Công nghệ 10 với các nội dung trồng trọt, bảo quản, chế biến và kinh doanh có liên quan mật thiết với sinh học 10, nên rất phù hợp cho việc thực hiện xây dựng chủ đề tích hợp liên môn với những nội dung kiến thức liên quan đến hai môn học này, thể hiện sự ứng dụng của chúng trong cùng một hiện tượng, quá trình trong tự nhiên.
Nhưng với phương pháp, kĩ thuật dạy học trong điều kiện thực tế hạn hẹp về không gian; về tài liệu học tập; phương tiện học tập thì cách thức tổ chức sẽ như thế nào để tạo môi trường học tập sinh động, hấp dẫn, tạo ra được động cơ, hứng thú, đồng thời phát triển được các năng lực học tập cho học sinh?
Với trăn trở này, năm học 2015-2016, cô Nguyễn Thị Thúy – giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã xây dựng chủ đề tích hợp giữa môn CÔNG NGHỆ 10 và SINH HỌC 10 là: “Chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản”. Năm học 2016 - 2017, cô Thúy tiếp tục thực hiện chủ đề tích hợp liên môn giữa CÔNG NGHỆ 10 và SINH HỌC 10; 11 là: “Bảo quản nông sản”.
Việc thực hiện chủ đề tích hợp liên môn, theo cô Nguyễn Thị Thúy, đã ảnh hưởng và làm thay đổi cách thức dạy học, hướng tới thực hiện dạy học lấy HS làm trung tâm, qua đó làm thay đổi và phát triển các năng lực học tập của HS. Sáng kiến này đã lan tỏa, ảnh hưởng đến các giáo viên của một số bộ môn khác trong nhà trường.
Để thực hiện, nhóm thầy cô đãcác định các kiến thức tích hợp nội môn và liên môn của chủ đề tích hợp liên môn.
Sau đó,xây dựng chủ đề với các nội dung và phương pháp dạy học phù hợp của chủ đề tích hợp liên môn, lựa chọn các kỹ thuật dạy học phù hợp với phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.
Dưới đây là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thúy về tổ chức dạy thực nghiệm với “Chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản”.
|
Học sinh thảo luận thực hiện bài tập vận dụng |
HOẠT ĐỘNG 1: KHỞI ĐỘNG
GV gợi mở và nêu tên chủ đề: “Chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản”.
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
Giáo viên sử dụng kĩ thuật “tia chớp” và kĩ thuật sơ đồ tư duy để HS xác định các tiểu chủ đề.
Nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ và đưa ra ý kiến xây dựng lược đồ tư duy cho chủ đề: Chủ đề chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản có mấy tiểu chủ đề? Nội dung chính của mỗi tiểu chủ đề là gì? Hãy vẽ sơ đồ tư duy của mỗi cho mỗi tiểu chủ đề đã nêu ở trên?
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
HS hoạt động cá nhân để suy nghĩ và tìm câu trả lời, sau đó chia sẻ, trình bày.
Bước 3: Báo cáo thảo luận
HS trình bày nội dung và HS thảo luận nội dung lược đồ với từng tiểu chủ đề.
GV nhận xét ngắn gọn: Chủ đề “Chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản”, bao gồm 2 tiểu chủ đề: Tiểu chủ đề 1: Chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Tiểu chủ đề 2: Kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
GV giới thiệu nguồn tài liệu liên quan cần tra cứu cho học sinh. Dẫn dắt sang hoạt động 2.
HOẠT ĐỘNG 2: HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Chia HS trong lớp thành 4 nhóm, phân công nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu nội dung từng tiểu chủ đề cho mỗi nhóm cụ thể.
Học sinh hoạt động trải nghiệm, thể hiện các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân trong việc nghiên cứu chủ đề chế biến và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Nội dung 1. Tiểu chủ đề 1: Chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
* Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
Giáo viên giới thiệu và tổ chức cho học sinh nghiên cứu nội dung tiểu chủ đề “Chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản” với nhiệm vụ:
Thu thập thông tin về các phương pháp và quy trình chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản (Bài 46 SGK Công nghệ 10).
Thu thập thông tin về quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật và nội dung các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật, cụ thể đó là: quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật (Bài 23 - Sinh học 10) và các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật (Bài 27 - Sinh học 10).
Yêu cầu học sinh thảo luận, trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập số 1.
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1
1. Thịt được chế biến bằng các phương pháp nào?
2. Trình bày quy trình công nghệ chế biến thịt hộp.
3. Tại sao phải thanh trùng trong chế biến thịt hộp?
4. Cá được chế biến bằng các phương pháp nào?
5. Vi sinh vật có vai trò như thế nào trong quá trình chế biến nước mắm từ cá?
6. Trình bày quy trình công nghệ làm ruốc cá.
7. Sữa được chế biến bằng các phương pháp nào?
8. Trình bày quy trình công nghệ chế biến sữa bột.
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
HS hoạt động nhóm để hoàn thành phiếu học tập số 1.
Bước 3: Báo cáo, thảo luận
Đại diện một nhóm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong phiếu học tập số 1 trên lược đồ tư duy của nhóm.
