Ngày 21/6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội (PC50) cho biết, trước thềm kỳ thi THPT quốc gia, qua kiểm tra đơn vị đã phát hiện, thu giữ hàng trăm thiết bị tai nghe siêu nhỏ được một số người tích trữ, rao bán trên mạng xã hội và các trang web bất hợp pháp, phục vụ nhu cầu gian lận trong học hành, thi cử.
Gần đây nhất đầu tháng 6, Đội 4 Phòng PC50 phát hiện một nhóm người chế tạo, buôn bán và cho thuê thiết bị tai nghe siêu nhỏ ở quận Long Biên. Phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên, Đội 4 đã phát hiện Phan Thanh Phong (sinh năm 1993, ở Cự Khối, Long Biên) đang giao cho khách 10 bộ tai nghe siêu nhỏ.
Tại Công an quận Long Biên, Phong khai đặt mua số tai nghe trên của Lê Văn Việt (sinh năm 1994, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) với giá 500.000 đồng/bộ, sau đó bán lại cho khách giá 600.000 đồng/bộ. Lê Văn Việt trình bày mua tai nghe của Nguyễn Công Chốp (sinh năm 1985, ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) với giá 400.000 đồng/bộ.
|
Thiết bị tai nghe siêu nhỏ phục vụ gian lận thi cử được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
|
Kiểm tra nơi ở của Chốp, công an thu giữ rất nhiều dụng cụ, linh kiện điện tử phục vụ việc chế tạo tai nghe siêu nhỏ. Chốp thừa nhận mua bán các loại linh kiện để chế tạo tai nghe siêu nhỏ, sau đó rao bán, cho thuê trên các trang rao vặt. Chi phí chế tạo một bộ tai nghe chỉ 80.000 đồng. Khách hàng có nhu cầu liên lạc với Chốp qua điện thoại đặt hàng, sau đó Chốp mua linh kiện về chế tạo.
Tại cơ quan công an, Chốp đã tự nguyện giao nộp 3 bộ tai nghe siêu nhỏ hoàn chỉnh, 4 tai nghe hạt đậu, 3 bộ tai nghe siêu nhỏ cắm sim có dây, hàng chục bảng mạch điện tử, 2 mỏ hàn điện và dụng cụ phục vụ việc chế tạo tai nghe siêu nhỏ.
Ngoài vụ việc trên, Phòng PC50 cũng đã phối hợp Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra, phát hiện Nguyễn Văn Dương, quản trị 2 trang web tainghesieunho.org và congnghecaohanoi.com có hành vi bán tai nghe siêu nhỏ bất hợp pháp.
Dương trình bày, 2 trang web trên được lập từ tháng 11/2015 để đăng nội dung rao bán thiết bị tai nghe siêu nhỏ. Khách liên lạc qua điện thoại sẽ được Dương thỏa thuận, hẹn địa điểm giao hàng. Các thiết bị tai nghe siêu nhỏ đặt mua trên mạng Internet của Trung Quốc với giá từ 150.000 đồng đến một triệu đồng/chiếc rồi bán cho khách hàng là học sinh, sinh viên, công chức đi thi nhằm gian lận thi cử. Cơ quan công an đã thu giữ của Dương 117 bộ tai nghe siêu nhỏ do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.
Theo cơ quan công an, tai nghe siêu nhỏ là một trong những thiết bị công nghệ phục vụ hành vi gian lận thi cử hot trên các trang mạng xã hội, mạng Internet hiện nay, được nhiều người đặt mua. Nếu như trước đây hành vi gian lận của thí sinh thường là “phao cứu sinh” thì với sự phát triển của công nghệ, có rất nhiều thiết bị đã được sử dụng vào mục đích gian lận thi cử.
Trong tài khoản Facebook có tên “Siêu tai nghe bí mật”, các loại tai nghe phục vụ gian lận thi cử được quảng cáo rằng: “Có em này và có đồng đội tốt (hoặc ghi âm sẵn) thì đi thi lý thuyết không ngại một thể loại gió mùa nào nhé các bạn”.
