nhóm mình.
Bước 3: Giáo viên tổ chức cho các nhóm đưa ra các ý kiến, lập luận của nhóm mình, giáo viên đánh giá tổng kết, chính xác hóa nội dung nhận thức.
Có thể nói, sử dụng kĩ thuật “ủng hộ - phản đối” có tác dụng rất tốt rèn luyện cho học sinh cách giải quyết vấn đề từ những vấn đề mâu thuẫn, đấu tranh giữa các mặt đối lập để tìm ra chân lý, bản chất của sự vật, hiện tượng.
Qua đó, giúp học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề, biết xác định những thuận lợi, khó khăn trước các vấn đề cuộc sống, từ đó có quyết định đúng đắn nhất.
Các chủ đề có thể áp dụng kĩ thuật dạy học này thường là: đánh giá các điều kiện ảnh hưởng tới quá trình phát triển của đối tượng địa lý; đánh giá sự tác động của đối tượng địa lý này đến đối tượng địa lý khác.
Cụ thể như: Đánh giá những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành thủy sản nước ta; đánh giá thế mạnh và hạn chế của nguồn lao động ở nước ta; đánh giá về cơ hội và thách thức của cơ cấu dân số vàng của nước ta.
Minh họa kĩ thuật “ủng hộ - phản đối”
Các thầy cô tổ Địa lý Trường THPT Nguyễn Tất Thành đưa ví dụ cụ thể trong thực hiện kĩ thuật dạy học “ủng hộ - phản đối”.
Với chủ đề đưa ra: Để tìm hiểu cơ hội và thách thức khi nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới (Việt Nam trên con đường đổi mới và hội nhập, Địa lý 12 - THPT), giáo viên có thể sử dụng kĩ thuật này để tổ chức hoạt động cho học sinh như sau:
Bước 1: Chia lớp thành 2 phe, mỗi phe có thể có từ 2 - 3 nhóm, mỗi phe thực hiện một nhiệm vụ:
Phe “ủng hộ”: Chứng minh nước ta có cơ hội khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Phe “phản đối”: Chứng minh nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Các nhóm có thể thu thập ý kiến của các thành viên bằng cách lấy ý kiến bằng lời hoặc từng cá nhân sẽ viết ý kiến của mình ra giấy, sau đó thảo luận, thống nhất ý kiến lập luận trong nhóm.
Bước 2: Đại diện nhóm lên trình bày, báo cáo những lập luận của nhóm…
Bước 3: Tiến hành thảo luận chung sau khi hai nhóm đã đưa ra mọi luận điểm của mình. Giáo viên đánh giá, tổng kết, chính xác hóa nội dung nhận thức.
Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của tổ Địa lý Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tại hội thảo Kỹ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực cho học sinh.