Với riêng môn Ngữ văn, với cách này, giáo viên có thể đánh giá được năng lực sử dụng tiếng Việt, năng lực tạo lập văn bản của học sinh thông qua sản phẩm đầu ra của dự án.
Quy trình đánh giá dự án học tập
Theo giảng viên Nguyễn Thành Ngọc Bảo (Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh), từ trong khái niệm, bản chất và mục tiêu, dự án là một hình thức phù hợp, một căn cứ tin cậy để giáo viên đánh giá năng lực chung và năng lực Ngữ văn của học sinh thông qua sản phẩm đầu ra cũng như quá trình các em tham gia vào dự án.
Giảng viên này chia sẻ quy trình đánh giá dự án học tập qua 6 bước.
Bước 1: Giáo viên lựa chọn dự án, xác định mục tiêu của dự án và giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh.
Bước 2: Giáo viên mô tả cụ thể về sản phẩm đầu ra.
Bước 3: Thống nhất với học sinh về thang điểm đánh giá cho sản phẩm. Thang điểm đánh giá cần dựa vào mục tiêu của dự án và thang nhận thức của Bloom. Thang điểm đánh giá phải được giáo viên và học sinh cùng soạn thảo, đảm bảo hai bên đều hiểu rõ và có thể sử dụng được.
Bước 4: Học sinh thực hiện dự án và trình bày sản phẩm của mình.
Bước 5: Giáo viên và học sinh cùng đánh giá sản phẩm dựa trên chuẩn đánh giá đã thống nhất.
Bước 6: Đánh giá kết luận về mức độ thể hiện các năng lực cần đạt thông qua dự án của học sinh.
Hình thức đánh giá năng lực thông qua dự án là một hình thức rất phù hợp đối với môn Ngữ văn cũng như đối với những yêu cầu cơ bản của đánh giá theo năng lực.
Hiện nay ở nhà trường phổ thông, phương pháp dạy học dự án đã trở nên quen thuộc, tuy nhiên theo tìm hiểu của giảng viên Nguyễn Thành Ngọc Bảo, việc đánh giá năng lực của học sinh dựa trên dự án vẫn còn được áp dụng khá dè dặt.
Đa số giáo viên chỉ tổ chức dạy học dự án một lần một học kì và xem đó như là một hình thức hoạt động ngoại khóa hơn là một căn cứ để đánh giá các năng lực Ngữ văn của học sinh trong suốt học kì hay cả năm học.
Cần đẩy mạnh hơn nữa hình thức đánh giá qua dự án học tập
Dạy học dự án là một hình thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, hướng học sinh đến việc lĩnh hội kiến thức và kĩ năng thông qua việc đóng một hay nhiều vai để giải quyết vấn đề (gọi là dự án) mô phỏng những hoạt động có thật của xã hội chúng ta (mà những hoạt động này giúp học sinh thấy kiến thức cần học có ý nghĩa hơn).
Bản chất của dạy học dự án là học sinh lĩnh hội kiến thức và kĩ năng thông qua quá trình giải quyết một bài tập tình huống gắn với thực tiễn - dự án. Kết thúc dự án sẽ cho ra sản phẩm và sản phẩm đó sẽ được đánh giá dựa trên phiếu đánh giá do người tạo ra sản phẩm soạn thảo, có sự kết hợp đánh giá giữa giáo viên và học sinh.
Mục tiêu của dạy học dự án là hướng tới các vấn đề của thực tiễn, gắn kết nội dung học với cuộc sống thực tế; phát triển cho học sinh kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề; kĩ năng tư duy bậc cao (phân tích, tổng hợp, đánh giá.) từ các nguồn thông tin, tư liệu thu thập được; cho phép học sinh làm việc “một cách độc lập” để hình thành kiến thức và cho ra những kết quả thực tế; nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình học tập và tạo ra sản phẩm.
Nói cách khác, mục tiêu của một dự án là để học nhiều hơn về một chủ đề chứ không phải là tìm ra những câu trả lời đúng cho những câu hỏi được giáo viên đưa ra.
Như vậy, từ trong khái niệm, bản chất và mục tiêu, dự án là một hình thức phù hợp, một căn cứ tin cậy để giáo viên đánh giá năng lực chung và năng lực Ngữ văn của học sinh thông qua sản phẩm đầu ra cũng như quá trình các em tham gia vào dự án.
"Chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng hình thức đánh giá năng lực thông qua dự án học tập vào bộ môn Ngữ văn trong nhà trường THPT" - Giảng viên Nguyễn Thành Ngọc Bảo đề xuất.