Theo quảng cáo trên trang Facebook này, ngoài các loại tai nghe siêu nhỏ có dây dẫn, hiện có 2 loại tai nghe siêu nhỏ với kích cỡ chỉ bằng hạt đậu và đầu bút bi, không dây dẫn, có chức năng kết nối với điện thoại và dùng như tai nghe thường, có nghĩa là nghe gọi, có mic nói chuyện hoặc nghe nhạc, nghe ghi âm thoải mái.
So với những loại tai nghe có dây dẫn thì loại tai nghe siêu nhỏ này không để lộ phần tai nghe ra ngoài. Người dùng chỉ cần bỏ vòng dây phát vào trong người, cho hạt tai nghe vào trong tai là có thể nghe được mà không bị phát hiện. Vì hạt tai nghe chỉ nhỏ như hạt đậu nên khi dùng, người ngoài nhìn vào tai cũng không thấy. Khi sử dụng xong, sẽ dùng nam châm để hút hạt tai nghe ra.
|
Chiếc áo phông gắn thiết bị thu phát được một thí sinh sử dụng để gian lận trong mùa thi THPT quốc gia 2015.
|
Cũng theo cơ quan công an, trước sự kiểm tra, xử lý gắt gao của cơ quan chức năng, hiện các đối tượng không dám quảng cáo công khai về công dụng “phục vụ thi cử” của các loại tai nghe siêu nhỏ này, mà chỉ quảng cáo là thiết bị phục vụ nghe lén, thám tử; hoặc có thêm khuyến cáo rằng không nên sử dụng trong kỳ thi đại học. Thế nhưng, thực tế khi giao dịch, người mua sẽ được hướng dẫn rất chi tiết việc sử dụng các thiết bị này trong phòng thi để không bị phát hiện. Giá cả các thiết bị này từ vài triệu đến gần chục triệu/bộ.
Đặc biệt, hiện các đối tượng còn mở thêm dịch vụ cho thuê thiết bị để phục vụ nhu cầu gian lận của nhiều học sinh, sinh viên lười học, sử dụng trong các môn thi lý thuyết, các môn thi xã hội với nhiều kiến thức đòi hỏi học thuộc. Giá thuê từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/bộ/ngày. Khi người thuê, mua có nhu cầu, liên lạc qua điện thoại sẽ có người mang thiết bị đến điểm hẹn. Do các đối tượng hoạt động mua bán chủ yếu trên mạng nên gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc phát hiện, xử lý.
Cơ quan công an khuyến cáo, theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi khi mang theo phương tiện kỹ thuật, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng vào phòng thi. Thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi trong tình trạng tắt máy cũng bị đình chỉ thi.
Những thí sinh có tư tưởng dựa dẫm vào các thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi gian lận thi cử cũng đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy chế. Đối với những người bên ngoài giúp sức cho thí sinh, khi bị cơ quan điều tra phát hiện, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Kỳ thi THPT năm 2015, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phát hiện một vụ việc gian lận, sử dụng thiết bị tai nghe để đọc bài cho thí sinh trong phòng thi. Sáng 4/7, Công an quận Cầu Giấy bắt quả tang Lê Thị Thùy Linh (sinh năm 1995, sinh viên Đại học Quốc gia) và Trần Đức Cường (sinh năm 1995, nhân viên bảo vệ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), đang sử dụng thiết bị thu phát thông minh để giải đề thi môn Lịch sử, đọc lời giải vào phòng thi cho thí sinh Phạm Dương Long tại cụm thi số 3, Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Để thực hiện hành vi gian lận, Linh và Cường chọn một quán giải khát trên đường Trần Quốc Hoàn, sử dụng thiết bị công nghệ cao gắn vào điện thoại iPhone để đọc câu trả lời môn thi Lịch sử cho Long. Sau khi kết thúc phần thi, thí sinh Phạm Dương Long đã được mời về hội đồng trông thi của điểm thi trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để xác minh.
Kiểm tra trang phục của thí sinh này, cơ quan công an đã thu giữ chiếc áo phông Long đang mặc có gắn thiết bị thu phát trên cổ áo. Thiết bị này có gắn sim và hoạt động như một điện thoại di động, kết hợp với 2 tai nghe siêu nhỏ.
|