Sản phẩm mang tính thực tiễn cao
Tại cuộc thi Sáng tạo KH-KT cho học sinh trung học tỉnh Nghệ An 2017, rất nhiều học sinh, giáo viên bày tỏ sự thán phục trước dự án “VietDe - môi trường hệ điều hành đầu tiên của Việt Nam” – của em Trần Mạnh Cường (lớp 12A1, Trường THPT Anh Sơn 2).
Cường hỏi thiết bị: “Hôm nay thời tiết thế nào”? Ngay sau đó nhận được câu trả lời: “Trời lạnh, nhiệt độ 18, có mưa nhỏ”. Em cho biết: Ứng dụng được thiết kế hoạt động đa dạng trên nền tảng các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng…
Phần mềm này tích hợp nhiều chức năng giúp người sử dụng có thể tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên trên hệ thống như học tiếng Anh qua các bài hát, nhập công thức để vẽ nhanh các đồ thị, chia sẻ và dễ dàng tìm kiếm các công thức toán học. Được biết, đây là công trình nghiên cứu suốt từ năm 2014 đến nay của Cường và em đang tiếp tục cố gắng để cải tiến và nâng cấp phần mềm hoàn hảo hơn, ứng dụng nhiều hơn.
Tham dự cuộc thi còn có hơn 130 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Khoa học xã hội hành vi, Hóa học, Y sinh, Kỹ thuật cơ khí, Năng lượng, Vật lý và thiên văn học, Robot và máy thông minh... Đây là lần thứ 4 cuộc thi được tổ chức và qua mỗi năm các dự án càng đa dạng, hoàn thiện hơn và có tính ứng dụng trong thực tiễn cao, thân thiện với môi trường.
Mô hình Khai thác nước ngọt cho người dân vùng biển của 2 em Ngô Thành Đạt và Nguyễn Tiến Dũng (Trường THCS Diễn Hải, Diễn Châu) trải qua khá nhiều bước điều chỉnh trước khi dự thi cấp tỉnh. “Chúng em dựa trên phương pháp bay hơi và ngưng tụ chất lỏng để khai thác nước biển thành nước ngọt, sử dụng nguồn năng lượng nhiệt từ mặt trời. Lúc đầu, hệ thống ống dẫn nước của chúng em bằng nhựa, khả năng hấp thụ nhiệt kém.
Vì thế, sau đó chúng em chuyển toàn bộ sang hệ thống ống đồng, được nhúng vào loại sơn đặc biệt (vẫn thường dùng để sơn tàu thuyền) để chống ăn mòn của nước biển. Chúng em mong muốn thiết bị của mình sẽ giúp ích cho người dân vùng biển quê mình đặc biệt là các chú, bác đi thuyền đánh cá dài ngày trên biển”, Dũng nói.
Còn em Hồ Phạm Khánh Linh và Lương Thị Xuân Quỳnh (Trường THCS Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) đem đến dự thi sản phẩm Bình nóng lạnh không sử dụng điện dùng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa đông ở miền núi giá rét, trong khi người dân còn nghèo, ít gia đình có thể mua và lắp đặt bình nóng lạnh. Nhưng các gia đình luôn đốt bếp củi cả ngày để nấu ăn và sưởi ấm. Vì thế hai em nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn nhiệt của bếp lửa làm bình nóng lạnh.
Đáng chú ý, cuộc thi năm nay ghi nhận sự quan tâm của học sinh ở lĩnh vực KHXH hành vi, thể hiện cách nhìn và trách nhiệm của giới trẻ đối với nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại như: Nhu cầu ứng xử của thầy cô và cha mẹ ở học sinh mắc chứng rối nhiễu tâm lý; Tác động của điện thoại di động đối với học sinh phổ thông; Nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng ứng phó với chất kích thích; Vấn đề bình đẳng giới và giới tính thứ 3…
Sự đa dạng của các dự án dự thi vừa bộc lộ khả năng sáng tạo không giới hạn của học trò, đồng thời cũng thể hiện được sự chuyển biến trong dạy và học ở trường phổ thông, đó là giáo dục cả kiến thức KHTN, KHXH lẫn kỹ năng sống.
Tạo chuyển biến trong dạy và học
Ý tưởng chuyển thể tác phẩm văn học thành truyện tranh của em Vũ Trần Quỳnh Trang và Mai Minh Hoàng đã được hiện thực hóa và áp dụng vào trong các giờ học tại Trường THCS Hồ Xuân Hương, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nói về sản phẩm, Quỳnh Trang chia sẻ: “Em thấy có nhiều bạn không thích đọc các tác phẩm văn học nhưng lại mê đọc truyện tranh, vì vậy em cùng bạn đã nảy ra ý tưởng chuyển thể các tác phẩm trong sách giáo khoa thành truyện tranh. Qua đó, giúp các bạn dễ nhớ được cốt truyện, và yêu thích môn Văn hơn”.
Tác phẩm đầu tiên được chuyển thể là đoạn trích Trong lòng mẹ (bút ký Trong lòng mẹ, Nguyên Hồng), sau khi ra lò, Quỳnh Trang và Minh Hoàng mang đến lớp cho các bạn đọc: “Các bạn ồ lên, ai cũng hỏi “Tại răng mà 2 bạn nghĩ ra được cái ni hay quá” làm em rất vui”, Hoàng hào hứng kể. Nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của bạn đọc, 2 bạn nhỏ tiếp tục bắt tay vào chuyển thể nhiều tác phẩm khác như: Đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Ngô Tất Tố), Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn), đoạn trích Chiếc lá cuối cùng (O. Henry)…
Cô Lê Thu Trang, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Hồ Xuân Hương cho biết: Ý tưởng của các em khiến tôi rất vui và khá bất ngờ. Đây là hình thức tóm tắt cốt truyện sinh động, giúp học sinh dễ nhớ các hoàn cảnh, tình huống nghệ thuật. Những giờ học nhờ đó thêm phần sôi nổi, hấp dẫn hơn.
Đồng hành và tiếp sức cho học sinh chính là các thầy cô giáo, hỗ trợ về kiến thức, phương pháp, cả tinh thần lẫn vật chất để các em theo đuổi đam mê. Nhưng ngược lại, chính sự sáng tạo, tìm tòi của học sinh cũng tạo động lực để giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình, đổi mới phương pháp dạy – học.
Thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên bộ môn Vật lý Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu - cũng chia sẻ: Có một thực tế ở nhiều trường học là việc dạy - học thiên về lý thuyết mà phần thực hành bị thiếu hụt. Vì thế, qua cuộc thi Sáng tạo KH-KT đã khuyến khích các em vận dụng kiến thức được học vào nghiên cứu và thực hành. Đó chính là bước kiểm nghiệm lý thuyết mà các em đã học trong ứng dụng thực tế. Học sinh bây giờ rất thông minh, đam mê sáng tạo, giáo viên cũng phải đổi mới để kịp thời hướng dẫn, dẫn dắt các em”, thầy Hòa nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cho biết: Cuộc thi là một sân chơi trí tuệ để các em thể hiện ý tưởng mới lạ, năng lực sáng tạo và niềm đam mê khoa học. Qua đó, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Mặt khác từ cuộc thi này, tạo động lực thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi cách đánh giá học sinh, hướng đến phát triển, phát huy mọi năng lực phẩm chất người học.