Các nhóm khác lắng nghe, phản biện hoặc bổ sung ý kiến. GV nhận xét, giải thích và kết luận nội dung của tiểu chủ đề 1. Khen ngợi, động viên những HS, nhóm HS hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Nội dung 2. Tiểu chủ đề 2: “Kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản”
* Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
Giáo viên giới thiệu và tổ chức cho học sinh nghiên cứu nội dung tiểu chủ đề “Kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản” với nhiệm vụ:
Tìm kiếm và thu thập thông tin bằng cách đọc sách, báo, tài liệu nghiên cứu nội dung tiểu chủ đề 2 “Kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, thủy sản” tại các bài học: bài 50, 51, 52 và 56 SGK Công nghệ 10.
Yêu cầu học sinh học sinh tìm hiểu, điều tra, phỏng vấn những vấn đề thuộc nhiệm vụ được giao. Ghi chép lại những điều đã quan sát, điều tra, phỏng vấn được, phân tích dữ liệu và giải thích các kết luận rút ra qua thực hiện dự án.
Yêu cầu học sinh thảo luận, trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập số 2.
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2
1. Hãy trình bày các lĩnh vực kinh doanh?
2. Lĩnh vực kinh doanh và mặt hàng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản mà các em chọn để kinh doanh là gì? tại sao các em lại chọn lĩnh vực và mặt hàng kinh doanh trên?
3. Người tiêu dùng có nhu cầu và sở thích về sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nào?
4. Ở địa phương em sẵn có những nguồn nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nào để chế biến và kinh doanh?
5. Hãy lập kế hoạch kinh doanh cho hộ gia đình theo mặt hàng và lĩnh vực mà các em đã chọn.
6. Làm thế nào để đánh giá được hiệu quả trong việc kinh doanh của các em?
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
HS hoạt động nhóm để hoàn thành phiếu học tập số 2.
Bước 3: Báo cáo, thảo luận
Đại diện một nhóm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong phiếu học tập số 2 trên lược đồ tư duy của nhóm.
Các nhóm khác lắng nghe, phản biện hoặc bổ sung ý kiến.
GV nhận xét, giải thích và kết luận nội dung của tiểu chủ đề 2. Khen ngợi, động viên những HS, nhóm HS hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
HOẠT ĐỘNG 3: THỰC HÀNH VẬN DỤNG
Sau khi đã tổ chức cho HS thực hiện hoạt động hình thành kiến thức, GV tổ chức cho HS thực hành vận dụng kiến thức theo các bước:
Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ
GV giao các bài tập tình huống sau cho HS:
Tình huống 1. Còn vài tháng nữa là đến tết nguyên đán, các món thịt nguội (Giò lụa, giò thủ, Jambon,…) là món ăn mọi gia đình người Việt ưa dùng.
Nhóm hãy đề xuất và xây dựng quy trình chế biến một món thịt nguội từ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 3
1. Món thịt nguội mà nhóm đề xuất là món gì, thuộc phương pháp chế biến nào?
2. Để chế biến món mà nhóm đã đề xuất thì cần chuẩn bị các nguyên vật liệu gì?
3. Quy trình công nghệ chế biến như thế nào?
4. Sản phẩm khi chế biến xong cần phải đạt được những yêu cầu gì?
Tình huống 2. Nhà bạn Kim Anh ở trên đường Hùng Vương, có mặt bằng rộng rãi, gần vòng xoay thị trấn Ngãi Giao và gia đình bạn ấy lại có nhiều người chưa có việc làm nhưng họ có kinh nghiệm trong việc chế biến các món phở. Bạn ấy có ý định sẽ mở một cửa bán hàng Phở (với các nguyên liệu là thịt heo, thịt bò, gà. Nhóm hãy cùng Kim Anh phân tích và tìm câu trả lời cho câu hỏi: việc lựa chọn lĩnh vực và mặt hàng kinh doanh nêu trên có phù hợp không? Tại sao?
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 4
1. Lĩnh vực kinh doanh và mặt hàng kinh doanh mà gia đình Kim Anh sẽ chọn là gì? Vì lý do gì mà gia đình bạn Kim Anh lại có dự định lựa chọn như vây?
2. Tại thị trấn Ngãi Giao, thị trường có nhu cầu dùng món phở không? Tại sao?
3. Trong kinh doanh mặt hàng phở, gia đình Kim Anh sẽ có lợi thế gì?
4. Tại Ngãi Giao thì nguồn nguyên vật liệu để chế biến các món phở là gì? Có đủ để cung cấp cho cửa hàng của Kim Anh không?
Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ
Hoạt động nhóm: Áp dụng kĩ thuật “khăn trải bàn” để tổ chức cho HS vận dụng kiến thức đã lĩnh hội ở hoạt động 1 và 2 làm các bài tập giải quyết tình huống.
Bước 3. Báo cáo thảo luận
-Đại diện các nhóm HS báo cáo kết quả làm bài tập tình huống. Các nhóm khác lắng nghe, phản biện hoặc bổ sung ý kiến.
HS tự nhận xét, đánh giá kết quả thực hành dựa vào mức độ làm đúng các bài tập tình huống.
GV nhận xét chung. Khen ngợi, động viên những HS, nhóm HS hoàn thành các nhiệm vụ học tập và bài tập thực hành.