MC Minh Trang cùng hai con gái Daisy và Bánh Mì - Ảnh: NVCC
Nguyễn Minh Trang là mẹ của hai cô con gái nhỏ, và đang chờ đón em bé thứ 3. Ngoài công việc là MC, biên tập viên truyền hình, Trang còn là người sáng lập một kênh thông tin chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm dành cho các bố mẹ có con từ 0-6 tuổi.
Dưới đây là kinh nghiệm nuôi dưỡng trí tò mò ham hiểu biết cho con của bà mẹ 8x này:
Hồi chưa có con, tôi hay thắc mắc vì sao trẻ nhỏ lại thường hạnh phúc và suy nghĩ tích cực hơn nhiều những người lớn chúng ta. Giờ, mỗi ngày trả lời cả trăm câu hỏi của chị Daisy, và đồng hành với em Bánh Mì đặt chân xuống đất là chạy khắp nơi, sờ mò hít ngửi, chạm nếm mọi thứ…, tôi mới hiểu, trí tò mò chính là một trong những năng lực đặc biệt của các bạn nhỏ, là khởi nguồn của sự học hỏi, ham hiểu biết, sự sáng tạo và sự phát triển trí tuệ sau này.
Tuy vậy, theo quy luật tự nhiên, khi chúng ta lớn lên, sự háo hức về thế giới xung quanh không còn nhiều nữa, óc tò mò cũng dần bị giảm dần đi. Nhưng một tin vui mà tôi từng đọc được, đó là óc tò mò, ham hiểu biết là một phẩm chất có thể nuôi dưỡng và phát triển thông qua giáo dục, hàng ngày, hàng giờ, trong mọi môi trường từ gia đình tới lớp học và ngoài xã hội.
Dưới đây là một số hoạt động tôi vẫn thường làm với Daisy và Bánh Mì để cùng nuôi dưỡng đôi mắt háo hức và cái đầu (+cái miệng) hoạt động, hỏi han không ngừng của hai bạn ấy:
1. Cho con thời gian, cơ hội để tự quan sát, nhận định, khám phá:
Đối với các bạn nhỏ, thế giới xung quanh từ cái máy bay, ô tô cho tới cái túi lưới đựng hoa quả hoặc lõi giấy vệ sinh… đều có sức hấp dẫn và mời gọi trí tò mò khám phá như nhau. Việc người lớn yên lặng, đứng bên ngoài, cho con thời gian để các bạn ấy được tự mình khám phá bằng đôi mắt, đôi tay, được sờ mó, cảm nhận, rồi tự rút ra cho mình những nhận định… sẽ giúp các bạn ấy có được trải nghiệm thật nhất, sung sướng và say mê nhất.
Để làm được điều đó, chính bố mẹ mới là người phải rèn luyện nhiều hơn: luyện khả năng kiên trì với chính bản thân mình, kiên nhẫn chờ đợi và quan sát con tìm hiểu, kìm chế bản thân không được nhảy vào can thiệp nếu quá trình khám phá ấy hơi bẩn một chút, hơi không đúng quy trình hoặc không đúng với cách tiếp cận hàng ngày của người lớn.
2. Đừng hướng dẫn quá chi tiết
Người lớn vì đã biết trước, nên thường áp đặt những hiểu biết và kiến thức trong khuôn khổ ấy vào các bạn nhỏ. Thay vì đưa một món đồ chơi, đồ dùng cùng hướng dẫn chi tiết về cách chơi/dùng, tôi đơn giản là đưa nó vào tay các bạn nhỏ, để các bạn ấy tự do mân mê, khám phá, xem bóc ra như thế nào, lắp pin vào ở đâu, làm sao để cho nó hoạt động, cách dùng, cách chơi như thế nào…
3. Thay vì trả lời ngay các câu hỏi, hãy đặt lại các câu hỏi gợi mở hoặc đưa ra các gợi ý
Cách này tôi hay áp dụng để “câu giờ” với các câu hỏi của Daisy, vừa giúp tôi có thêm thời gian để suy nghĩ cách trả lời hợp lý, dễ hiểu, vừa giúp bé có cơ hội tự vận động và đưa lại các cách hiểu của bản thân. Với một bạn nhỏ hay thắc mắc về mọi điều, thứ tối kỵ là những câu của bố mẹ như “Sao con hỏi nhiều thế”, “Cái này trẻ con không cần biết để làm gì” hoặc “Lớn lên con sẽ hiểu”…
4. Cùng con tìm hiểu, khám phá
Thay vì ngay lập tức đưa ra câu trả lời hoặc hướng dẫn chi tiết, tôi thường cùng Daisy, Bánh Mì đi tìm đáp án. Quá trình này có thể là lục lại một cuốn sách, tra cứu trên mạng internet, hoặc đơn giản là hướng dẫn các bạn ấy cách tiếp tục khám phá đồ vật/sự vật/hiện tượng để tìm ra câu trả lời. Tôi thấy cách này sẽ rất hiệu quả và hữu ích để rèn luyện khả năng tự học, tự tìm hiểu sau này. Bên cạnh đó, khi tìm ra câu trả lời, đó sẽ là một câu trả lời có tính hệ thống, đa dạng thông tin chứ không chỉ là một định nghĩa khô khan thông thường.
5. Khuyến khích con tìm thông tin ở các nguồn khác nhau
Tôi vẫn nói với Daisy rằng bố hay mẹ hay bất kỳ ai đều không thể biết tất tần tật về mọi thứ. Mỗi người sẽ có những chuyên môn, vốn kiến thức và khả năng riêng. Đó là lí do vì sao mà chúng ta không ngừng học hỏi, không chỉ trong sách vở mà ở cả những người xung quanh nữa.
Đây là lập luận rất vững chắc để tôi có thể “đá” các câu hỏi của bạn ấy sang cho những “chuyên gia” khác, hoặc các nguồn các nhau, nơi bạn ấy có thể thoả sức hỏi, tìm hiểu.
Cách này cũng giúp Daisy hiểu rằng bạn ấy được bao quanh bởi những con người đầy hiểu biết và sẵn sàng chia sẻ những kiến thức ấy (và bản thân bạn ấy sau này lớn lên sẽ không ngần ngại khi chia sẻ kiến thức của mình với người khác). Trong trường hợp này, sự tò mò có thể tạo ra những mối quan hệ và sự kết nối.
Ví dụ: Nếu thắc mắc về y khoa, hãy hỏi bố; hỏi han về ô tô, xe máy xe đạp, cơ khí, lực lượng vũ trang… thì nhớ đến ông ngoại; những câu hỏi về thiên nhiên, động vật, cây cỏ, hãy để dành cho những chuyến dã ngoại đi rừng, tới thăm nông trại để trực tiếp hỏi các bác nông dân…