Hãy nhìn bức ảnh ở phía trên và nói xem bạn thích ăn chuối chín ở mức độ nào?
Chắc chắn, nhiều người sẽ chọn quả chuối chín ngả sang vàng hoặc chuối có đốm đen vì độ chín đó sẽ giúp chuối ngọt và mềm. Nhưng cũng có người sẽ chọn quả chuối vẫn còn hơi xanh một chút.
Rõ ràng, đó là tùy từng khẩu vị của mỗi người. Ai cũng biết chuối rất tốt cho sức khỏe vì hội tụ đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người như chất bột, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Do đó, chuối đặc biệt thích hợp để bổ sung khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ em, người già, vận động viên... Nhưng tùy vào độ chín, quả chuối lại mang lại hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu!
1. Chuối xanh (chưa chín hẳn)
Những quả chuối xanh rất giàu tinh bột, chiếm khoảng 70-80% khối lượng chuối. Tuy nhiên, đa số tinh bột có trong chuối là tinh bột phản tính hay tinh bột kháng và loại tinh bột này sẽ không được tiêu hóa tại ruột non. Bởi vậy, tinh bột dạng này thường được coi là một loại chất xơ.
Đó là lí do tại sao bạn sẽ cảm thấy nhanh no khi ăn chuối xanh. Vì thế, ăn chuối xanh còn giúp bạn nạp vào ít calo hơn, từ đó có thể hỗ trợ cho quá trình giảm cân. Nhưng kèm theo đó, bạn có thể bị như kiểu đầy hơi hoặc khí do hàm lượng tinh bột cao.
Chuối xanh sẽ không ngọt như chuối chín mà có vị đắng và hơi chát, là nguồn cung cấp pectin tuyệt vời. Pectin là một loại chất xơ được tìm thấy trong trái cây, có thể giúp trái cây giữ được cấu trúc cứng của mình.
Hàm lượng tinh bột và pection có trong chuối xanh có thể đem lại rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, bao gồm việc cải thiện sự kiểm soát đường huyết và giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Chuối chưa chín hẳn còn được xếp vào loại trái cây có chỉ số đường huyết (GI) thấp, với GI của chuối xanh là 30. Chuối chín hẳn có chỉ số GI quanh khoảng 60.
Chuối chín vàng
Khi ăn chuối chín vàng, bạn sẽ không nạp nhiều tinh bột nữa mà sẽ tiêu thụ đường. Trong quá trình chín, lượng tinh bột trong chuối sẽ được chuyển hóa thành đường đơn (như sucrose, glucose và fructose). Chuối chín chỉ chứa khoảng 1% là tinh bột.
Do chứa nhiều đường hơn nên chuối chín vàng sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn. Do không phải phá vỡ chất xơ nên hệ thống ruột sẽ hấp thụ được các chất dinh dưỡng nhanh hơn.
Thật không may, nhiều nghiên cứu cho thấy vi chất dinh dưỡng mất đi khi chuối chín. Nhưng bù lại, chuối cũng có nồng độ chất chống oxy hóa cao khi chín. Hệ thống miễn dịch "đánh giá cao" quả chuối chín hơn.
Mẹo: Để giảm bớt số lượng các vitamin và khoáng chất bị mất, bạn nên lưu trữ chuối đã chín trong tủ lạnh. Ngoài ra, do hàm lượng đường cao trong chuối chín nên người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên tránh ăn chuối chín.
3. Chuối có đốm đen
Mọi người thường nói rằng: Chuối chín hoàn toàn sẽ ngon và ngọt hơn. Quả đúng như vậy, những đốm đen xuất hiện trên quả chuối chỉ rằng quả chuối đó đã "có tuổi" và bao nhiêu tình bột đã chuyển hết thành đường.
Không những thế, các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định rằng chuối đốm sản sinh ra nhân tố làm hoại tử khối u TNF (Tumor Necrosis Factor) có tác dụng chống lại tế bào ung thư.
Hơn nữa, chuối chín đốm sinh ra thành phần ngăn ngừa thiếu máu, trầm cảm, chữa ợ nóng, giữ huyết áp ổn định...
4. Chuối chín rục
Quả chuối chín rục sẽ bị héo, teo lại và có khi còn chảy nước. Nhưng bạn đừng vứt chúng đi. Lúc này, tinh bột phản tính hay tinh bột kháng trong chuối xanh đã chuyển hóa thành đường hoàn toàn.
Khi đó, chất diệp lục sẽ chuyển sang một dạng mới. Sự phát vỡ của chất diệp lúc khiến cho hàm lượng chất chống oxy hóa tăng lên cao khi chuối càng chín. Do đó, chuối chín rục cũng giàu chất oxy hóa.
Chuối chín như thế sẽ mềm và ngọt, nên rất dễ chế biến thành các món ăn nghiền ví dụ như mứt chuối để ăn với bánh mì hoặc bánh chuối.