Tiết học là một cuộc thi
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê, giáo viên Địa lý, để chuẩn bị cho tiết học này, cả thầy và trò phải mất thời gian tầm gần 10 tuần. Theo đó, tiết học sẽ được tích hợp kiến thức của bài 9 SGK Địa lý lớp 11 và bài 8 SGK Lịch sử lớp 12. Tuy nhiên, làm thế nào để HS hào hứng, thích thú với việc liên môn cũng như tiếp cận kiến thức mà không bị áp đặt và rèn luyện được các kỹ năng. Thầy giáo môn Lịch sử Nguyễn Viết Đăng Du và thầy Ngũ Lê đã nghĩ đến biến tiết học thành một cuộc thi có tựa đề: “Nhìn ra thế giới” với chủ đề Nhật Bản - Sự trỗi dậy thần kỳ.
Theo đó, HS tham gia tiết học liên môn gồm hai lớp là 11A4 và 11N (11 chuyên tiếng Nhật) sẽ được xem là hai đội dự thi, mỗi đội chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 8 bạn. Các em phải trải qua các phần thi như Chào Nhật Bản, Đối kháng, phần thi tìm hiểu về khoa học kĩ thuật, thuyết trình, phần thi về văn hóa Nhật Bản qua trang phục…
Để sẵn sàng cho cuộc thi, trước đó, hai thầy giáo phụ trách đã lập ra Facebook có tên như chủ đề bài học. Thầy giáo sẽ cung cấp hình ảnh, số liệu để HS tìm hiểu bài học trước ở nhà. Các em sẽ có mật khẩu để vào trang Facebook, ngoài việc up lên những tài liệu, những clip do nhóm mình chuẩn bị, các em còn phải trả lời trực tiếp trên Face theo nhóm về các câu hỏi mà thầy giáo đưa ra ngay trong tiết học. Trong vai trò là ban giám khảo của cuộc thi “Nhìn ra thế giới”, thầy giáo của hai bộ môn lần lượt thay phiên nhau hướng cho các em đến từng phần thi như đối kháng, thuyết trình, thảo luận nhóm… và mỗi phần thi đều được chấm điểm.
Những kiến thức như tìm hiểu địa lý Nhật Bản về vị trí, địa hình, khí hậu, sông ngòi, khoảng sản, dân cư. Hay là những tác động của điều kiện địa lý với kinh tế Nhật Bản. Sau đó là tìm hiểu lịch sử Nhật Bản sau Thế chiến thứ II, về sự “thần kỳ” của kinh tế Nhật Bản, về sự phát triển khoa học kĩ thuật, về một số nét văn hóa của Nhật… của bài học đã được thiết kế thành một cuộc thi, kết hợp với video, hình ảnh, qua sự tham gia nhiệt tình của HS, những kiến thức liên quan đến Đất nước Mặt trời mọc đã được các em tiếp thu rất hiệu quả.
Học trò thích thú với tiết học đổi mới, sáng tạo
Theo quan sát, tất cả HS của hai lớp 11N, 11A4 của Trường THPT Lê Quý Đôn đều rất chủ động trong từng hoạt động, từng “phần thi” trong cuộc thi “Nhìn ra thế giới”. Các em bàn bạc sôi nổi, mạnh dạn xung phong thuyết trình, trả lời câu hỏi, cách sắp sếp thời gian, thu thập tài liệu hay là sử dụng thành thạo CNTT để phục vụ cho tiết học đạt hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, tiết học còn mang đến cho các em yếu tố bất ngờ, khi ban giám khảo hỏi về “nguyên nhân nào khiến nền kinh tế Nhật Bản phát triển thần kỳ” sau phần trả lời của hai đội, thầy giáo người Nhật của nhà trường đã được mời lên để chia sẻ về vấn đề này. Đặc biệt, ban giám khảo cũng ra thêm “đề bài” cho HS lớp 11N đó là làm nhiệm vụ phiên dịch câu trả lời của thầy giáo.
Đánh giá sau khi tiết học kết thúc, thầy Ngũ Lê cho hay: “Ngoài tiếp thu được các kiến thức, các em còn rèn được kỹ năng, rút ra được những bài học cho mình. Qua tiết học, có thể thấy rằng HS của hai lớp phát huy được tính chủ động, năng động của mình trong học tập. Chúng tôi chỉ hướng cho các em cái sườn, còn về các câu hỏi nâng cao hay cách các em trả lời, phản biện, cùng sự xuất hiện của thầy giáo người Nhật đều không có sự chuẩn bị. Các em đã thể hiện được sự chủ động, sự hiểu biết của mình để giải quyết các tình huống là điều chúng tôi rất hài lòng”.
Chia sẻ về lý do chọn bài học này, thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê cho biết: Nhật Bản là một cường quốc về kinh tế và cũng là một nước ở Đông Bắc Á gần gũi với Việt Nam. Dù trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhưng Nhật vẫn vươn lên phát triển thần kỳ. Do đó, qua bài học này, các thầy muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ tinh thần và “lửa” Nhật Bản để các em học hỏi và không ngừng vươn lên, phấn đấu trong học tập để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.