Điều này đòi hỏi người CBQLGD nói chung, cán bộ quản lý trường học nói riêng có những năng lực mới, đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà trường.
Người lãnh đạo trường học, ngoài các năng lực, phẩm chất của một nhà giáo, còn cần phải có tố chất của nhà lãnh đạo và nhà quản lý.
Xu hướng mới trong quản lý giáo dục
Nếu như quan điểm cũ trong quản lý giáo dục là quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, phương thức 1 chiều, từ trên xuống thì quan điểm mới trong quản lý GD là quản lý bằng pháp luật, theo cơ chế phân cấp, dân chủ, tự chủ và trách nhiệm giải trình với phương thức tương tác, lấy nhà trường làm trung tâm.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Viện NCKH Quản lý giáo dục, Học viện QLGD cho rằng, quan điểm mới về quản lý nhà trường là quan điểm hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và phát triển giáo dục trong thời đại hội nhập, kinh tế tri thức và phát triển KH&CN. Với mỗi quan điểm có mô hình quản lý nhà trường tương ứng.
Mô hình cũ ít chú ý đến khía cạnh lãnh đạo để thay đổi nhà trường; Chưa xây dựng rõ tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị và các chương trình hành động; Quản lý nhà trường chưa chú ý đến phát triển năng lực, động lực của GV, học sinh.
Chưa thực sự chú ý đến kỹ năng nhận thức và kĩ năng xã hội của người học; Chờ đợi sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý cấp trên; Truyền đạt một chiều, mục tiêu kế hoạch có tính áp đặt.
Mô hình mới tập trung nhiều hơn vào lãnh đạo thay đổi để phát triển nhà trường. Nhà trường là nơi quyết định tầm nhìn sứ mạng, tạo giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường. Học sinh là ưu tiên hàng đầu, GV là nhân tố hàng đầu. Chú ý đến rèn luyện tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề và giáo dục kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội…
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặc biệt quan tâm đến vai trò lãnh đạo của người hiệu trưởng và tập trung vào lãnh đạo sự thay đổi trong nhà trường.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra với người hiệu trưởng gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu; yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ; Quản trị nhà trường theo hướng tự chủ và trách nhiệm giải trình ; xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và hoạt động xã hội.
Tất cả các điều trên phải hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
“Vai trò kép” của hiệu trưởng
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hồ Chí Minh cho rằng, hiệu trưởng không phải chỉ là người quản lý Nhà nước về giáo dục mà còn là một nhà sư phạm giỏi, một nhà chuyên môn giỏi. “Vai trò kép” của hiệu trưởng đặc biệt hơn nhà quản lý của các ngành nghề khác, vì thế cũng phải đào tạo họ khác hơn.
Nếu ở đại học người ta có thể không cần một giáo sư giỏi để quản lý nhà trường thì ở bậc phổ thông hiệu trưởng phải là người giỏi về chuyên môn trước khi trở thành nhà quản lý. Vì tính chất “kép” ấy, cần phải đào tạo kiến thức quản lý Nhà nước cho các nhà giáo giỏi và chỉ để những nhà giáo giỏi tham gia các khóa học về quản lý Nhà nước trước khi giao chức hiệu trưởng cho họ.
Trong chương trình đào tạo cán bộ quản lý hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành với thời lượng 360 tiết. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở GD làm nhiệm vụ bồi dưỡng và dựa vào nhu cầu của học viên, cơ sở bồi dưỡng được quyền chủ động lựa chọn một trong 2 hình thức: Bồi dưỡng tập trung (học tập tại cơ sở trong 8 tuần (315 tiết); 4 tuần còn lại 45 tiết thực hiện các công việc đi thực tế, viết tiểu luận, đánh giá tiểu luận và tổng kết khóa học); Bồi dưỡng bán tập trung (vừa học vừa làm).
Giáo dục luôn được coi là lĩnh vực mà sự thay đổi diễn ra chậm hơn mọi lĩnh vực khác trong xã hội, khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông lại thay đổi vô cùng nhanh chóng.
Lãnh đạo nhà trường phải là người tiếp nhận nhanh với sự thay đổi đó nhưng quan trọng hơn là tiếp nhận sự thay đổi đó như thế nào và quyết định sự thay đổi trong nhà trường và chịu trách nhiệm với sự thay đổi đó.
Và muốn có được quyết định chính xác thì họ phải biết cách xây dựng và phát triển nhà trường.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Viện NCKH Quản lý giáo dục, Học viện QLGD cũng chỉ rõ, hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, có vai trò dẫn dắt nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để trở thành công dân có ích cho sự phát triển đất nước.
Hướng đến lộ trình thực hiện Chuẩn hiệu trưởng
Để thích ứng với xu hướng mới trong quản lý GD, đảm bảo tính hệ thống và tính chuyên nghiệp, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, quy trình đánh giá năng lực lãnh đạo và quản lý trường học của hiệu trưởng theo Chuẩn được tiến hành trình tự theo 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1. Chuẩn bị đánh giá (Đơn vị phụ trách: Các Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT); Giai đoạn 2. Thực hiện đánh giá: Giai đoạn 3. Công khai kết quả đánh giá và điều chỉnh.
Lộ trình hướng đến Chuẩn sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2017 – 2022 sẽ sử dụng kết quả đánh giá hàng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cho hiệu trưởng đương chức và những đối tượng trong diện quy hoạch. Đảm bảo tất cả CBQL trường phổ thông có cơ hội học tập để đạt chuẩn ở bậc cao hơn.
Giai đoạn từ 2021 trở đi, ngoài việc sử dụng kết quả đánh giá hàng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cho hiệu trưởng đương chức và những đối tượng trong diện quy hoạch, kết quả đánh giá theo Chuẩn sẽ được sử dụng để thực hiện cả việc bổ nhiệm, điều chuyển hoặc miễn nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đưa ra 5 tiêu chuẩn để đánh giá hiệu trưởng gồm: Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, Năng lực chuyên môn nghiệp vụ, Quản trị nhà trường, Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, Năng lực hoạt động xã hội. Mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí. Ví dụ tiêu chuẩn Quản trị nhà trường có các tiêu chí mô tả tiêu chuẩn như: Lập kế hoạch phát triển nhà trường; Quản trị hoạt động giáo dục HS; Quản trị tổ chức, hành chính; Quản trị nhân sự; Quản trị tài chính, CSVC; Quản trị chất lượng giáo dục.