Công cụ để nâng cao chất lượng GD
Khi nói về các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong các dự thảo của chương trình luôn có một điều kiện là nhà trường được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, tự chủ trường học là một chính sách quản lý, một công cụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, chứ không phải là mục đích để theo đuổi.
Nếu trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, việc huy động các nguồn thu ngoài ngân sách như học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là hợp lý và cần thiết thì GDPT không như vậy.
Cần coi GDPT, đặc biệt với GD phổ cập từ mầm non 5 tuổi đến hết THCS là dịch vụ công thiết yếu, nơi Nhà nước cần đầu tư ngân sách để đảm bảo các khoản chi của nhà trường.
Việc thu học phí có thể đặt ra ở THPT hoặc một số cơ sở GD đáp ứng nhu cầu của thị trường chất lượng cao trong GD, nhưng tuyệt nhiên không đặt yêu cầu về tự đảm bảo các khoản chi như một điều kiện tiên quyết cho tự chủ.
Ủng hộ việc tự chủ trong các cơ sở giáo dục công lập, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng:
“Do các cơ quan quản lý giáo dục của Nhà nước chưa thấy được trong nền kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đều là những đơn vị sự nghiệp phục vụ dịch vụ công. Nó cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh, phải được Nhà nước quản lý theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả đào tạo của mình”.
Tạo sự đồng thuận về nhận thức
Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, hiện nay, Điều 14 và Điều 58 của Luật Giáo dục đã tương đối đủ để tạo thành hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền tự chủ trường phổ thông. Có điều các văn bản dưới luật lại không nhất quán với tinh thần của Luật Giáo dục.
Trước hết, trong các điều lệ trường tiểu học và trung học, tuyệt nhiên không có quy định nào về việc thực hiện các quyền tự chủ theo Điều 58 của Luật Giáo dục.
Dường như các nhà soạn thảo điều lệ nhà trường vẫn nhìn trường phổ thông dưới góc độ của một nhà trường tuân thủ, chịu trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh hành chính hoặc các quy định được truyền đạt từ cơ quan quản lý cấp trên.
Ở một góc độ khác, từ Nghị định 43 năm 2006 đến Nghị định 16 năm 2015 quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thì nhà trường công lập được tự chủ hay không và tự chủ đến mức độ nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự bảo đảm các khoản chi.
Như thế từ tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đến tinh thần tự chủ của các văn bản dưới luật đã có sự khác biệt lớn về nhận thức.
Vì thế, việc hoàn thiện thể chế về quyền tự chủ trường phổ thông cần tập trung vào chỉnh lý các văn bản dưới luật, trên cơ sở có sự đồng thuận về nhận thức đối với các nội dung cơ bản của tự chủ.
Theo hướng đó, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần ban hành một nghị định riêng về tự chủ của trường phổ thông công lập, với hai nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, nhà trường được giao quyền tự chủ khi bảo đảm các điều kiện: Đã được kiểm định và công nhận về chất lượng; có hội đồng trường đủ năng lực và quyền lực; thực hiện trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch và trung thực.
Thứ hai, quyền tự chủ của trường phổ thông bao gồm: Tự chủ về chuyên môn (chọn sách giáo khoa, nội dung, cách dạy, cách học, cách đánh giá trong phạm vi những quy định của chương trình GDPT); tự chủ về nhân sự (tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ giáo viên); tự chủ về tài chính (sử dụng ngân sách Nhà nước được cấp trọn gói, huy động và sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước).
Mạnh dạn giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hiện nay đối với việc quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo, Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường. Nhưng thực hiện không được là bao.
Theo quy luật kinh tế thị trường mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải được tự chủ như các doanh nghiệp. Các cơ sở GD-ĐT được trao quyền tự chủ là sự phân cấp quản lý của Nhà nước về GD.
Nói về tự chủ trong trường phổ thông hiện nay, ngoài tự chủ thực hiện các chương trình giáo dục, trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính. Nếu các nhà trường không được tự chủ về hai khâu then chốt thì không thể gọi là tự chủ.
Về tài chính các nhà trường phải được kiểm soát và tính đến hiệu quả của nó và phải được quản lý theo hướng “công khai minh bạch” mới bảo vệ quyền lợi người học; có vậy họ mới có thể yêu cầu các nhà trường phải đáp ứng chất lượng tương xứng với đồng tiền đóng góp của dân và Nhà nước đầu tư.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để quản lý nhân sự tài chính công khai, minh bạch, các cơ sở giáo dục đào tạo phải tiến hành đầy đủ các bước: Xây dựng quy chế chi tiêu, quy chế quản lý tài chính, quy chế tổ chức của mỗi nhà trường.
Quy chế này phải được thông qua hội đồng giáo dục, công khai trước cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường đầu năm học.
Xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch sử dụng nhân sự theo phân bổ tài chính hàng năm đã được cấp trên phê duyệt. Kế hoạch này cũng phải được công khai trước hội đồng sư phạm mỗi nhà trường.
Xây dựng kế hoạch thu chi phần ngân sách cha mẹ học sinh đóng trong năm học. Kế hoạch này phải được công khai trước hội đồng sư phạm và đại diện cha mẹ học sinh.
Hàng năm hệ thống thanh tra tài chính của nhà trường do thanh tra nhân dân mỗi nhà trường phải hoạt động thường xuyên và cứ 3 năm phải có kiểm toán Nhà nước kiểm tra một lần, cấm tuyệt đối giáo viên chủ nhiệm không được đưa ra bất cứ một khoản thu nào khác ngoài các khoản thu đã thống nhất giữa Ban giám hiệu và Hội cha mẹ học sinh đầu năm.
Tự chủ ở các trường phổ thông công lập là phải làm được việc cốt yếu “trao cho hiệu trưởng được quyền dẫn dắt thầy và trò đổi mới để có đầu ra tốt hơn trong dạy và học”, “được quyền kiểm soát mọi nguồn lực để thúc đẩy đổi mới phù hợp với phân cấp quản lý của Nhà nước trao” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.