Nhận thức đúng về mục tiêu bài dạy
Với nội dung này, cô Vũ Thanh Huyền nhấn mạnh đến mục tiêu nhằm hình thành kiến thức, kĩ năng và thái độ của học sinh.
Theo đó, về kiến thức, giúp học sinh nắm vững được bi kịch của con người được phản ánh qua hai vở kịch: Khi bị dặt vào nghịch cảnh hồn nọ xác kia - hồn Trương Ba, khi có tài năng, tâm huyết nhưng bế tắc trước hiện thực khắc nghiệt - Vũ Như Tô; thấy được giá trị tư tưởng của vở kịch, tài năng của tác giả qua việc dẫn dắt xung đột kịch, hành động kịch…
Về kĩ năng: Hình thành kỹ năng đọc hiểu một văn bản kịch; thái độ - rèn luyện một lối sống có ý nghĩa.
Nhận thức đúng về thể loại kịch và tiểu loại bi kịch
Giúp nhận thức đúng về thể loại kịch và tiểu loại bi kịch, cô Vũ Thanh Huyền phân tích:
Kịch là một trong ba loại hình văn học bên cạnh tự sự và trữ tình. Kịch được coi là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, vừa thuộc về sân khấu vừa thuộc về văn học.
Để đến được với công chúng trong tư cách một vở diễn, kịch đòi hỏi sự tham gia của nhiều người: Đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, nhạc công, người phụ trách ánh sáng, âm thanh. Trong tư cách là một tác phẩm văn học, kịch tồn tại dưới dạng kịch bản văn học, độc giả có thể cảm thụ bằng việc đọc.
Do đặc tính riêng (sáng tác để trình diễn trên sân khấu hoặc đưa lên màn ảnh, bị chi phối bởi các yếu tố không gian và thời gian thực tế) kịch khó có thể chứa đựng một dung lượng hiện thực rộng lớn như trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự, cũng không mang xu hướng bộc lộ những rung động, những cảm xúc và suy ngẫm như trong các tác phẩm trữ tình.
Kịch khám phá và diễn tả đời sống bằng việc phát hiện những mâu thuẫn và xung đột, coi đó như một phương diện bộc lộ bản chất của đời sống hiện thực đồng thời cũng làm nên hình thức tồn tại riêng biệt của loại hình kịch bên cạnh các loại hình khác của văn học.
Nét chủ đạo của kịch là kịch tính. Kịch tính được tạo ra do mâu thuẫn và xung đột một khi đã nảy ra liền phát triển liên tục, không gián đoạn theo chiều hướng mỗi lúc một căng thẳng cho tới tình thế đòi hỏi phải giải quyết bằng một kết cục nào đó.
Quá trình diễn biến của xung đột kịch được cụ thể hoá bằng hành động kịch. Hành động kịch là yếu tố quan trọng hàng đầu của kịch phẩm.
Đó là sự tổ chức các tình tiết, sự kiện, biến cố trong cốt truyện theo một diễn biến logic, chặt chẽ, nhất quán chi phối bởi một quy luật nhất định mà qua đó công chúng có thể tiếp nhận được những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống mà kịch tác gia muốn truyền đạt
Hành động kịch lại được thực hiện bởi các nhân vật kịch. Số lượng nhân vật trong kịch không quá đông, cũng không được khắc họa quá tỉ mỉ như trong tiểu thuyết. Nhân vật kịch phản ánh những mâu thuẫn của đời sống đã đến độ chín muồi.
Trong kịch, các nhân vật tự xây dựng nên tính cách riêng biệt của mình chủ yếu qua ngôn ngữ mà nó thể hiện, thường chứa đựng nhứng mâu thuẫn và đấu tranh nội tâm. Các tác giả thường sử dụng thủ pháp lưỡng hóa nhân vật - tách đôi nhân vật nhằm tự đối thoại, biểu hiện sâu sắc nội tâm
Cô Vũ Thanh Huyền lưu ý thêm đến ngôn ngữ kịch với ba loại: Ngôn ngữ đối thoại tức lời các nhân vật đối đáp với nhau; ngôn ngữ độc thoại tức lời nhân vật tự bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình; nNgôn ngữ bàng thoại tức lời nhân vật nói riêng với khán giả
Do đó, ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ khắc hoạ tính cách, ngôn ngữ biểu hiện đặc điểm, phẩm chất của nhân vật.
Ngôn ngữ kịch còn mang tính hành động, tức là thứ ngôn ngữ mang đặc tính tranh luận, biện bác, tác động trực tiếp và thúc đẩy mâu thuẫn, xung đột tăng tiến tạo kịch tính với những sắc thái tấn công phản công; thăm dò lảng tránh; chất vấn chối cãi; thuyết phục phủ nhận; cầu xin từ chối; đe doạ, coi thường
Ngôn ngữ kịch thể hiện cao độ đặc tính sống động, giàu chất thông tục của ngôn ngữ đời thường.
Xét theo nội dung, ý nghĩa của xung đột , theo cô Vũ Thanh Huyền, có thể phân ra ba loại kịch: Bi kịch, hài kịch và chính kịch.
Bi kịch là loại vở diễn phản ánh xung đột giữa những nhân vật tươi sáng, trong trẻo, cao thượng, có phẩm chất tốt đẹp, có tinh thần hướng tới cái tiến bộ với những thế lực đen tối, thâm hiểm, độc ác
Xung đột bi kịch được tạo dựng từ những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn; mọi cách giải quyết những mâu thuẫn đó đều dẫn đến cái chết, gây nên suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với người đọc.
Nhân vật bi kịch đông thời mang trong mình khát khao cao cả và những lỗi lầm không thể tránh khỏi. Nhân loại tìm thấy ở bi kịch những gì khủng khiếp mà cái ác có thể gieo rắc, áp đặt cho mình; do đó, không thể bàng quan và chịu khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của nó.
Kết thúc bi thảm của số phận nhân vật bi kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh và dự báo về một điều gì tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong cuộc sống và trong mỗi con người
Nhận thức đúng về kỹ thuật dạy học tích cực
Quá trình học tập tích cực nói đến những hoạt động của chủ thể, tích cực nhận thức, có khát vọng hiểu biết và không ngừng cố gắng cả về nghị lực và trí tuệ cao để chiếm lĩnh tri thức.
Theo cô Vũ Thanh Huyền, tính tích cực trong học tập của học sinh bộc lộ ở khả năng: Hứng thú với học tập; tập trung chú ý dến bài học; mức độ tự giác tham gia vào xây dựng bài học, trao đổi, thảo luận…; có sáng tạo trong học tập; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; hiểu bài và có thể trình bày lại bài theo cách hiểu của mình; biết vận dụng tri thức để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Còn dạy học tích cực là hoạt động nhằm tích cực hoá hoạt động học tập và phát triển tính sáng tạo của người học; đem lại cho người học hứng thú, niềm vui học tập, nuôi dưỡng khát khao sáng tạo cho người học.
Nguồn bài viết từ sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)